Xem xét nâng mức vay vốn cho HSSV lên 1.350.000 đồng/tháng
Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, tính toán khả năng tài chính phương án điều chỉnh mức cho vay từ 1.100.000 đồng/tháng lên 1.350.000 đồng/tháng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27/11/2015.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, mặc dù mục tiêu của chương trình là “hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt” nhưng với đa số HSSV vay vốn là con em các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn lại ở các tỉnh hoặc các vùng nông thôn đến thành phố học thì bên cạnh học phí còn phải thêm các chi phí thuê nhà trọ, phương tiện đi lại và các chi phí sinh hoạt khác nên cũng gặp khó khăn.
Do đó, việc xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV là cần thiết, bởi trên thực tế kể từ khi thực hiện chương trình này (tháng 9/2007) đến nay cũng đã qua nhiều lần điều chỉnh mức cho vay.
Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình mức cho vay là 800.000 đồng/tháng và sau gần 2 năm, đến ngày 26/8/2009 mức cho vay được tăng thêm 60.000 đồng/tháng lên mức 860.000 đồng/tháng/HSSV và từ ngày 15/11/2010, Thủ tướng Chính phủ lại quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 900.000 đồng/tháng. Lần tăng mức cho vay gần đây nhất là từ ngày 1/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.
Bên cạnh đó, tại thời điểm ban hành Quyết định số 157 mức cho vay là 800.000 đồng/tháng/HSSV, qua khảo sát tại thời điểm đó mức chi phí cho học tập của HSSV khoảng 1,2 triệu đồng/tháng, như vậy mức cho vay này chỉ đáp ứng được khoảng trên 60% cho nhu cầu chi phí học tập của HSSV.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát thực tế tại một số tỉnh, thành phố năm học 2014 - 2015, chi phí học tập của một HSSV trong khoảng từ 3 triệu đồng/tháng đến 3,5 triệu đồng/tháng (chi phí cho 1 HSSV nông thôn lên thành phố học khoảng 3,5 triệu đồng/tháng), mức cho vay hiện nay là 1,1 triệu đồng/tháng mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 31,4% đến 37% nhu cầu chi phí học tập của HSSV.
Đặc biệt, mới đây, theo lộ trình tăng học phí Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo mức trần học phí được quy định tại Nghị định thì bình quân học phí có thể tăng thêm khoảng 10%.
Được biết, sau gần 9 năm triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV được xem là điểm tựa vững chắc giúp cho hàng triệu lượt HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đến nay, tổng nguồn vốn chương trình đạt trên 25.000 tỷ đồng, cơ bản đã đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tổng doanh số cho vay đạt gần 55.000 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 25.000 tỷ đồng với trên 3,2 triệu lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập.
Kết quả đạt được hơn 9 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với HSSV là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Điều đó khẳng định chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ về tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157 là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát triển các khu thương mại tự do sẽ là bàn đạp thúc đẩy dịch vụ logistics
Giá vàng thế giới ngày 14/11: Giảm phiên thứ 4 liên tiếp do USD tăng mạnh
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11
Giá heo hơi ngày 14/11/2024: Xu hướng tăng giảm không đồng đều
Giá ngoại tệ ngày 14/11/2024: USD đạt đỉnh cao nhất trong năm, cán mốc 106,51
Giá nông sản ngày 14/11/2024: Cà phê tiếp đà tăng, hồ tiêu giữ giá ổn định