Đà Nẵng ban hành Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn tàu thuyền trên sông, biển
Đà Nẵng: 100% mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 / Từ ngày 15/9, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận người bệnh đến khám và điều trị đầy đủ các chuyên khoa
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng, trung bình mỗi năm có khoảng 91 lượt tàu du lịch quốc tế với 54.820 lượt thuyền viên và 113.870 lượt khách ra vào, hoạt động trên vùng biển TP Đà Nẵng. Cùng với đó, mỗi năm cảng Đà Nẵng tiếp nhận trung bình khoảng 1.010 lượt tàu vận tải quốc tế với khoảng 145.682 lượt thuyền viên, 235.230 lượt khách du lịch và 4,75 triệu tấn hàng hóa.
Tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bị bão, áp thấp nhiệt đới đánh chìm khi đang neo đậu tránh trú ngay trong âu thuyền Thọ Quang (Ảnh: HC)
Về tàu vận tải nội địa, trung bình mỗi năm có khoảng 3.790 lượt tàu hoạt động trên sông, biển Đà Nẵng với 45.800 lượt thuyền viên, 5,3 triệu tấn hàng hóa các loại và 20.240m3 gỗ. Đồng thời mỗi năm có khoảng 13.100 lượt tàu du lịch trên sông với hơn 69.000 lượt thuyền viên và 621.260 lượt khách du lịch.Vùng biển Đà Nẵng mỗi năm còn có khoảng 1.260 tàu đánh bắt thủy sản hoạt động, trong đó có 527 chiếc có công suất trên 300CV, chiều dài từ 15m trở lên. Hiện nay đã có 470 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 57 chưa lắp đặt thiết bị này (21 tàu đang hoàn chỉnh hồ sơ để lắp đặt; 36 tàu không đủ điều kiện hoạt động). Ngoài ra, thường xuyên có hơn 800 phương tiện đánh bắt thủy sản ngoại tỉnh ra vào hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng.
Trong khi đó hiện ở Đà Nẵng chỉ có 01 âu thuyền và 02 khu trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đảm bảo cho khoảng 1.689 phương tiện neo đậu. Qua phân tích số liệu, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng cho biết, số tai nạn tàu thuyền trên sông biển do điều kiện thời tiết như bão, ATNĐ chiếm 30%; tai nạn do lỗi kỹ thuật chiếm khoảng 40%; tai nạn do nguyên nhân khác bắt nguồn từ lỗi chủ quan của con người chiếm 30%.
Trước tình hình đó, Kế hoạch số 5928/KH-UBND của UBND TP Đà Nẵng về phối hợp ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên sông, biển được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động TKCN trên vùng biển Việt Nam và trong vòng nước cảng biển, sông thuộc TP Đà Nẵng quản lý.
Cụ thể, Kế hoạch 5928/KH-UBND xác định lực lượng ứng phó với tai nạn tàu thuyền bao gồm lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan thuộc TP Đà Nẵng, của Trung ương đứng chân trên địa bàn TP; các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động TKCN trên vùng biển Việt Nam và trong vùng nước cảng biển thuộc TP Đà Nẵng quản lý… đặt dưới sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất của UBND TP và Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng.
Trong đó bao gồm cả tàu thuyền các loại đang hoạt động trong lãnh hải Việt Nam hoặc có hành trình gần vị trí có tàu, thuyền gặp nạn; Hội Chữ Thập đỏ, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội, tình nguyện; phương tiện, lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa trong và ngoài khu vực theo thỏa thuận với Việt Nam (TP Đà Nẵng) hoặc do Việt Nam (TP Đà Nẵng) thuê…
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5928/KH-UBND là huy động nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả đối với tai nạn tàu thuyền trên sông, biển nhằm ngăn chặn hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.
Đồng thời giúp duy trì thường xuyên các lực lượng trên biển, góp phần bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam, khẳng định trách nhiệm của quốc gia trong việc tuân thủ các công ước, điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo