Văn hóa

'Bí kíp' cho dân phượt 'vi vu' miền Tây

Đi phượt đã trở thành một trào lưu và được sự hưởng ứng rầm rộ, nhiệt tình từ giới trẻ. Tuy nhiên, để hành trình trở nên “chất” hơn và có nhiều trải nghiệm thú vị thì đòi hỏi các “phượt thủ” cần trang bị những kiến thức và hiểu biết cần thiết.

“Phượt” là từ dùng để chỉ một hình thức du lịch bằng xe máy rất thịnh trong giới trẻ hiện nay. Nhu cầu đi du lịch đã trở thành thiết yếu đối với mỗi người. Có những gia đình một năm sẽ có một hoặc một vài chuyến du lịch để thư giãn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cho rằng đi du lịch theo các tour hoặc gia đình tự thuê xe đi là quá ràng buộc và nhàm chán nên muốn đi đâu cứ “vác ba lô lên mà đi”.

Đơn giản chỉ cần 2 người và 1 chiếc xe máy là có thể “vi vu” đi đến bất kỳ nơi đâu họ thích. Với những chuyến phượt như thế bạn trẻ sẽ có thêm trải nghiệm thú vị và mới mẻ hơn, họ có thể đi tới tận “hang cùng ngõ hẻm”, nơi mà những chuyến du lịch theo tour không thể nào đến được. Điển hình như Hồ Tà Pạ ở Tri Tôn, An Giang.

Ai cũng biết đó là cái hồ đẹp lung linh, khung cảnh hữu tình và được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc của miền Tây”. Tuy nhiên, đường lên hồ rất nhỏ, gập ghềnh khó đi. Chỉ có xe máy mới đi đến nơi được, những chiếc ô tô 4 chỗ trở lên cũng xin “đầu hàng”.

Phượt có những mặt lợi tuy nhiên cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Vì vậy mỗi khi phượt đến một vùng miền nào đó cũng cần phải “lộn lưng” một cuốn “bí kíp” để đi phượt.

Đối với những ai muốn phượt đến vùng ĐBSCL cũng thế. Cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết cần thiết. Miền Tây là vùng có phong cảnh hữu tình, sông nước yên bình và miệt vườn trĩu quả, có đường sá giao thông khá thuận tiện, người dân lại nhiệt tình, thân thiện nên du khách sẽ không gặp phải quá nhiều khó khăn cho chuyến hành trình của mình.

Hồ Tà Pạ hoang sơ nhưng đẹp đến mê hồn (Ảnh: Đình Thương).

Để phượt miền Tây từ TP Hồ Chí Minh, du khách có thể đi theo lộ trình dọc quốc lộ 1A qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và dừng chân tại Cà Mau. Nếu tiếp tục muốn đi tham quan, du khách có thể vòng lên Kiên Giang rồi tiếp tục đến An Giang, Đồng Tháp.

Với hành trình này du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hai cây cầu biểu tượng tuyệt đẹp của miền Tây là cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và mới đây Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng được khánh thành đưa vào hoạt động.

Đi phượt xuyên miền Tây bằng xe máy du khách sẽ có lợi thế về hành trình, đi, nghỉ, dừng tùy hứng và khỏi mất thời gian hoặc bỏ lỡ những địa điểm đẹp trong suốt chuyến đi. Tuy nhiên, các bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo, trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết trên tinh thần “đủ nhưng phải gọn” để dễ di chuyển.

Trước khi bắt đầu hành trình, các “phượt thủ” cần kiểm tra và bảo trì kỹ lưỡng “tuấn mã” của mình, kiểm tra máy móc, nhông sên dĩa... để đảm bảo an toàn trong suốt cuộc hành trình. Trong quá trình di chuyển, du khách cần chuẩn bị thêm các đồ bảo hộ chất lượng như nón bảo hiểm, bảo hộ khủy tay, đầu gối, áo phản quang, đèn pha cho xe máy để giữ an toàn.

Miền Tây có hệ thống đường nhỏ hẹp, chạy dọc theo những con kênh, sông sâu vì vậy nếu lần đầu đến đây bạn sẽ có chút bỡ ngỡ, không quen. Điều này yêu cầu các tài xế phải chú ý và những phượt thủ là “tay lái lụa” hết sức cẩn thận.

 

Để đảm bảo an toàn, du khách nên đi với tốc độ chậm, bật đèn pha sáng hết mức để không xảy ra bất cứ rủi ro nào. Một điều nữa là khi đi vào các đường làng, gặp những cây cầu không có lan can thì phải từ từ dắt bộ qua cầu vì không khéo có thể bị lọt xuống sông là “hỏng” cả hành trình.

Vì hệ thống kênh rạch dày đặc, những con đường nông thôn cũng uốn lượn, có nhiều ngã rẽ nên khi du khách đến miền Tây chắc chắn chuyện lạc đường sẽ “như cơm bữa”. Để đảm bảo cho chuyến đi, cần đem theo la bàn, sử dụng Google Map để định vị vị trí và tìm đúng đường.

Những nơi Google Map chưa cập nhật hoặc không xác định được vị trí thì tốt nhất nên hỏi người dân địa phương. Người miền Tây rất gần gũi, dễ thương nên khi bạn hỏi đường chắc chắn sẽ được chỉ nhiệt tình và rành mạch. Nhiều người còn sẵn sàng dẫn bạn đi đến nơi cần tìm.

Mục đích của các phượt thủ khi đi bằng xe máy là để có thể khám phá những nơi trong đồng, trong ruộng, heo hút, vắng vẻ mà xe ô tô không thể vào được nên cần phải trang bị xăng xe đầy bình. Tránh những trường hợp chạy trong nơi vắng vẻ, hẻo lánh, bị lạc đường chạy vòng vòng đến khi hết xăng lại không có cây xăng để đổ.

Cánh đồng lúa mênh mông nằm dưới chân núi, đan xen bên trong là những hàng cây Thốt Nốt (Góc nhìn từ Đỉnh đồi Tà Pạ) (Ảnh: Đình Thương).

Một điều nữa cần phải đặc biệt chú ý là miền Tây vào mùa hè có nhiệt độ khá cao nên du khách nên chọn loại áo khoác và khăn choàng mỏng, mang theo áo thun, áo sơmi ngắn tay, quần short và giày thể thao để di chuyển thuận tiện. Ở Miền Tây còn nhiều tuyến đường đất sẽ trở nên lầy lội khi trời mưa nên du khách hãy chuẩn bị thêm một đôi dép có đế bám chắc.

 

ĐBSCL có hệ thống kênh ngòi dày đặc nên rất tiện lợi khi di chuyển bằng tàu, thuyền. Từ đó, du khách hãy thử trải nghiệm di chuyển đến các điểm du lịch bằng thuyền hoặc đơn giản là bơi thuyền len lỏi trong những con rạch vào xa tít những địa điểm xa xôi mà ít người biết tới.

Để chọn các điểm đến cho chuyến du lịch miền Tây còn phải tùy thuộc vào từng mùa. Vì ở mỗi địa điểm trong một năm sẽ có những khoảnh khắc đẹp nhất. Du khách có thể dựa vào đó để sắp xếp cho mình một chuyến đi lý tưởng.

Mùa hè ở miền Tây là mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây, hàng chục loại trái cây kết trái, sum suê trĩu quả. Mỗi loại trái cây có một nét đặc sắc và hương vị riêng. Đến với miệt vườn Cái Mơn (Bến Tre) thì không thể nào bỏ qua sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh Hai Hoa, sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa.

Thẳng tiến tới Vĩnh Long vào độ khoảng tháng 5-7 bước vào mùa thu hoạch chôm chôm. Những trái chôm chôm chín đỏ thành chùm đung đưa trên cao luôn thu hút những ánh nhìn của du khách. Ngoài ra, Vĩnh Long còn nổi tiếng với cam sành Tam Bình vừa to, vừa ngọt, xoài…
Bước vào mùa nước nổi du khách có thể tận hưởng không gian sông nước. Vào dịp này, Rừng tràm Trà Sư (An Giang) trở nên đẹp lung linh và thơ mộng. Bèo phủ một lớp thảm xanh, hay bên tràm xếp thành 2 hàng thẳng tấp.

Miếu bà chúa xứ Núi Sam là nơi du lịch tâm linh tín ngưỡng của bà con cả khu vực ĐBSCL (Ảnh: Đình Thương).

Tiếng chim, tiếng cá, tiếng mái chèo tạo nên những thanh âm xáo động một khu rừng trời xanh biếc. Vào thời điểm này, hồ nước trời Búng Bình Thiên ở huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng lãng mạn không kém với những chiếc thuyền thoắt ẩn thoắt hiện trong lớp sương mù sáng sớm.

 

Mùa nước nổi về Đầm Thị Tường (Cà Mau) du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng “biển Hồ giữa đồng bằng”. Nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc thơ mông và hữu tình, nhất là vào mỗi buổi sáng và chiều tà.

Còn đối với những “phượt thủ” đến với miền Tây mùa giáp tết thì tuyệt nhiên đừng bỏ qua Làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp. Nơi đây trồng rất nhiều loại hoa như cúc mâm xôi, đại đóa, thược dược, mãn đình hồng, ớt kiểng…, và có hàng trăm loại thực vật quý hiếm miền Nam.

Nơi đây du khách có thể thỏa sức “tự sướng” để có những bức ảnh lung linh lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp của xứ sở miền Tây. Làng cây kiểng Chợ Lách – Cái Mơn, Bến Tre những ngày này không khí trở nên náo nhiệt hẳn lên. Nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng – cây ăn trái” của cả nước nhộn nhịp bất kể ngày đêm.

Về khâu ăn uống ngủ nghỉ, khi đến miền Tây các phượt thủ đừng coi thường những quán vỉa hè. Có khi đó lại chính là những món đặc sản “ngon hết sẩy”. Hãy tận hưởng từng món ăn lạ mắt, lạ khẩu vị đều hiểu hơn về vùng đất mình đã đi đến.

Và để cho chuyến “phượt” thêm thú vị và nhiều trải nghiệm tốt nhất, các du khách chúng ta nên xin tá túc lại ở nhà dân theo hình thức homestay. Du khách sẽ có cơ hội cùng ăn cùng ở và cùng làm với người dân địa phương để thấu hiểu hơn về tính cách, con người và phong tục tập quán nơi đây.

 

Nên đọc
Theo Pháp luật Việt Nam
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo