Phụ nữ dân tộc thiểu số Hà Giang: Khởi nghiệp từ những nhóm sinh kế
Luật Tiếp cận Thông tin với góc nhìn của CARE Quốc tế tại Việt Nam / Peugeot Việt Nam ưu đãi khách hàng dịp Giáng Sinh: Peugeot Care
6 xã và 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản
Huyện Quang Bình nằm ở cực Tây của tỉnh Hà Giang, là nơi sinh sống của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số người Mông, Dao, Tày, Pà Thẻn… Nguồn thu nhập của người dân chủ yếu đến từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ, với tỷ lệ nghèo chiếm 26,4%.
Care đã chọn 6 xã nơi này cùng 3 xã của tỉnh Lai Châu để thực hiện dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam" (dự án AWEEV) trong giai đoạn 2021-2025.
Từ nguồn kinh phí 4,5 triệu USD từ Canada cho dự án, Care đã hỗ trợ được 6 tổ nhóm và 32 nhóm sinh kế, tín dụng tiết kiệm tự quản với 732 thành viên. 150 phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Quang Bình đã thực hiện các nhóm sinh kế nuôi gà, lợn, dê.
Lấy phụ nữ làm trung tâm, xây dựng các mô hình kinh tế do chính chị em thảo luận, quyết định và lựa chọn đầu tư, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn là một trong những điểm khác biệt của dự án. Hiện nay, các nhóm sinh kế do dự án tài trợ vẫn đang được triển khai và phát triển tốt. Qua đó, giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin phát triển kinh tế, khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.
Cụ thể, về nhóm sinh kế nuôi dê, dự án đã cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn, tham dự các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng của dự án. Những lứa dê khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, tăng đàn nhanh đã và đang mang lại thu nhập cho bà con.
Điều rất đáng ghi nhận là, không chỉ dừng lại hỗ trợ vốn cho một vài hộ gia đình, nhóm sinh kế nuôi dê đã được AWEEV cho vay quay vòng. Mỗi chị em được vay tối đa 5 triệu đồng. Các hộ được vay trong thời hạn 18 tháng, chia làm hai lần trả gốc để dành cho các chị em khác vay.
Cũng bằng việc cho vay vốn quay vòng, nhóm sinh kế chăn nuôi lợn, gà, vịt đầu tròn tại Quang Bình cũng mang lại hiệu quả rõ rệt cho bà con. Để bán hàng, chị em phụ nữ không cần phải mang đi xa, chỉ cần đăng lên nhóm zalo của chi hội phụ nữ thôn bản đó là bán được.
Đánh giá về hiệu quả của dự án AWEEV, bà Nguyễn Thị Quyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quang Bình cho biết, 6 xã nằm trong vùng dự án của Care đều khó khăn. Có những thôn, bản còn chưa có điện lưới.
"Sau khi dự án AWEEV triển khai đã tác động rất lớn đến việc phát triển phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện, nhất là góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15%, đến cuối 2023 giảm còn 9,2%. Tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2022 là 11,3% nay còn 7,8%", bà Quyên nói.
Những người đàn ông biết chia sẻ chuyện bếp núc, con cái
Dự án không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quang Bình về khả năng của người phụ nữ tự chủ làm kinh tế, mà còn thay đổi thái độ của người đàn ông đối với người phụ nữ trong gia đình mình. Trước đây, người phụ nữ dân tộc bị mặc định phải làm việc nhà thì hiện nay, họ đã có được sự chia sẻ của các ông chồng.
Một trong những điều mà AWEEV làm được tại Quang Bình là thông qua việc tài trợ hoạt động bán trú cho 4 trong số 11 điểm trường của Trường mầm non Xuân Hòa, xã Tiên Nguyên, người phụ nữ dân tộc thiểu số không còn phải hàng ngày đưa con đi học, ngồi chờ con tan học rồi đón con về. Thay vào đó, phụ huynh đổi công cắt cử nấu ăn cho các con nên người phụ nữ có thời gian làm việc, phát triển kinh tế nhiều hơn.
Những người đàn ông đã bắt đầu tình nguyện thực hiện công việc nấu ăn cho các con tại các điểm trường bán trú để người phụ nữ có thể toàn tâm tham gia các nhóm sinh kế cũng như thực hiện các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Đây cũng chính là giải pháp mà dự án nỗ lực làm giảm bớt gánh nặng chăm sóc và làm việc nhà không được trả lương cho người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Người phụ nữ dân tộc thiểu số bước đầu khởi nghiệp
Không dừng lại ở việc hỗ trợ chị em tư liệu sản xuất như máy thái chuối, bếp tiết kiệm củi, hỗ trợ hoạt động bán trú tại các điểm trường để các bà mẹ bớt thời gian việc nhà, AWEEV đã hỗ trợ vốn, nâng cao nhận thức và quyết tâm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp.
Chia sẻ với đoàn công tác của dự án trong chuyến đi thực tế cuối tháng 4 vừa qua, chị Hủng Thị Dạng – chủ của xưởng chế biến chè thành phẩm mang tên Thượng Trà (tại thôn Thượng Bình, xã Yên Thành) xúc động kể về sự thay đổi cuộc đời mình khi được dự án AWEEV hỗ trợ.
Dự án đã tạo ra những nhóm sinh kế hiệu quả, từ đó, biến những ấp ủ khát vọng khởi nghiệp của chị trở thành hiện thực. Không chỉ dừng lại ở việc trồng trọt, chăn nuôi, chị đã bước vào hoạt động sản xuất kinh doanh một mặt hàng được coi là đặc sản vùng, đó là chè.
Sau nhiều vòng tranh luận và thuyết phục trong cuộc thi hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị đã được hỗ trợ một phần chi phí và thiết bị chế biến cũng như đào tạo kỹ thuật để chế biến chè. Ba tháng sau khi hoàn thiện nhà xưởng và đào tạo kỹ thuật, chị Dạng đã sản xuất và bán một mẻ chè khô chất lượng tốt với giá cao hơn trước 15%. Sản phẩm chè của chị bắt đầu mở rộng thị trường, với kỳ vọng chất lượng ngày một tốt hơn và giá cả cao hơn.
Cũng như chị Dạng, chị Hoàng Thị Hiền tại tổ 1, thị trấn Yên Bình cũng đã khởi nghiệp thành công từ việc mở xưởng trồng nấm. Chị có ý tưởng trồng nấm từ trước và khởi phát với chỉ 2.000 bầu nấm từ năm 2018. Sau nhân rộng được tới 12.000 bầu, nhưng khi đó, việc trồng nấm của chị chỉ “túc tắc” để có thêm đồng ra đồng vào.
Đến năm 2023, khi được hỗ trợ từ dự án AWEEV cho vay không lãi suất hơn 110 triệu đồng và được hỗ trợ máy đóng bầu hơn 30 triệu đồng, chị Hiền đã thực hiện thành công ước mơ của mình. Chị mở rộng quy mô xưởng, trồng được tới hơn 21.000 bầu nấm và hoạt động tiêu thụ nấm ngày một thuận lợi, mang lại thu nhập cao hơn.
Có thể khẳng định, những nhóm sinh kế đã tác động rất tốt tới khát vọng khởi nghiệp của chị em phụ nữ dân tộc thiểu số Hà Giang. Người phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng khẳng định được vị thế của mình nếu họ được tiếp cận với vốn vay và được bắt tay chỉ việc, giống như những gì mà dự án AWEEV đã và đang thực hiện tại Quang Bình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo