'Góc khuất' đằng sau thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Top 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất năm 2013, liên tiếp 4 năm liền đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt,.. doanh nhân Phạm Nhật Vượng khiến người ta ngưỡng mộ không hẳn ở sự giàu có, mà ở khả năng làm được những điều không ai nghĩ là có thể.
"Tôi chỉ muốn kiếm tiền để giúp đỡ gia đình mình thôi”
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội (quê gốc Hà Tĩnh). Cha ông là lính phòng không, còn mẹ có một quán trà nhỏ ở vỉa hè. Khi ấy, kinh tế cả gia đình ông đều trông cậy vào quán nước nhỏ, ông kể lại: “Ước mơ của tôi khi ấy đơn giản lắm. Tôi chỉ muốn kiếm tiền để giúp đỡ gia đình mình thôi”
Khao khát làm giàu thôi thúc cậu bé năm ấy học tập hơn người. Năm 19 tuổi, Phạm Nhật Vượng nhờ thành tích xuất sắc trong môn Toán, được học bổng du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất, ngành kinh tế địa chất. Không ngờ đó chính là khởi đầu cho bước ngoặt lớn trên con đường vinh danh của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Năm 1993, khi Liên bang Xô Viết vừa sụp đổ rơi vào cảnh hỗn loạn, Phạm Nhật Vượng năm đó đã nhìn thấy cơ hội mới mở ra trước mắt. Ông từ bỏ ngành mỏ Địa chất mình đang theo học và cùng vợ là bà Phạm Thu Hương bắt tay vào kinh doanh. Với số vốn 10,000 USD vay từ bạn bè và người thân, ông liền mở một nhà hàng Việt Nam tên là Thăng Long, ở Kiev, Ucraina.
Ông từng chia sẻ với báo giới: “Người dân nơi đây lúc ấy cũng nghèo lắm”. Nhận thấy mỳ gói là sản phẩm tiện lợi phù hợp với hoàn cảnh khó khăn bấy giờ, ngày 8/8/1993, ông bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu “Mivina” theo quy trình sản xuất nhập khẩu từ Việt Nam. Loại mỳ này rất mới mẻ với người dân Ukraina và lập tức trở nên nổi tiếng. Nắm bắt ngay cơ hội phát triển đang đến, Chủ tịch HDQT VinGroup đã đánh cược vay 100,000 USD từ những người bạn Việt với lãi suất 8% một tháng để mở rộng sản xuất.
Đến năm 1995, thương hiệu mỳ “Mivina” bắt đầu xuất hiện trên thị trường rồi nhanh chóng trở thành tên thương hiệu cho hầu hết các thực phẩm ăn liền ở Ukraine. Sản lượng mỳ “Mivina” là 1 triệu gói trong năm 1996. Ông tung ra sản phẩm rau thơm khô đóng gói năm 1999 và bột khoai tây năm 2000.
Đến năm 2004, mỳ ăn liền hiệu “Mivina” đã chiếm tới 97% thị phần ở Ukraine. Năm 2007, doanh nghiệp của ông bắt đầu sản xuất thức ăn nhanh và sản xuất các loại súp đóng gói. Thành công vang dội, cái tên Phạm Nhật Vượng được xứng danh “ông vua thức ăn chế biến” tại thị trường Ukraina.
Đến năm 2010 sự nghiệp của ông rẽ sang một bước ngoặt khác khi Nestle mua lại công ty Technocom với mức giá không được tiết lộ. Ước tính doanh thu Technocom khi khoảng 150 triệu USD/năm.
Sau đó Phạm Nhật Vượng quay về Việt Nam, thời điểm này kinh tế đang vào thời kỳ bùng nổ, thương mại với Mỹ đã được bình thường hóa và vai trò của kinh tế tư nhân cũng ngày càng được nhấn mạnh. Vì vậy, ông nảy ra ý tưởng biến một số đảo hoang sơ tại Nha Trang thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kết quả là Vinpearl Resort Nha Trang 225 phòng ra đời.
Một năm sau, ông khai trương Vincom Bà Triệu - tổ hợp trung tâm thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau, ông bổ sung 260 phòng nữa tại Vinpearl và lắp cáp treo xuyên biển dài 3,2 km. Ông cũng cho xây dựng Vincom Village với hàng trăm biệt thự cao cấp. Vincom được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007. Trong khi đó, Vinpearl vẫn là công ty kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng độc lập. Năm 2012, Phạm Nhật Vượng mới sáp nhập hai công ty này thành Vingroup.
Đi lên từ hai bàn tay trắng, Ông chủ của Tập đoàn Vingroup chưa khi nào nghĩ lại có được trong tay một tập đoàn đồ sộ như thế này. Tính đến ngày 28/2/2014, ông nắm giữ số cổ phiếu đạt 21.774 tỷ đồng. trong Vingroup, đây là tập đoàn có giá trị khoảng 74.980 tỷ đồng, tuyển dụng hàng nghìn nhân sự trực tiếp và gián tiếp.
Những góc khuất đằng sau ánh hào quang
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của Doanh nhân Phạm Nhật Vượng có vẻ như là thảm đỏ trải đầy hoa hồng. Nhưng ít ai biết dù hoạt động kinh doanh sôi nổi nhưng doanh nhân Phạm Nhật Vượng lại là một người rất “kín tính”.
Có một tỷ phú nào trong Lễ Khánh thành Trung tâm thương mại của mình lại chỉ lặng lẽ ngồi nhìn buổi lễ ở hàng ghế đầu, không uống champagne, cắt băng khánh thành hay đọc diễn văn. Ông chỉ mỉm cười “Tôi thích tự mình cảm nhận hạnh phúc”. Chẳng vì thế mà con người điềm đạm ấy cũng chẳng bao giờ “kể khổ” - rằng mình đã khó khăn thế nào khi lập nghiệp.
Chỉ có thể nghe người bên cạnh ông chia sẻ mới thấy hết được thảm đỏ hoa hồng gai mà ông đã bước qua: “Moskva thời đó thường xuyên phải chịu các biến động….có quá nhiều sự cạnh tranh, quá nhiều “anh tài”, quá nhiều những người có sẵn vốn kinh doanh và các mối quan hệ từ trước khi mình bước chân vào DOM5 (trung tâm buôn bán sầm uất nhất Moskva của bà con người Việt lúc đó)...
Tình hình an ninh ở Moskva lúc đó không được đảm bảo tốt lắm, mọi người ai cũng nơm nớp lo bị trấn lột, cướp bóc.. Bản thân tôi lúc đó nghe chuông điện thoại réo phải nhìn thấy số quen thì mới bốc máy… Rồi mỗi khi có ai gõ cửa phòng, phải nhìn qua lỗ kiểm tra, thấy mặt quen mới mở cửa” “Lúc đầu, hàng bán cũng trầy trật, có khi cả tháng không hết một công, tưởng “sập tiệm” tới nơi..” (Anh Lê Viết Lam – doanh nhân cùng lập nghiệp tại Ukraina – nay là người đứng đầu Tập đoàn Sun Group – Theo AnninhThegioi)
End of content
Không có tin nào tiếp theo