Văn hóa

“Khóc trâu” - bài dân ca mang đầy tính nhân văn của dân tộc M’Nông

Trong hệ thống nghi lễ và lễ hội, theo quan niệm cổ truyền của người M’Nông cần phải có lễ vật cúng thần linh, mà lễ vật càng lớn thì càng được thần linh phù hộ nhiều hơn: Mùa màng bội thu, con người mạnh khỏe, hạnh phúc. Do đó tùy theo quy mô lễ hội, sẽ có lễ vật tương ứng: Có thì trâu hoặc heo, còn nhỏ thì gà. Tương tự, rượu cần có: Ché lớn, ché vừa, ché nhỏ.

Đối với các lễ như: Mừng chiến thắng, lễ kết nghĩa bon, lễ mừng mùa… lễ vật tế thần theo quy định phải giết (đâm trâu) với ché rượu cần lớn. Trước khi đâm trâu thường có bài “khóc trâu” trong không khí mang tính linh thiêng.

Khi ngày lễ đã ấn định, bon trên bon dưới được mời, kéo nhau về dự lễ hội. Tại khoảng sân rộng, cây nêu đã dựng và con trâu đã buộc vào gốc cây nêu, lúc đó dẫu biết rằng nuôi trâu là để tế thần linh nhưng tình cảm con người vẫn bồi hồi:

“Trâu ơi! ta thương tiếc trâu ta lắm

Cây cột Blang họ đã chôn rồi

Họ đã cột dây vào cổ trâu rồi

Khách dự lễ họ đã đến đây rồi”.

Mọi việc như xong rồi, số phận và nhiệm vụ của trâu là phải vậy và vẫn biết là vậy, họ vẫn thương tiếc con trâu bằng cách là động viên, an ủi trâu với lời chia sẻ tha thiết:

“Trâu hãy ăn lá cỏ lần cuối

Trâu hãy ăn lá bông lần cuối

Trâu hãy ăn lá lau lần cuối

Trâu hãy ăn lá rừng lần cuối”.

Nghi lễ khóc trâu được diễn ra trước khi tiến hành lễ đâm trâu để bày tỏ lòng tiếc thương đối với con trâu. Ảnh: Đức Diệu.

Ai đã từng chứng kiến trước phút “biệt ly” với giọng của người khóc trâu như lời than, chứa chan nỗi niềm, người nghe cũng thấy xốn xang trong lòng. Bằng động tác vuốt ve của người chủ lễ, từng lá cỏ, lá bông, lá lau, lá rừng đưa cho trâu ăn. Trâu thấy người thương nó như vậy nên nó cũng há miệng ra, nhưng cỏ, lá, bông đưa vào miệng cứ rơi ra ngoài, nhiều người phải khóc. Thời khắc ấy bài khóc trâu nhắc về kỷ niệm, nhắc đến những đóng góp của con trâu, kể cả chiến công giữa chú trâu đánh nhau với bạn bè nó như cái ngày trâu còn ở nhà:

“Tiếng trâu ngóe còn vang đâu đó

Ao trâu tắm vẫn còn đất bùn

Trâu húc nhau đất lở vẫn còn

Trâu húc nhau đá vỡ vẫn còn

 

Trâu ta từng húc nhau với trâu Bu Đang…”

Những lời này, trâu dường như hiểu được số phận của mình, ánh mắt nó long lanh nhòe trong nước mắt. Nó nhìn mọi người, đến khi chủ lễ nhắc đến những gì sẽ xảy ra với nó, từng động tác khi con người tác động vào nó làm cho nó không còn trên đời này nữa. Lúc đó ta bắt gặp ánh mắt nó như dừng lặng yên, còn lại đôi dòng lệ cứ tuôn ra, tai nó cụp xuống. Nó đã hiểu và đứng yên:

“Họ chém chân, trâu đừng la rống

Họ đâm vào hông, trâu đừng rên rỉ

Họ chém vào đuôi, trâu đừng quất đuôi

 

Nếu trâu quất, trúng mặt con trẻ

Có bề gì ta đây gánh tội”.

Từng đoạn ca được người khóc trâu khóc diễn đạt cảnh chặt chân, đâm vào hông, trâu thật sự buồn. Đến khi người khóc trâu hát thêm, thân xác của trâu được phân chia từng khúc, từng đoạn làm cho trâu đứng im không cựa quậy. Ai đã chứng kiến được cảnh ấy mới thấy rất thương trâu, dường như trâu cũng hiểu con người thật sự thương nó, nên nó yên lặng và chờ đợi. Đối với đồng bào M’nông, con trâu là lễ vật tế thần nên thịt xương của nó được đựng vào các đồ vật khác nhau để tế cho mỗi vị thần khác nhau:

“Họ chia ống ngắn cho Ting Kon Klong

Họ chia ống dài cho Song non nir

 

Họ chia xương ống cho Song Kon Trôk

Họ cắt cái đầu chia cho Đo đe

Họ cắt cái chân chia cho Dgrah Đgrai”.

Sau khi chia phần hết cho các thần, cho trẻ nhỏ, cho thanh niên kể cả cây nêu cũng có phần. Cuối đoạn ca vẫn còn tình yêu thương ngọt ngào giữa con người với con trâu: “Ta thương tiếc trâu lắm, trâu ơi”.

Cảnh đâm trâu trong lễ hội của người M’Nông có phần đơn giản nhưng thể hiện được không khí linh thiêng. Khi bài khóc trâu xong, đội chiêng đi xung quanh cây nêu tấu chiêng và các bài chiêng vừa dứt, người được giao nhiệm vụ cầm chiếc dao rất bén tiến đến chặt vào hai chân sau của trâu, làm cho trâu ngã xuống. Tiếp đến một người cầm cây lao có mũi nhọn đâm vào nách chân trái để lấy huyết và làm cho… trâu chết.
Bài dân ca “khóc trâu” của đồng bào M’Nông là một khúc dân ca ngọt ngào, nặng tình, đầy tính nhân văn của dân tộc M’nông, vì vậy nó được lưu truyền mãi đến ngày nay.

 

Nên đọc
Theo Báo Đắk Nông
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo