Xét tuyển kỳ thi ĐH: Thí sinh điểm cao vẫn lo "trượt"
Sáng 10/8, khoảng 1.000 thí sinh (TS) xếp hàng dài chờ nộp và rút hồ sơ xét tuyển vào ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nhiều TS cho biết sau nửa chặng đường xét tuyển vào trường này, TS đã cơ bản nắm được thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng để quyết định tiếp tục tham gia cuộc đua xét tuyển hay rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Báo Pháp luật TP.HCM thông tin.
TS Nguyễn Thanh Nhàn có điểm thi khá cao (19,25 điểm) so với các TS cùng xét tuyển vào ngành quản trị nhà hàng và kỹ thuật chế biến nhưng vẫn lo: “Em đã quyết định ở nhờ nhà người thân để thay đổi nguyện vọng sang ngành ngôn ngữ Anh vì hy vọng cao hơn”.
Cũng theo tờ báo này, thí sinh Đặng Chí Cường cho biết: “Điểm thi của em là 18, nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Tuy nhiên, sau khi hai lần trường cập nhật dữ liệu thì điểm xét tuyển ngành này đẩy lên 18,75 nên em phải rút hồ sơ ra để nộp vào Trường ĐH Trần Đại Nghĩa”. Cường cho hay số TS nộp vào ngành này có điểm dao động 19-20 điểm, trong khi chỉ tiêu là 450 nhưng đến thời điểm này số hồ sơ nộp vào đã gần đầy.
ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 6.000 thí sinh và đã nhận được 8.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng Phòng Đào tạo cho biết, đã có 200 thí sinh rút hồ sơ trong ngày. Hiện có ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội đang ở mức điểm chuẩn tạm thời là 8,5/môn và có ngành ở mức hơn 7,0/môn. Ông Nguyễn Phong Điền cho biết: thí sinh đạt 25 điểm chưa chắc đã vào được ngành công nghệ thông tin (CNTT) của trường này vì phải có điểm trung bình 8,5/môn mới có thể hy vọng.
ĐH Ngoại thương, sau một số ngày nín thở chờ thí sinh, tới 10/8 đã thu được 2.400 hồ sơ, vượt chỉ tiêu với điểm thí sinh cao nhất là 29 và thấp nhất 22.Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng Phòng Đào tạo trường này cho biết, thí sinh đã bắt đầu rút hồ sơ (một ngày khoảng 10 người rút) và dự báo: Từ hôm nay, thí sinh sẽ rút hồ sơ. Một số thí sinh điểm cao tiếp tục nghe ngóng để nộp thêm vào trường này. Báo Tiền Phong thông tin.
Tại ĐHQG TPHCM, trong 7 đơn vị thành viên, 2 đơn vị nhận được nhiều hồ sơ ĐKXT là ĐH Kinh tế - Luật và khoa Y trực thuộc; các đơn vị còn lại vẫn đang chờ vì mới lấp đầy 75% chỉ tiêu hoặc dưới tỷ lệ này. Một chuyên gia của ĐH này cho biết, năm nay rất khó lường.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 5.300, tính đến ngày 10-8, trường đã nhận gần 4.000 hồ sơ xét tuyển. Dự kiến cuối tuần này số TS nộp vào sẽ tăng lên và bình quân mỗi ngày cũng có hàng chục TS rút hồ sơ do điểm thi thấp hơn các TS khác.
Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết đến nay số hồ sơ nộp vào trên 5.000, chưa phải là cao lắm, số hồ sơ nộp qua đường bưu điện cũng còn ít, có thể TS ở xa đang theo dõi thứ hạng điểm nên chưa vội nộp. “Dự kiến thời điểm gay cấn nộp hồ sơ xét tuyển diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, lúc này mới thực sự diễn ra cuộc đua xét tuyển” - ông Thanh dự báo.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, dù có rất nhiều thí sinh điểm cao nhưng những trường “đỉnh” hiện cũng chưa có nhiều hồ sơ. Dự báo, chặng “nước rút” (10-20/8) tới, hiện tượng rút-nộp hồ sơ để “về đích” sẽ diễn ra kịch tính.
Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM dự báo: Nửa thời gian sắp tới (10-20/8) việc rút hồ sơ sẽ diễn ra mạnh hơn. Thí sinh điểm tốt sẽ nộp vào nhiều hơn. Một nhà tuyển sinh nhận xét, điều này sẽ gây ra hiệu ứng đô mi nô trong các trường ĐH.
Cụ thể, thí sinh điểm cao nộp vào trường cao, đẩy điểm chuẩn tạm thời của các trường này lên cao, khiến cho thí sinh đã đỗ tạm thời trong thời gian vừa qua bật ra; thí sinh điểm khá cao bị bật ra sẽ nộp giấy ĐKXT vào trường thấp hơn và sẽ đánh bật các thí sinh đã đỗ tạm thời trước đó… Cứ như vậy sẽ tạo nên “cơn sóng” đô mi nô đáng kể trong hệ thống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo