“Âm sắc Việt Nam” - nơi tôn vinh văn hóa Việt
Hướng tới sự phát triển bền vững cho sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Âm sắc Việt Nam” dành cho khách du lịch trong và ngoài nước dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam.
Du khách hào hứng
Buổi sáng đầu tuần trời Hà Nội mưa và rét đậm, cái rét như “lặn” vào da thịt khiến cho bất cứ ai cũng ngại khi đi ra khỏi nhà. Vậy mà đông đảo du khách trong và ngoài nước đều háo hức đến dự ra mắt chương trình nghệ thuật đặc biệt lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam – chương trình“Âm sắc Việt Nam”.
Trong không khí ấm cúng, du khách vừa uống nước chè nóng, ăn kẹo lạc vừa được thưởng thức những bài hát, giai điệu của các thể loại âm nhạc truyền thống như hát xẩm, hát chầu văn, hòa tấu nhạc cụ dân tộc… Vợ chồng bà Maria Larke và ông David Larke (Du khách đến từ Australia) bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tiên được xem một chương trình nghệ thuật “Âm sắc Việt Nam”.
Bà Maria Larke nói: “Chương trình rất hay và đặc sắc. Đây là lần đầu tiên tôi được xem chương trình này, tôi thật sự rất vui và rất thích. Các tiết mục được thực hiện rất ấn tượng, đẹp mắt và thật tuyệt vời. Đây là lần tiên tôi tới Việt Nam nhưng tôi sẽ quay lại và sẽ giới thiệu mọi người đến đây”.
Tôn vinh văn hóa Việt
Là một chương trình chủ yếu dành cho du khách nước ngoài nên các tiết mục trong“Âm sắc Việt Nam” được chọn lọc khá kỹ để góp phần tôn vinh âm sắc Việt Nam. Chương trình gồm nhiều tiết mục đặc sắc, thuộc thể loại hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc như hòa tấu “Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ”; hòa tấu “Luyện năm cung”; độc tấu đàn bầu “Ru con Nam Bộ”; độc tấu nhị “Kể chuyện ngày mùa”; hát Xẩm tàu điện “Vui nhất có chợ Hà thành”, Thập ân”; hát văn “Hương sơn phong thủy”; hát chèo “Đò đưa”. Đặc biệt là tiết mục Hầu đồng với 3 giá đồng là Chúa Thác Bờ, Quan Hoàng Mười, Cô bé Đông Cuông…
Một tiết mục hầu đồng
NSƯT Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam) cho biết, nội dung chương trình sẽ được thay đổi linh hoạt để tránh sự nhàm chán cho khán giả: “Cũng là bài hát chèo, làn điệu chèo nhưng có những nghệ sĩ biểu diễn khác nhau. Chương trình này được chúng tôi tổng hòa lại, không phải là các tiết mục tách rời, lời dẫn và các tiết mục cài vào nhau trong một không gian để tạo nên một bức tranh về âm nhạc, âm sắc Việt Nam”.
Là người chỉ đạo nghệ thuật cho chương trình “Âm sắc Việt Nam”, NSND Thanh Hoa cho biết: Từ những lần đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới cùng công ty của mình, chị thấy một thực tế rằng: du khách nước ngoài đến với Việt Nam đều có một than thở là ngoài nghệ thuật múa rối nước, họ không có gì để thưởng thức. Điều này làm cho NSND Thanh Hoa rất trăn trở.
“Âm sắc Việt Nam” có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Vân Quyền, NSƯT Thu Hiền, NSƯT Dịu Hương… Chương trình diễn ra hàng tuần vào tối thứ 7, từ 20 giờ đến 21 giờ và vào sáng thứ 2, từ 10 giờ đến 11 giờ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Chính từ suy nghĩ này mà NSND Thanh Hoa đã gặp những người cùng tâm huyết ở Tổng cục Du lịch và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để có bàn bạc phối hợp cùng nhau thực hiện chương trình này: “Chúng ta chưa khai thác được những cái đẹp, tinh túy của nghệ thuật dân tộc để quảng bá cho du khách. Tôi kỳ vọng khán giả Việt Nam nói chung và khán giả Hà Nội nói riêng sẽ đến với chương trình để họ thấy rằng nghệ thuật Việt Nam tuyệt vời như thế nào. Với khách nước ngoài, tôi rất muốn quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam đến với họ. Khi âm nhạc, bản sắc văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì chúng ta phải tôn vinh, truyền bá với thế giới để họ thấy giá trị đích thực của văn hóa Việt Nam.”
Kết hợp để phát triển du lịch
Theo chị Phùng Thị Tú Anh (cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam), tham gia chương trình này, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam mong muốn góp 1 phần nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống: “Đối với các làn điệu truyền thống dân tộc về ý nghĩa và nội dung cũng rất hay gắn được với nội dung của bảo tàng. Ví dụ như khi chúng ta xem các giá hầu đồng, khi mà khách tham quan bảo tàng thì cũng đang có Triển lãm tín ngưỡng thờ mẫu Tâm Đẹp Vui cũng là triển lãm nói về nét đẹp trong tín ngưỡng thờ mẫu là 1 tín ngưỡng đặc sắc, riêng có ở Việt Nam. Như vậy, sự phối hợp rất ăn ý trong chương trình biểu diễn, du khách sẽ thấy bảo tàng thật sống động và họ hiểu hơn ý nghĩa của những phần trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.
Chương trình “Âm sắc Việt Nam” nhằm hướng tới sự phát triển bền vững cho sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, cho nên các buổi biểu diễn đầu tiên, các công ty du lịch và lữ hành được mời đến để trực tiếp đánh giá chất lượng của chương trình.
Bà Đặng Bích Thọ (Công ty Du lịch Phượng Hoàng) đánh giá: “Chương trình với nội dung phong phú, rất phù hợp với mong muốn của chúng tôi. Kết thúc buổi biểu diễn, tôi thấy 3 giá hầu đồng rất hay vì hiện nay Việt Nam đang trình UNESCO công nhận là di sản. Thời gian biểu diễn trong vòng 1 tiếng đồng hồ tôi cũng thấy rất phù hợp với khách nước ngoài vì họ còn dành thời gian đi tham quan bảo tàng và các điểm khác. Còn nội dung thì tôi nghĩ nên dịch ra 4 thứ tiếng in thành cataloge đưa trước cho khách du lịch để họ hiểu thêm.”
Thông qua chương trình nghệ thuật “Âm sắc Việt Nam”, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mong muốn tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng thu hút khách du lịch gần xa, đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Bích Hảo (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
NSND Việt Anh kết hôn với bạn gái 9x?
Hé lộ thông tin ít ai biết về gia thế của ca sĩ Jack - J97
Lộ ảnh bên trong lễ ăn hỏi của Phương Nhi và Minh Hoàng, 1 chi tiết thể hiện rõ tâm ý nhà vị tỷ phú
Ca sĩ Tuấn Cường tung ca khúc Tết "ai nghe cũng thấm"
Dàn diễn viên đình đám từ Bắc vào Nam góp mặt trong "Gala cười 2025"
Màn 'khóa môi' chấn động của Thiều Bảo Trâm với một 'chị đẹp' khiến dân tình rần rần