Thị trường

Xuất khẩu dệt may 2013: Chiến lược nào để đáng mặt anh cả ?

Năm 2012, xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 17 tỉ USD, dự báo từ nay đến 2015, xuất khẩu dệt may vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 và là ngành kinh tế xuất khẩu trọng điểm. Vậy ngành dệt may sẽ phải có chiến lược như thế nào để đảm bảo được vai trò “anh cả” xuất khẩu trong những năm tới.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn dệt may Việt Nam (VITAS) đã chia sẻ với độc giả về vấn đề này.

Ông Trường cho biết, mặc dù trong bối cảnh kinh tế 2013 dự báo tiếp tục có những khó khăn, song nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I/2013. Các doanh nghiệp dệt may đang bắt đầu một mùa sản xuất của năm mới.

- Người ta vẫn nói rằng trong khó khăn sẽ bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu của các ngành. Vậy với ngành dệt may trong giai đoạn vừa rồi như thế nào, thưa ông?


Trước hết phải nói rằng, điểm mạnh của ngành dệt may là cả một quá trình nhờ đã xây dựng được chiến lược cạnh tranh dài hạn đúng đắn của ngành dệt may. Đến nay, có thể khẳng định bước đi của ngành trong xác định chiến lược dệt may là đang đúng đắn.

Về điểm yếu có hai dạng, thứ nhất là điểm yếu xuyên suốt của toàn ngành. Sau hơn 10 năm, mặc dù đã có cải thiện đáng kể về tỉ lệ nội địa hóa, từ chỗ chỉ 25 - 30% nguyên liệu nguồn gốc nội địa lên 48 - 50% nhưng so với những nhà sản xuất lớn như Trung Quốc (90%), Ấn Độ (90-95%,) thì rõ ràng con số 50% của Việt Nam vẫn là điểm hạn chế.

 

Tuy nhiên, đây là điểm cần phải phấn đấu trong một thời gian dài và hiện ngành dệt may vẫn đang trong quá trình cải thiện tỉ lệ này, mỗi năm cải thiện 3-5% tỉ lệ nội địa hóa. Nhưng hiện đây vẫn là một điểm hạn chế làm cho năng lực cạnh tranh về giá tổng thế bị hạn chế so với các nước.

Thứ hai là hạn chế đặc thù năm 2012, so với các doanh nghiệp khác trên thế giới, không ở đâu mà doanh nghiệp lại phải gánh lãi suất vay ngân hàng cao như ở Việt Nam (12-15%/năm), cuối năm 2011 lên tới 17%/năm. Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

- Như vậy có thể thấy con đường phía trước của dệt may vẫn còn rất chông gai ?

Cũng không hẳn như vậy vì chúng tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy dư địa phát triển cho dệt may Việt Nam. Nếu đặt cạnh các quốc gia phát triển dệt may như Trung Quốc, Bangladesh thì giá trị kim ngạch 17-18 tỉ xuất khẩu của dệt may Việt Nam chưa phải là lớn. Ngay Bangladesh năm nay cũng tiệm cận con số 25-26 tỉ USD. Trong khi đó, tổng nhu cầu trên thị trường còn rất lớn.

Nếu trong 10 năm qua, việc tăng năng lực sản xuất của ngành tập trung phần nhiều ở đầu tư mở rộng, thì đến nay mục tiêu của ngành là chuyển từ tăng trưởng do đầu tư sang tăng trưởng về số lượng nhưng đi đến từ bài toán cải thiện, nâng cao năng suất.

- Có thể thấy cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành dệt may thế giới là rất lớn. Nhưng nếu chỉ với nỗ lực của riêng ngành dệt may Việt Nam dường như chưa đủ, thưa ông?

Ngành dệt may là ngành đặc thù, hoạt động theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó tất cả các nhà phân phối thường sở hữu chuỗi cung ứng bao gồm: may, sản xuất nguyên liệu, thiết kế… trong quá trình vận hành chuỗi cung ứng đã có sự định vị nhất định về năng lực và khu vực sản xuất. Vì vậy, việc dịch chuyển bản đồ dệt may thế giới không thể diễn ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Việt Nam hiện được coi là một điểm đến của ngành dệt may ở khu vực và thế giới.

Cho dù xác định Việt Nam là một trung tâm phát triển dệt may nhưng trong từng giai đoạn, các nhà đầu tư lựa chọn đến vào thời điểm nào, quy mô ra sao phụ thuộc rất nhiều vào ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, có đủ độ hấp dẫn hay không. Riêng đối với dệt may chỉ có một mặt thuận lợi hơn, đó là thị trường, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam đang có ưu thế. Vì thế, đó là một yếu tố tích cực để các nhà đầu tư quan tâm hơn đến việc đầu tư tại Việt Nam.

 

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn:  Internet



- Theo dự báo, 2013 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với các thị trường xuất khẩu. Ngành dệt may sẽ có những điều chỉnh gì trong năm 2013, thưa ông?


Xuất khẩu dệt may sẽ vẫn phải đi bằng “hai chân” trong đó tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có và tăng thị phần ở những thị trường mới.

Đúng là theo dự báo thì năm 2013 vẫn tiếp tục là năm có nhiều bất ổn. Áp lực về hoàn thành các mục tiêu xuất khẩu là rất lớn. Nếu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 17 tỉ USD, dệt may phấn đấu kế hoạch 2013 đạt từ 18,5 - 19 tỉ USD là trách nhiệm rất nặng nề.

Đến giờ phút này, các dự báo của các thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU… đều thấp hơn 2012. Nhật Bản và EU có cải thiện từ số âm lên số dương nhỏ khoảng 0,3-0,5%, điều đó chứng tỏ thị trường chưa có nhiều lạc quan. Dệt may Việt Nam vẫn phải lo lắng về thị trường, nguồn hàng, khách hàng...

Chính vì vậy, năm 2013 là năm dệt may Việt Nam tiếp tục phải kiên định thực hiện mục tiêu chiến lược đã thực hiện trong suốt 10 năm qua. Chúng ta đang đi đúng hướng và tiếp tục củng cố vị trí cạnh tranh trên cơ sở các hướng đi đúng đắn, đó là: nâng cao năng suất lao động, đi vào những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng khá và cao, tận dụng khả năng linh hoạt cao trong việc đáp ứng các đơn hàng quy mô nhỏ và vừa, thời gian giao hàng tương đối gấp để hình thành lên các đặc thù thị trường ngách của dệt may Việt Nam.

- Trong bối cảnh khó khăn, người ta vẫn nói tới việc tìm kiếm các thị trường mới là một giải pháp hữu hiệu?

Năm 2013, các thị trường chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và EU bởi các thị trường mới có thể kể ra rất nhiều nhưng quy mô lại rất nhỏ. Hiện nay, trung bình 1 tháng ngành dệt may phải xuất khẩu 1,5 tỉ USD, vì vậy một số thị trường được coi là mới nhưng mỗi năm cũng chỉ xuất khẩu được 30-50 triệu USD thực sự ảnh hưởng không nhiều. Chẳng hạn, thị trường Liên Xô cũ như: Nga, Belarus, Ukraina… đến các nước Đông Âu cũ hay như Châu Phi, Trung Cận Đông... cũng tăng trưởng khá. Nhưng tất cả những nơi đó, tỉ trọng chưa cao so với ba thị trường trọng yếu. Điểm khác biệt duy nhất trong năm 2011, 2012 chúng ta đã phát triển thêm được một thị trường và đóng góp được trên 1 tỉ USD là thị trường Hàn Quốc. Như vậy, chúng ta có bốn thị trường có kim ngạch trên 1 tỉ USD bao gồm: Mỹ 7 tỉ USD, EU 2,6 tỉ USD, Nhật Bản 2,1 tỉ USD và Hàn Quốc 1,1 tỉ USD.

Tóm lại, xuất khẩu dệt may vẫn phải đi bằng “hai chân”, trong đó tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có và tăng thị phần ở những thị trường mới.

 - Xin cảm ơn ông!

 

 

Đoàn Huế (Theo DĐDN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo