“Điện Biên Phủ trên không”: Sống lại để tự hào hơn
Ký ức về Hà Nội những ngày tháng 12 năm 1972 chưa bao giờ phai mờ trong lòng những người đã trải qua những ngày tháng ấy. Đúng 40 năm sau, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không được nhắc nhớ bằng nhiều hoạt động kỷ niệm, để người dân Hà Nội cũng như cả nước không nguôi niềm tự hào vì đã kiên cường, dũng cảm lập nên một kỳ tích của thế kỷ XX.
Không thể nào quên
Trong ký ức của ông Phùng Tửu Bôi, một cán bộ lâm nghiệp thì cuộc sống người dân Hà Nội những ngày cuối năm 1972 gắn liền với hình ảnh những căn hầm và chiếc xe đạp. Thời ấy Hà Nội có đủ các dạng hầm, là nơi trú ẩn, căn nhà thứ hai của mọi người trong những trận bom. Có hầm cá nhân, hầm công cộng, hầm trong mỗi căn nhà, hầm ở ngoài đường phố… Chiếc xe đạp thì gắn với mọi hoạt động di chuyển của con người: đi làm, đi học, đi sơ tán, cứu thương…
Ông Bôi không thể nào quên ngày đầu tiên Hà Nội bị ném bom, ông từ Sơn La là nơi sơ tán về Hà Nội họp. Ông vừa về đến cơ quan thì có còi báo động, tất cả cùng chạy xuống hầm. Sau những tiếng nổ ù tai, khi có còi báo yên, chui ra khỏi hầm thì ông và đồng nghiệp thấy một quả bom đang nằm ngay ở cửa hầm, còn chỗ vừa ngồi họp thì tất cả đều nát bét.
Những nguy hiểm luôn rình rập như thế nhưng người dân Hà Nội vẫn gắn bó với thủ đô. Dù đi sơ tán hay ở lại, họ vẫn thiết tha yêu thương mảnh đất này. Ngoài những lúc bom rơi, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường như thể không có bóng dáng của chiến tranh. Những làng hoa ngoại thành vẫn ngát hương, khoe sắc, đêm Noel Hà thành vẫn tấp nập nam thanh nữ tú hẹn hò nhau…
Hình ảnh Hà Nội đời thường trong chiến tranh như thế được tái hiện trong cuốn sách “Đối mặt với B52”, ra mắt vào những ngày đầu tháng 12 này. Cuốn sách là kết quả cuộc điều tra kéo dài hơn 2 năm của một nhóm các nhà báo. Họ đi tìm lại những ký ức của người dân Hà Nội và miền Bắc về cuộc chiến 12 ngày đêm năm 1972. Những câu chuyện của 116 nhân chứng trong cuốn sách ghép lại thành một câu chuyện chung, một bức tranh sinh động về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Cuốn sách gồm 3 phần: phần 1 là không khí cuộc sống miền Bắc, các hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh (chủ yếu là các cấp lãnh đạp và lực lượng phòng không, không quân); phần 2 là 12 ngày đêm đối mặt với B52 và phần 3 là Hiệp định Paris và hòa bình cho miền Bắc. Bên cạnh các số liệu và cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội, cuốn sách còn tái hiện cuộc sống bình dị, kiên cường của người dân Hà Nội trong chiến tranh. Đó chính là một phần sức mạnh tinh thần đã làm nên chiến thắng.
Lòng tự hào còn mãi...
Triển lãm ảnh “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội thu hút đông đảo người xem, không chỉ những người lớn tuổi đã sống qua những trận bom B52 mà cả thế hệ trẻ, đông nhất là sinh viên các trường đại học. Trầm ngâm đứng trước tấm ảnh chụp góc phố Khâm Thiên bị bom thả nát, không còn một ngôi nhà nào nguyên vẹn, Nguyễn Hải (sinh viên ĐH Bách khoa) thấy vừa ngạc nhiên lại vừa ngưỡng mộ quân dân Hà Nội đã vượt qua những mất mát, đau thương lớn như vậy để chiến thắng trong trận chiến với B52.
Những cuốn sách, triển lãm, những chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” không chỉ nhắc nhớ ký ức mà còn tiếp thêm niềm tự hào cho những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Những bức ảnh trong triển lãm được sắp xếp có chủ đích với một nửa bên này là hình ảnh Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972 trong những bức ảnh đen trắng, một nửa đối diện bên kia là hình ảnh Hà Nội phát triển thời bình trong những bức ảnh màu rực rỡ. Những hình ảnh tưởng chừng như đối lập nhưng đều toát lên tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường của người dân Hà Nội. Sự đối lập ấy cũng nhắc nhở rằng để có một Hà Nội đẹp đẽ, phát triển như ngày hôm nay, những thế hệ đi trước đã phải chiến đấu, đổ biết bao mồ hôi và xương máu.
Nhà báo Đào Huyền, trong quá trình làm cuốn sách “Đối mặt với B52” đã đi gặp, phỏng vấn hàng trăm nhân chứng của cuộc chiến 12 ngày đêm. Cô hết sức ngạc nhiên và khâm phục vì thấy các nhân chứng kể về cuộc chiến ấy không quá kinh hoàng và ác liệt như mình vẫn hình dung. Sự ác liệt là chắc chắn vì số lượng bom đạn trút xuống quá nhiều, nhưng qua lời nhân chứng thì cô có cảm giác ấy bởi họ đã đối mặt với nó hết sức kiên cường.
Dù đã đi qua những đau thương mất mát vì bom đạn B52 nhưng những người dân Hà Nội như ông Phùng Tửu Bôi, nhà báo quân đội Nguyễn Xuân Mai vẫn có những tình cảm tốt đẹp với những người dân Mỹ yêu hòa bình, những người đã từng phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ông Bôi hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày một tốt hơn để có thể cùng nhau bù đắp cho những người thiệt thòi, mất mát do chiến tranh.
Vẻ đẹp tinh thần của quân dân Hà Nội khiến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không sau 40 năm vẫn mang đầy ý nghĩa./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
'Nữ hoàng phim Trung Quốc' Trần Xung đi rửa bát ở nhà hàng Mỹ
Nam Em để lộ tình trạng tài chính hiện tại, tự đưa ra hướng giải quyết gây khó hiểu
Thanh Thanh Hiền gục ngã khi ly hôn Chế Phong, con gái lạnh lùng tuyên bố khi được hỏi về 'dượng'
Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
"Tái sinh" của Tùng Dương lọt top 1 Trending, gây sốt trên mạng xã hội
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2025 sẽ có 10 đội dự thi