(DNVN) - Kẹo cu đơ, ram bánh mướt, bánh đa vừng, mực nhảy Vũng Áng, bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, bún bò Đức Thọ… là những đặc sản không thể bỏ qua khi ghé thăm Hà Tĩnh.
Kẹo cu đơ. Nhắc đến đặc sản Hà Tĩnh không thể không nhắc tới kẹo cu đơ. Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo và dính, có thể ăn không hoặc thưởng thức cùng với nước chè xanh.
Ram bánh mướt. Ai đã đến Hà Tĩnh mà chưa ăn bánh mướt cuốn với ram thì thật là uổng phí. Ram làm từ miến, thịt, ớt tiêu, nấm, lá lốt cuốn với bánh ram làm từ bột gạo… rán vàng. Ram theo tiếng Hà Tĩnh dùng chỉ món nem rán.
Bánh đa vừng. Bánh đa vừng hầu như có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam. Tuy nhiên, ngon nhất, đặc biệt nhất phải kể đến bánh đa vừng Hà Tĩnh. Khắp cả hai mặt chiếc bánh đa được rải đều một lớp vừng đen nhánh, khi nướng lên hương vị của hạt vừng quyện với mùi vị cay nồng của các loại gia vị khác như tỏi, tiêu... tạo nên một vị béo ngậy khó quên và luôn mang một hương vị riêng đậm đà của đặc sản Hà Tĩnh.
Mực nhảy Vũng Áng. Nói đến hải sản tươi ngon ở mảnh đất miền Trung không thể không nhắc đến mực nhảy Vũng Áng. Theo người dân nơi đây, mùa mực nhảy thường bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 7 (Âm lịch). Mực có thể chế biến thành nhiều món ngon như hấp, xào, nướng…
Bưởi Phúc Trạch. Đây là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg, số múi 14-16 múi/quả, tỉ lệ ăn được từ 48,1-54,1, số hạt bình quân trong quả 50-70 hạt/quả, độ BRIX (%) từ 10-12,8%, có mùi thơm nhẹ tự nhiên hơi đặc trưng, có vị ngọt hơi thanh chua, ngọt hậu.
Cam bù Hương Sơn. Nhiều năm qua, cam bù trở thành đặc sản quý của người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ đầu tháng 12 Âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Cam có vị ngọt thanh, thơm, mọng nước.
Bún bò Đức Thọ. Không như các loại bún trên thị trường thường được chế biến qua máy móc hiện đại, bún ở Đức Thọ vẫn giữ nguyên chất truyền thống làm bằng thủ công, được làm bằng tay vì thế sợi bún to tròn và có màu nâu nhạt, vì không qua công đoạn xử lý làm trắng màu bún. Thịt bò cũng phải là thịt của con bò được chăn thả vùng ven đê ở làng quê Đức Thọ, như thế thịt sẽ mềm, ngọt.
Nên đọc
Phượng Vũ (tổng hợp)