Thị trường

Xuất khẩu lao động: Bức tranh cần thêm mầu

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được coi là chìa khóa để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ) ở các huyện nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 71, chủ trương đưa lao động 62 huyện nghèo đi XKLĐ vẫn khó đạt kết quả như mong muốn.

Theo đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 của Chính phủ, người dân được vay 100% vốn không lãi suất và được hỗ trợ phí đào tạo, đi lại và ăn ở. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện số lao động các huyện nghèo đi XKLĐ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Năm 2012, trong số 73.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chỉ có 5.000 lao động thuộc 62 huyện nghèo.

 

Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động và ngoài nước, đa phần lao động đi XKLĐ chủ yếu là người nghèo, dân tộc ít người nên trình độ còn hạn chế. Họ không quen với chuyện làm ăn xa nhà và không muốn xa gia đình nên nhiều trường hợp sang đến nước ngoài một thời gian lại bỏ về. Có nhiều NLĐ đã tập trung học định hướng trong nước, nhưng gần đến ngày lên đường thì lại cương quyết không đi. 
 
Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên cho biết: Công tác XKLĐ tại 4 huyện nghèo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Ảng và Điện Biên Đông chưa thực sự hút người tham gia nên khó đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân là do thông tin từ những năm trước về việc làm không ổn định, thu nhập thấp đã ảnh hưởng tới tâm lý NLĐ. Mặt khác, do lao động ở các huyện nghèo rất hạn chế về trình độ văn hóa cũng như chuyên môn nên số người tham gia XKLĐ ở những nước có thu nhập cao còn ít. 
 
Phản ánh từ nhiều địa phương cho thấy, các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước Đông Âu dù có nhu cầu lớn nhưng lại yêu cầu rất cao và chi phí xuất cảnh lớn khiến lao động ở miền núi không thể tiếp cận được. Hơn nữa, trước khi đề án XKLĐ theo Quyết định 71 ra đời, cơ quan chức năng có phần buông lỏng công tác quản lý đối với các công ty lấy danh nghĩa đi tuyển lao động nhưng thực chất là các công ty "ma" chuyên lừa đảo khiến NLĐ phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang". Thêm vào đó công tác tuyên truyền chưa sâu sát và sinh động... nên đã xảy ra tình trạng người dân các huyện nghèo không mặn mà với XKLĐ. 
 
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cao Bằng cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực và uy tín trong công tác XKLĐ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp lao động huyện nghèo hiểu hơn về chính sách XKLĐ.
 
Từ thực tế trên, ông Đào Công Hải cho biết, trong năm 2013 để thúc đẩy XKLĐ tại 62 huyện nghèo, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó sẽ lựa chọn kỹ và công khai tên doanh nghiệp được phép đưa người đi XKLĐ. Cũng theo ông Hải, Malaysia hiện đang có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam khá lớn. Đây là thị trường tương đối dễ tính, đặc biệt từ ngày 1-1-2013, tiền lương tối thiểu của NLĐ tại các doanh nghiệp ở khu vực tây Malaysia (tập trung lao động Việt Nam đang làm việc) sẽ là 900 RM/tháng (6,3 triệu đồng/tháng) hoặc 35 RM/ngày (280.000 đồng/ngày). Chính vì vậy, NLĐ nên cân nhắc để lựa chọn thị trường phù hợp.
 
 
Gia Huy (Theo HNM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo