Hà Nội đang trải qua những đợt nắng nóng gay gắt và bạn thấy thật sự khó chịu. Nhưng hãy tưởng tượng bạn đang đứng giữa những sa mạc dưới đây để cảm thấy hạnh phúc hơn.
Thung lũng Chết, California, Mỹ: Nhiệt độ không khí cao kỷ lục được ghi nhận tại đây là 56,7 độ C, mùa hè năm 1913. Thung lũng là lưu vực dài, hẹp 86 m, được bao quanh bởi các dãy núi cao, dốc. Ánh sáng mặt trời làm nóng bề mặt sa mạc, nhiệt tỏa ra từ đá và đất bị mắc kẹt bởi các bức tường thung lũng cao khiến không khí nóng tăng lên. Nhiệt độ trung bình ngày nay tại đây là 47 độ C trong mùa hè. Đây cũng là nơi khô ráo nhất ở Bắc Mỹ. Ảnh: Sierra Club.
El Azizia, Libya: Là một đô thị và là thủ phủ quận Jafara ở tây bắc Libya, cách 55 km về phía tây nam của Tripoli. Để khẳng định danh hiệu là nơi nóng nhất trên trái đất, năm 1922 nhiệt độ tại đây được báo cáo là 58 độ C. Tuy nhiên, danh hiệu này đã bị tước bỏ năm 2012 khi các nhà khí tượng học tuyên bố việc ghi nhận này không hợp lệ. Mặc dù vậy, thị trấn này vẫn thường xuyên trải nghiệm thời tiết ngột ngạt trên 48 độ vào giữa mùa hè. Ảnh: Digital Alcohol.
Dallol, Ethiopia: Khu vực này là một trong những thành tạo muối, suối nước nóng có tính axit và các mạch phun khí với nhiệt độ trung bình hàng ngày là 41 độ C. Số liệu được ghi lại hồi năm 1960-1966. Thị trấn này hiện nắm giữ kỷ lục chính thức về nhiệt độ trung bình hàng năm cao nhất cho một nơi sinh sống trên trái đất. Ảnh: Pinterest.
Wadi Halfa, Sudan: Là thành phố ngột ngạt nằm trên bờ hồ Nubia, Sudan. Quanh năm, Wadi Halfa hầu như không có mưa. Tháng 6 là thời điểm nóng nhất ở đây, với nhiệt độ trung bình là 41 độ. Nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận là 53 độ vào tháng 4/1967. Ảnh: Surfing Africa.
Dasht-e Loot, Iran: Cao nguyên sa mạc này có nhiệt độ mặt đất nóng nhất hành tinh. Các phép đo vệ tinh được thực hiện từ năm 2003-2009 cho thấy nhiệt độ tối đa là 70,7 độ C. Bởi vậy, không cần phải nói, khu vực này không có người ở. Ảnh: Mother Nature Network.
Ghadames, Libya: Ghadames là một thị trấn ốc đảo lớn ở phía tây bắc của Libya, gần biên giới Algeria và Tunisia. Ốc đảo nằm giữa sa mạc này giờ đây là Di sản Thế giới của UNESCO bởi những túp lều mang tính biểu tượng làm từ bùn, giúp bảo vệ 7.000 cư dân khỏi sức nóng dữ dội. Được gọi là "ngọc trai của sa mạc" và nổi tiếng với khu định cư có tường bao quanh như mê cung, nhiệt độ Ghadames đạt mức cao trung bình là 40 độ C và mức cao nhất là 55 độ C. Ảnh: Twitter - Rare Delights Magazine.
Sa mạc Kalahari: Trải dài dọc theo lãnh thổ của 3 quốc gia miền Nam Châu Phi: Botswana, Namibia và Nam Phi, Kalahari là một sa mạc lớn, khô cằn. Một số đụn cát Kalahari kéo dài về phía tây đến sa mạc Namib, tạo ra dải cát liên tục lớn nhất trên trái đất. Nhiệt độ ban ngày tại sa mạc vào mùa hè có thể lên đến 45 độ C. Còn vào những đêm mùa đông, nhiệt độ có thể hạ xuống -15 độ C. Với sự chênh lệch nhiệt độ lớn, nơi đây được xem là sa mạc khắc nghiệt, khó tồn tại sự sống. Ảnh: Hesed.info.
Sa mạc Syria: Có địa hình đặc trưng kết hợp giữa thảo nguyên và sa mạc, bao gồm 500.000 km2 của khu vực Trung Đông. Các nhà khoa học đã gọi sa mạc này là "vùng đất chết". Nơi đây còn có ngọn núi lửa lớn nhất vùng Trung Đông - núi lửa Es Safa gần Damascus. Trong khu vực sa mạc có các lỗ thoát dung nham hoạt động cách đây 12.000 năm đang có dấu hiệu hoạt động trở lại. Điều đó càng khiến cho sa mạc Syria trở thành mảnh đất chết chóc không dành cho con người sinh sống. Ảnh: Sutori.
Sa mạc Sahara: Sahara là hoang mạc lớn thứ 3 trên trái đất (sau châu Nam Cực và vùng Bắc Cực), với diện tích hơn 9 triệu km2 và có tuổi đời 2,5 triệu năm. Sahara còn sở hữu những cồn cát lớn nhất thế giới. Một số có thể cao gần 183 m. Khí hậu ở sa mạc này cũng đã trải qua nhiều biến đổi to lớn giữa độ ẩm và khô trong vài trăm nghìn năm qua. Nhiệt độ trung bình ở Sahara là 29 độ C, nhưng cũng có thể đạt tới 49 độ C trong những tháng nóng nhất năm. Đặc biệt, nhiệt độ kỷ lục tại đây được báo cáo là 57,7 độ C. Ảnh: Miriadna.
Nên đọc
Theo Zing