CEO Saigon Books Nguyễn Tuấn Quỳnh: Để khởi nghiệp bớt… đau thương
Liệu có thành công chỉ với…niềm tin?
Nguyên - 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học tại Mỹ và hăm hở về Việt Nam khởi nghiệp. Em đã theo học một khoá đào tạo về mô hình kinh doanh được dẫn dắt bởi một doanh nhân người Mỹ nổi tiếng. Trong khoá học, các câu chuyện thành công của học viên khoá trước được chia sẻ. Em như được tái sinh lần nữa. Em khát khao thành công. Em mơ đến một ngày, em trở thành doanh nhân trẻ thành công nhất Việt Nam. Em tự tin mang mô hình vừa được học đó về nước, mặc cho gia đình can ngăn vì muốn em lập nghiệp ở Mỹ.
Thông qua hai mối quan hệ, Nguyên tìm gặp tôi. Trong khi, tôi quần jeans áo thun ngồi cafe thì em mặc vest, cravat nghiêm túc. Mô hình kinh doanh của em là tạo ra một Hội đồng quản trị (HĐQT) mạnh, sau đó, vay vốn từ ngân hàng và đi mua lại các doanh nghiệp nhỏ trong cùng một ngành để tạo ra một doanh nghiệp lớn hơn. Em sẽ thoái vốn bằng cách niêm yết doanh nghiệp này hoặc bán đi.
Nguyên muốn đầu tư vào một ngành mà em nghĩ là tiềm năng nhưng không có chút kinh nghiệm, kiến thức. Em cũng chưa hình dung được việc điều hành doanh nghiệp sẽ như thế nào. Em chỉ có niềm tin là em sẽ thuyết phục được ngân hàng cho em vay với lãi suất thấp và thuyết phục thành công các doanh nghiệp nhỏ đồng ý cho em mua lại. Việc điều hành doanh nghiệp sẽ do HĐQT thực hiện.
Tôi phân tích cho em thấy những khó khăn khi tham gia vào ngành mà em chọn, những điểm phi thực tế trong mô hình kinh doanh này. Đồng thời, tôi cũng từ chối tham gia vào HĐQT của em. Tôi khuyên em nên chấp nhận đi làm thuê một thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, kiến thức về thị trường, tạo dựng mối quan hệ. Đồng thời, em nên đọc sách về quản trị. Em lắc đầu và vẫn rất kiên định với lựa chọn của mình. 5 ngày sau, em điện thoại cho tôi và hỏi thăm thông tin về một ngành khác. Tôi cho em vài cái tên doanh nghiệp trong ngành để em tìm hiểu.
Thật sự, tôi rất ấn tượng về sự tự tin của em. Tuy nhiên, ngoài sự tự tin đó và niềm tin vào mô hình kinh doanh được học, em không có gì hết. Em sẽ thành công với niềm tin của mình hay không? Tôi chỉ mong em ít va vấp!
Theo một số kết quả nghiên cứu của Kauffman Foundation, Đại học Duke và Viện Nhà sáng lập, cho thấy độ tuổi trung bình của một doanh nhân là 40 khi họ bắt đầu khởi nghiệp. Khi lập ra một dự án khởi nghiệp tăng trưởng tốt, thì chủ doanh nghiệp trên 55 tuổi nhiều gấp đôi những người dưới 35 tuổi.
Có rất nhiều doanh nhân thành công khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ có thể học hỏi từ những cố vấn giàu kinh nghiệm và những cuốn sách. Nên tinh thần học hỏi là điều không thể thiếu ở người doanh nhân khởi nghiệp.
Vì vậy, để khởi nghiệp bớt đau thương, bên cạnh sự tự tin, rất cần những trải nghiệm bản thân, cũng như chọn cho mình những cố vấn giàu kinh nghiệm và đọc các cuốn sách hay!
Bình tĩnh với giấc mơ của mình
Ba năm trước, lần đầu tiên tôi gặp Hồng tại cuộc thi khởi nghiệp. Dự án của em được lọt vào vòng chung kết Top 100 nhưng không nằm trong nhóm được giải. Khi đó, em đang còn là sinh viên. Em giờ làm marketing cho một công ty lớn, thu nhập tốt.
Hồng hẹn tôi cafe. Câu chuyện không liên quan đến công việc hiện nay mà là hành trình 3 năm qua của em cùng dự án của mình. Em vẫn đang đeo đuổi nó. Em đã đi gặp hàng trăm người, tham khảo nhiều mô hình tương tự, tự học thiết kế website và đêm về, vẫn thao thức với dự án. Câu hỏi đau đáu của em là: tại sao dự án tương tự tại Trung Quốc rất thành công mà Việt Nam thì chưa làm được?
Em cần tôi tư vấn về các số liệu đầu ra. Đây là những thông tin mà chỉ có người trong ngành xuất bản mới biết. Dự án của em là phần bổ sung cho hệ sinh thái kinh doanh của tôi. Nên việc tôi xem xét đầu tư là khả thi. Em cho biết, em sẵn sàng nghỉ việc để theo đuổi tiếp tục dự án. Em coi nó là sứ mệnh của mình.
Nhưng em cũng rất tỉnh táo. Em nói, cho em thêm thời gian để lập phương án kinh doanh trên cơ sở các thông tin được cập nhật. Nếu dự án chưa có hiệu quả thì em sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm thêm nguồn doanh thu. Em hứa sẽ quay lại cafe với tôi khi có được demo sản phẩm và phương án kinh doanh cụ thể. Tôi có hỏi em: nếu các “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực này thì sao?
Em tự tin cho biết với mối quan hệ mà em đang có, cùng kiến thức và sự quyết tâm, cộng thêm sự giúp sức của tôi thì dự án vẫn “đứng được”. Nếu cạnh tranh khốc liệt quá, có thể đàm phán để bán lại doanh nghiệp cho đối thủ. Em sẽ xây dựng công ty đủ “hấp dẫn” để bán lại khi cần. Với em, quan trọng nhất là “tạo được sân chơi” cho các bạn trẻ Việt. Còn em có làm chủ hay chỉ làm thuê cho dự án này không phải là điều quan trọng nhất!
Và trong thời gian đó, em vẫn tiếp tục đi làm thuê. Tôi hỏi, quản lý của em có biết em đang đeo đuổi dự án này không? Em trả lời là có. Em vẫn làm tốt công việc chuyên môn của mình vì nó giúp em có thêm kinh nghiệm và thu nhập. Đây là công ty lớn nên khi em vẫn đảm bảo được KPI thì không bị điều tiếng gì.
End of content
Không có tin nào tiếp theo