Y tế

Bệnh nhân đang điều trị Covid-19: Có những đêm tôi chỉ quỳ để thở với một chiếc gối “thần thánh”

DNVN - Từ trong phòng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Nguyễn Quốc Toàn (bệnh nhân 356) đã chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam câu chuyện anh đã bị mắc kẹt ở Bangladesh trong hơn 100 ngày do Covid-19 và những ngày tháng anh chống chọi cùng Covid-19 ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ra sao?

Cách ly có trả phí tại khách sạn như thế nào để không bỏ sót người mắc COVID-19? / Việt Nam 2 tháng không có ca nhiễm mới COVID-19, BN91 tự thở được 60 giờ

Nguyễn Quốc Toàn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Nguyễn Quốc Toàn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

LTS - Anh Nguyễn Quốc Toàn là một kỹ sư cơ khí, sống ở Quận 4, TP.HCM, anh làm tư vấn trưởng bộ phận cơ khí thiết bị trong một dự án lớn của Chính phủ Bangladesh do World Bank tài trợ. Anh bị phát hiện nhiễm Covid-19 (bệnh nhân 356) sau khi trở về từ Bangladesh trong chuyến bay ngày 3/7/2020, anh được chẩn đoán là bệnh nhân nặng nhất và phải thở oxi và điều trị tích cực 8 ngày trong phòng áp lực âm tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Sau những ngày hoảng sợ đầu tiên, anh đã bình tĩnh lại, suy nghĩ tích cực hơn và hiện giờ anh đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Sau đây là những dòng tâm sự của anh gửi Doanh nghiệp Việt Nam để chia sẻ với độc giả và bạn bè, người thân của anh.

Trở về sau hơn 100 ngày mắc kẹt ở Bangladesh, nhưng ngày về nhà còn xa

Sau Tết nguyên đán tôi có việc phải đi Dhaka chuyến đi từ 5/2/2020, ngày bay về 28/2/2020, thời điểm đó dịch Covid-19 mới bắt đầu ở Việt Nam nhưng chưa thực sự là vấn đề nóng. Bangladesh khi đó vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Nhưng do trục trặc visa và dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh tôi bị kẹt lại Dhaka thủ đô của Bangladesh. Chuyến bay của chúng tôi bị hủy vào ngày 26/3, sau khi các chuyến bay quốc tế đồng loạt bị hủy.

Câu chuyện sống trong thời Covid-19 chính thức bắt đầu. Cùng kẹt lại với tôi là 14 người Việt Nam cùng làm việc tại 3 công trường trong một dự án lớn của Chính phủ Bangladesh do World Bank tài trợ vốn. Thiết kế và tư vấn là một công ty của Pháp GERICO-FRANC, tôi làm tư vấn trưởng bộ phận cơ khí thiết bị cho họ (Head-Mechanical Manager). Sếp trực tiếp của tôi là Renaud Vahe - một gã người Pháp đặc trưng mắt xanh cao lớn 1,93m và rất tốt bụng luôn tự hào mình là blue eyes smart people, là dân thượng đẳng, vòng bụng chắc phải 1,2m. Renaud khi trở về Pháp cũng đã bị Covid-19 và phải nhập viện thở máy như tôi, nên chúng tôi có sự đồng cảm về Covid-19, khi biết tôi nằm phòng cấp cứu hắn rất lo lắng.

Những ngày bị mắc kẹt ở Thủ đô Bangladesh do chuyến bay chiều về bị hủy liên tiếp.

Những ngày bị mắc kẹt ở Thủ đô Bangladesh do chuyến bay chiều về bị hủy liên tiếp.

Khi các công trường đóng cửa do diễn biến của dịch, nhà nước Bangladesh đã lockdown ngay khi có ca nhiễm đầu tiên. Các chuyến bay quốc tế bị hủy không lâu sau đó, mọi người bắt đầu về thủ đô Dhaka để chuẩn bị cho chuyến bay ngày 26/3, nhưng mọi kế hoạch bị hủy bỏ. Bắt đầu hơn 100 ngày của tập thể 15 người Việt Nam, gồm 3 nữ trong căn hộ 250m2 và văn phòng làm việc có cùng diện tích ngay bên dưới.

Thời gian đầu mọi người rất ức chế vì cảnh chen chúc tập thể, tâm lý mọi người hoang mang, bức xúc nên đến giờ sinh hoạt chung bữa cơm là lúc tập hợp cả nhà lại thành thời gian căng thẳng, có những thứ không hay được xả bỏ.

Cuộc sống cứ như vậy trong cảnh đợi chờ và 1 tuần sau chúng tôi quyết định phải sống chung với lũ, cả nhà phân công lịch trực nhật, tự đi siêu thị nấu cơm, cách ly tuyệt đối. Mọi người bắt đầu chia nhóm và có sự gắn kết hơn thời gian trôi đi nhẹ nhàng hơn.

15 người Việt Nam cùng làm việc tại Dự án bị mắc kẹt tại Bangladesh sống chung trong một căm hộ 250m2.

15 người Việt Nam cùng làm việc tại Dự án bị mắc kẹt tại Bangladesh sống chung trong một căn hộ 250m2.

Những ngày bị kẹt lại Bangladesh, tôi vẫn phải làm việc online để xử lý công việc cho Sếp chỉ đạo từ Pháp. Tranh thủ hàng ngày tự tập thể dục 2h, sau 100 ngày cơ thể tôi đã khá cứng đủ để chống bất cứ con Covid nào, chiều cao 170cm, 72kg, số đo rất đẹp 100-86-99. Ngày tập hit 1h kết hợp đi bộ 6km. Đồng hành cùng tập gồm Thảo, Phong, Ngọc, sau này có Đạt và Thục tham gia.

Cứ đến chiều mấy anh em lại lên sân thượng tập thể dục và ngắm máy bay chờ ngày về trong hy vọng Chính phủ sẽ sớm có chuyến bay đưa người Việt bị mắc kẹt tại đất nước xa xôi này.

Thời gian chờ đợi rồi cũng đã có kết quả tốt đẹp, đến khi Đại sứ quán thông báo về lịch bay đưa chúng tôi về nước được ấn định là ngày 2/7 rạng sáng 3/7. Mọi người bắt đầu nôn nao, trằn trọc chuẩn bị cho ngày về.

Ba ngày chỉ quỳ để thở nhờ chiếc gối “thần thánh” của bác sỹ

Nhưng những dấu hiệu Covid-19 xuất hiện trong nhóm, ngày 24/6, lúc người đầu tiên trong nhà bị ốm không rõ nguyên nhân, đến 29/6 thì cả nhà gần như đều có dấu hiệu, chỉ riêng Thảo vẫn khỏe. Tôi gần như là người sau cùng chỉ thấy đau mỏi người và sốt nhẹ. Mọi người tự mua thuốc hạ sốt nấu cháo, nấu nước xông chăm sóc cho nhau. Mặc dù hàng ngày nhiều khi nhìn nhau đã thấy khó chịu.

Những dấu hiệu khó chịu đầu tiên xuất hiện từ ngày 24/6, nhiều người trong nhà cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Những dấu hiệu khó chịu đầu tiên xuất hiện từ ngày 24/6, nhiều người trong nhà cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.

Ngày về rồi cũng đến, chúng lúc tôi chuẩn bị kỹ càng đồ bảo hộ, thuốc hạ sốt, nước uống đồ ăn lên đường ra sân bay hồi hương lúc 22h ngày 2/7/2020, khi đến sân bay nhân viên sứ quán đã đón và hướng dẫn động viên bà con từ khắp nơi dồn về.

Niềm vui ngày được trở về.

Niềm vui ngày được trở về trên chuyến bay đặc biệt.

Tâm trạng lúc đó ai cũng vui chờ làm thủ tục để bay tuy nhiên thủ tục chuyến bay đặc biệt mất quá nhiều thời gian, từ lúc vào phòng chờ lúc 2h30 ngày 3/7 nhưng đến 5h30 máy bay mới cất cánh. Từ 2h30 trong phòng chờ mọi hành khách đã không có nước uống, khi ổn định chỗ ngỗi mỗi người được phát 1 chai nước và gói bánh Orineo. Sau 3h bay chúng tôi hạ cánh Vân Đồn, 9h30 hoàn thành thủ tục, lúc 11h15 vẫn không có một chai nước nào. Tôi cơ địa ra mồ hôi nhiều, lại phải làm cửu vạn khuân đồ vì nghĩ mình có sức khỏe, sau khi thu xếp xong hành lý thì gần như lịm đi, may em Đạt cho nửa chai nó nhặt được người khác đánh rơi.

11h30 chúng tôi bắt đầu lên xe của quân đội chuyển mọi người về Tiểu đoàn 2 Sư đoàn 390 đóng ở Thanh Hóa, trên xe đi xin được bác tài 2 chai nước chia cho mọi người. 4h20 đến Sư đoàn 390 bắt đầu làm thủ tục, 5h20 về nhận phòng, lúc này cơ thể đã bắt đầu khó thở, mệt mỏi vô cùng. Mọi người đi lấy đồ vệ sinh được cấp phát và ăn bánh ngọt uống nước.

Ngày đầu tiên nhập trại trong khu cách ly của Quân đội tại Thanh Hóa.

Ngày đầu tiên nhập trại trong khu cách ly của Quân đội tại Thanh Hóa.

Sáng hôm sau y tế về lấy mẫu Covid-19 để sàng lọc, cơ thể mệt mỏi không ăn được nên mọi người khá hoang mang.

Qua ngày 5/7, chúng tôi được thông báo bị nhiễm Covid-19, đoàn có 15 người thì 14 người dương tính. Chúng tôi được đưa lên xe chạy thẳng về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhập viện lúc 2h ngày 5/7. Tối hôm đó mệt mỏi rã rời nhưng vẫn còn thở được, tôi chỉ húp được ly nước canh cứ không ăn được, đầu óc choáng váng tự uống mấy viên Effaragan do chú Thắng mang vào lúc chiều hạ sốt tạm để ngủ.

Thắng là em trai tôi - nhà bố mẹ đẻ tôi cũng ở Đông Anh cách viện khoảng 2km, nghe tin tôi nhập viện Thắng đã chạy thẳng lên khu cách ly để đồ ở cửa thang máy cho tôi, may nó không bị nhiễm Covid-19.

Qua ngày 6/7, tôi hầu như không ăn được gì do khó thở, buổi chiều bác sỹ thăm khám các chỉ số có báo rằng: “anh chuẩn bị xuống Phòng Cấp cứu gấp, anh uống tạm sữa trong khi em đi chuẩn bị bình oxi”. Nhờ em Tuấn và y tá xin hộ cho 3 hộp sữa, tôi tỉnh táo lên được một chút. 10h đêm khi đã xuống Phòng Cấp cứu (Phòng áp lực âm) với dây dợ quanh mình tôi mới thấy hoang mang. 2 bác sỹ thông qua video call và một hộ lý gần như nguyên đêm hôm đó làm mọi cách để tăng chỉ số oxi, tránh phải dùng máy thở sẽ có biến chứng không hay, một đêm dài không ngủ giữa bệnh nhân và các bác sỹ.

Tú - điều dưỡng khoa cấp cứu luôn bên cạnh tôi nhưng chỉ được 10phút là máy lại báo động chỉ số oxi quá thấp, bác sỹ Bắc đề nghị tôi nằm úp để thở nhưng do cơ thể quá yếu được một lúc tôi lại đổ gục. Sau đó tôi nói anh Bắc: "cho em cái gối để em lót dưới bụng chứ quỳ em không còn sức". Và cái gối ôm của bác sỹ đã giúp tôi qua đêm đầu tiên chỉ quỳ để có thể thở.

8 ngày trong phòng Cấp cứu, thở oxi với những đêm dài vật vã do Covid-19 hành hạ.

8 ngày trong phòng Cấp cứu, thở oxi với có những lúc cơ thể cường tráng đổ gục do Covid-19 hành hạ.

Sáng hôm sau cơ thể bắt đầu dễ chịu hơn bác sỹ Bắc thông báo cho tôi rằng: “phổi của anh tối qua tổn thương nặng do biến chứng cấp tính bởi Covid-19 đang trong quá trình mạnh lên, anh phải cố gắng nếu phải thở máy thì sự việc sẽ rất phức tạp. Trong khi tôi cảm thấy rất mệt và khó chịu, cả buổi sáng đờm toàn máu cứ nhè từ ra từ miệng.

3 ngày như vậy, mọi việc dần ổn định. Trong lúc này quá nhiều cảm xúc ùa về, một trải nghiệm khó quên trong đời. Dù trước đó rất khỏe mạnh, cường tráng nhưng khi Covid-19 tấn công tôi chỉ đủ sức húp nước cháo chứ chưa ăn được gì.

Ba ngày chỉ quỳ để thở với chiếc gối được bác sỹ cho mượn.

Ba ngày chỉ quỳ để thở nhờ chiếc gối được bác sỹ cho mượn.

Ơn trời, bản chất tôi rất khỏe nên sau 8 ngày trong Phòng Cấp cứu, chiều 15/7 đã cai oxi và được ra khỏi phòng đặc biệt về phòng thường tiếp tục điều trị. Qua 15 ngày sống chung với Covid-19, kết quả là tôi sút 8kg, và có nhiều trải nghiệm không bao giờ quên.

Với trải nghiệm thực tế khi bị nhiễm Covid-19 nó dễ lây như hơi thở, chúng ta không hề hay biết, mặc dù chúng ta có ý thức phòng tránh cẩn thận, nhưng Covid-19 không chừa một ai. Nếu khỏe mạnh bình thường thì vấn đề không quá nghiêm trọng, nhưng khi biến chứng cấp tính xảy ra ngay cả người khỏe mạnh cũng dễ dàng đổ gục, biến chứng phổi cấp tính gây tổn thương quá nhanh. Nên đó là lý do các nước phương Tây họ chỉ cho nhập viện khi bạn không thể thở, nhiều khi không kịp. Cái này phụ thuộc vào sứa khỏe và cơ địa từng người, có lẽ tôi may mắn khi được xử lý kịp thời. Nhưng 3 ngày mê man đã là quá đủ. Khi được về phòng cách ly bình thường tiếp tục điều trị phục hồi hàng ngày với sự tận tình của tập thể y bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Những ngày dài trong viện, tôi nghĩ nhiều đến những người bạn của tôi ở khắp mọi miền, khắp các các quốc gia khi biết tôi bị Covid-19, đã động viên tôi rất nhiều, nhiều người bạn hỏi tôi cảm giác khi nhiễm Covid-19 nó như thế nào. Tôi xin được chia sẻ câu chuyện của mình đến những người bạn tôi vẫn còn ở Nhật, Canada, Mỹ, Việt Nam.

Cảm ơn Renaud, Thanh Sơn Đào, Đỗ Chung Chính, Đặng Văn Công. Xin gửi đến các bạn câu chuyện COVID 19 của tôi.

Tôi xin đươc cảm ơn tập thể bác sỹ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2 và các bác sỹ trên tuyến đầu chống Covid-19, họ thực sự là những người hùng thầm lặng trên tuyến đầu.

Xin được cảm ơn các Bác sỹ Bắc, Bác sỹ Thành, Bác sỹ Hiền, tập thể điều dưỡng đặc biệt điều dưỡng Tú đã đồng hành chiến đấu cùng tôi trong 3 ngày đêm thật đáng nhớ.

Cảm ơn cả nhà ASC đã cùng cam cộng khổ trong suốt hơn 100 ngày chia ngọt sẻ bùi khi còn ở Bangladesh.

Cảm ơn Sứ quán Việt nam tại Bangladesh đã có những động viên kịp thời thường xuyên với chúng tôi trong khi chờ đợi ngày trở về.

Cảm ơn những người bạn tôi đã động viên thường xuyên khi biết tin tôi bị Covid-19.

Cảm ơn Đảng, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã đón chúng tôi trở về.

Cảm ơn bố mẹ và gia đình nhỏ, vợ và 2 con gái đã luôn bên tôi.

Nguyễn Quốc Toàn (bệnh nhân Covid-19 số 356 từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo