Pháp luật

Xét xử đại án tham nhũng gần 2.500 tỷ tại Agribank

(DNVN) - Sáng nay 21/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đại án tham nhũng gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank. Trong số 18 bị cáo, một số người từng là cựu lãnh đạo ngân hàng.

Tin tức trên báo Lao động, sáng nay 21/12, TAND TP Hà Nội bắt đầu khai mở phiên tòa đối với vụ “đại án” tham nhũng làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). 

Trong 18 bị cáo, có 14 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và 4 cựu cán bộ hải quan. Các bị cáo được đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm Thị Bích Lương - cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội cùng 17 bị cáo liên quan đứng nghe tòa công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử.Ảnh báo An ninh thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu thẩm phán của TAND Hà Nội giữ vai trò chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa cũng có 26 luật sư bào chữa cho 18 bị cáo tham gia tranh tụng. Viện KSND Hà Nội được ủy quyền giữ quyền công tố tại phiên tòa.  Phiên toà dự kiến kéo dài 10 ngày, từ ngày 21 đến hết ngày 31/12.

Đây là 1 trong 8 vụ "đại án" được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Có mặt tại phiên tòa có 27 trên tổng số 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó bị cáo Phạm Thị Bích Lương có đông luật sư bào chữa nhất là 5 luật sư. 

Trong số 18 bị cáo, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương (sinh năm 1969, quê Nam Định) bị xác định là bị cáo đầu vụ.  Ngoài ra, một loạt các bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng Agribank cũng phải ra trước vành móng ngựa gồm: Chử Thị Kim Hiền (sinh năm 1958, nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội). Báo TTXVN thông tin.

Bị cáo Phạm Thanh Tân (sinh năm 1955, quê Thái Bình, nguyên Tổng Giám đốc Agribank), Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1962, quê Nam Định, nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị Agribank), Kiều Trọng Tuyến (sinh năm 1953, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng Agribank), Đỗ Tiến Long (sinh năm 1975, nguyên cán bộ phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội).

Giữ vai trò phạm tội thứ hai là Chử Thị Kim Hiền - cựu Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội.

Bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (sinh năm 1980, nguyên Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội), Nguyễn Hữu Thanh (sinh năm 1977, nguyên Phó Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội).

 

Bị cáo Trương Thị Út (sinh năm 1967, nguyên Phó Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội), Đặng Quang Chung (sinh năm 1977, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội), Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1964, nguyên Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp, nay là Ban Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank).

Bị cáo Phan Quý Dương (sinh năm 1978, nguyên chuyên viên Ban Tín dụng doanh nghiệp, Ngân hàng Agribank), Hoàng Thị Thu Hiền (sinh năm 1963, nguyên Trưởng phòng Tín dụng, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội). 

4 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan gồm Lương Thị Yên (sinh năm 1958, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Cục Hải quan Hà Nội) cùng 3 bị cáo nguyên là công chức Chi cục Hải quan Hà Tây: Hoàng Tuấn Khanh (sinh năm 1973), Đỗ Thị Liên Hương (sinh năm 1978), Nguyễn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1978). 

Cùng ra trước vành móng ngựa còn có bị cáo Lê Minh Hiếu (sinh năm 1974, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietmade và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, cổ đông Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam). 

Cáo trạng truy tố Phạm Thị Bích Lương cùng 17 bị cáo liên quan thể hiện, ngày 28-1-2011, Công ty CP Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam (gọi tắt là Công ty Lifepro) và Dự án Nhà máy Dệt-nhuộm-may công nghiệp ở tỉnh Ninh Bình của doanh nghiệp này cũng được đổi tên thành Dự án Luxfashion.  Báo An ninh thủ đô thông tin.

 

Thành lập ra liên doanh “ma quỷ”, Công ty Lifepro gồm nhiều cổ đông, trong đó có Công ty CP Lifepro Việt Nam và đối tượng tên Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada). Tuy nhiên, giữ vị trí cao nhất trong Công ty Lifepro lại là đối tượng tên Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc) – chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Bị cáo Phan Thanh Tân tại phiên tòa. Ảnh VĐ.

Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada) cùng nhóm quan chức của Cty Lifepro đã tạo dựng các hợp đồng khống để chiếm đoạt cả nghìn tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Cụ thể, phía Cty Lifepro đã tạo lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được phía ngân hàng phê duyệt, giải ngân.

Trên cơ sở đó, các đối tượng đồng thời chỉ đạo thuộc cấp khai khống số lượng vải, hoá chất, máy móc thiết bị nhập khẩu trong dự án Luxfashion, lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.425 tỉ đồng của Agribank Nam Hà Nội. Tuy nhiên, do đã bỏ trốn nên hành vi lừa đảo của nhóm tội phạm này đã được cơ quan điều tra tách hồ sơ, xử lý sau.

Liên quan đến nhóm các bị cáo trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan truy tố khẳng định, các đối tượng đã có hành vi lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Cty Lifepro không có căn cứ, không thẩm định hồ sơ cho vay cũng như việc bỏ qua các điều kiện giải ngân theo quy định, làm thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo