Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Cháy” chuối bán cho thương lái Trung Quốc, không lo bị lừa!

Thương lái Trung Quốc đang thu mua chuối với mức giá cao hơn gấp 3 lần so với những thời điểm khác.

 Đẩy giá gấp 3 lần

Ông Trần Danh Thế, giám đốc Công ty cổ phần sinh học Xanh Việt (Đồng Nai) cho biết, trong khoảng một tháng trở lại đây tình hình thương lái Trung Quốc thu mua chuối của người dân Đồng Nai rất sôi động so với những năm trước.
 
Thời điểm sốt giá bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến đầu tháng 5.
 
Thương lái Hàn Quốc, Trung Quốc tranh mua chuối của Việt Nam
 
Ông Thế cho biết, diện tích trồng chuối của công ty này vào khoảng 10 mẫu, với sản lượng trung bình 7-8 tấn/mẫu,nhưng thời điểm này công ty đã “cháy hàng” không còn đủ chuối để bán mà phải đi gom từ các diện tích vệ tinh của những người nông dân. Trung bình mỗi ngày lượng hàng cung cấp cho Trung Quốc 2 contenner, khoảng 50 tấn chuối/ ngày (khoảng 600 triệu/ ngày).
 
Với Hàn Quốc cũng thu mua với lượng ổn định là một contenner một ngày, tuy nhiên mức giá thấp hơn tới vài ngàn đồng/kg so với Trung Quốc.
 
Hơn nữa, yêu cầu về chất lượng của Trung Quốc cũng không cao so với Nhật, Hàn Quốc, chỉ cân mẫu đều, sáng chứ không quan trọng nhiều tới an toàn thực phẩm, hay yêu cầu chất lượng.
 
Lý giải hiện tượng chuối Việt Nam đột ngột bị sốt giá ông Thế cho biết là do thị trường xuất khẩu chuối trái lớn nhất thế giới là Philippines có năng suất chuối giảm hơn 50% so với năm ngoái vì bị ảnh hưởng của bão và dịch bệnh.
 
Do đó, Trung Quốc đã tìm tới thị trường Việt Nam. Đó cũng là lý do đẩy giá chuối của Việt Nam cao hơn gấp 3 lần so với những thời điểm khác, cụ thể trung bình từ 4.000-5.000 đồng/kg lên tới 12.000đồng/kg. Với mức giá bán này, nếu trừ chi phí người nông dân có thể thu về khoảng 400 triệu/năm.
 
Trong khi đó, tại các siêu thị trong nước vẫn có nhiều loại chuối được nhập với giá bán giá rất cao khoảng 28.000 đồng/kg, còn chuối Việt Nam chỉ bán với giá 4.000-5.000 đồng/kg.
 
Hiện, ông Thế đang là đầu mối đứng ra thu mua chuối để cung cấp cho thương nhân Trung Quốc, theo dự kiến công ty này đang lên kế hoạch mở rộng diện tích lớn hơn gấp nhiều lần để trồng chuối bán cho Trung Quốc.
 
Nhu cầu thật?
 
Thương lái Trung Quốc đang "bao thầu" rất nhiều sản phẩm trong ngành nông nghiệp VIệt Nam, từ các sản phẩm gần gũi và như lúa gạo, khoai sắn, cà phê, tiêu, dừa, thủy sản... đến các sản phẩm chưa biết để làm gì như rễ sim, lá điều khô, rễ tiêu hay thậm chí là đỉa, phân trâu khô.
 
Nếu bình tĩnh nhìn lại, không khó phát hiện những mánh khóe trong chiêu bài "đụng đâu mua đó” của thương lái Trung Quốc.
 
Việc thu mua theo kiểu vơ vét của thương lái Trung Quốc lúc đầu thu mua với giá cao, sau đó đột ngột dừng và quay trở lại ép giá khiến thị trường một số loại nông sản ở đây trở nên lũng loạn.
 
Một trong những phi vụ làm ăn gây bức xúc gần đây là việc các thương lái Trung Quốc tìm cách chi phối các sản phẩm từ dừa, khiến nhiều hộ sản xuất ở Bến Tre rơi vào cảnh khốn đốn, ngưng hoạt động hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết: 90% thạch dừa trong tỉnh do thương lái Trung Quốc bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng, thậm chí chất lượng mặt hàng.
 
Ban đầu các thương lái Trung Quốc đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao. Thấy có lời, nhiều hộ dân bắt đầu học hỏi quy trình để làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre phải điêu đứng vì không có thạch thô để chế biến.
 
Khi đã thống lĩnh được thị trường, thương lái Trung Quốc tìm cách hạ giá thạch dừa xuống tận đáy, từ thu gần 4 ngàn đồng/kg, đến nay chỉ còn hơn 1 ngàn đông/kg. Hàng loạt người sản xuất rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần do đã lỡ đầu tư sản xuất.
 
Ý thức được điều này nhưng do chạy theo lợi nhuận quá lớn mà người nông dân Việt Nam vẫn tự đưa chân vào bẫy.
 
Bản thân ông Thế cũng lo ngại tình trạng thương nhân Trung Quốc mua ồ ạt, đẩy giá lên rồi “biến mất” thì bao nhiêu hàng gom sẽ đổ sông, đổ biển. Tuy nhiên, vẫn phải bán vì giá bán cho Trung Quốc quá cao.
 
“Chuyện hiển nhiên từ trước tới nay khi làm việc với thương lái Trung Quốc vẫn không có ký kết hợp đồng, họ có nhu cầu mình bán “tiền trao cháo múc”. Nếu họ bỏ rơi nông dân thì hàng sẽ đổ sông hết”, ông Thế cho hay.
 
Nhưng, theo tính toán của ông Thế, diện tích trồng chuối của Đồng Nai hiện vào khoảng 300-400 ha, so với Philipine, Mexico… thì diện tích của Đồng Nai chỉ bằng một phần rất nhỏ của họ. Do đó đợi đến giai đoạn bão hòa thì còn rất lâu.
 
“Do nhu cầu thật, Trung Quốc cần chuối trái nên tạm thời không lo ngại tình trạng thương lái bỏ rơi nông dân”.
 
Được biết, đây không phải là điểm duy nhất Trung Quốc thu mua, còn rất nhiều điểm khác với số lượng lớn hơn gấp nhiều lần, theo ông Thế, Trung Quốc mua nhiều như vậy là do chuối bổ, tốt mà ai cũng thích ăn.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo