Văn hóa

"Lày cỏ" - nét văn hóa dân gian của người Tày, Nùng

"Lày cỏ" hoặc "sai mạ" là một hoạt động giao lưu trong những dịp lễ, tết, ngày vui của người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng và một số địa phương lân cận, mang nét văn hóa dân gian đặc sắc.

"Lày cỏ" không phân biệt tuổi tác và chỉ có đàn ông mới tham gia chơi. “Lày cỏ” có thể giữa một người với một người, hoặc lập đội mỗi bên từ 2 người trở lên. Cách chơi là sự phán đoán đối phương xòe ra ngón tay khớp với kết quả của 2 người chơi thì thắng. Quá trình phán đoán kết quả được hô bằng ngôn ngữ Hán Nôm, như: “Nhất” là số 1, “Nhị” là số 2, “Slam” là số 3, “Lục” là số 6... Khẩu ngữ "lày cỏ" thường quy định khi hô phải có đuôi, gọi là “lày mỳ thang”, cụ thể: số 3 hô là "Slam tỉm slam", số 4 là "Slế hồng slế", số 6 là "Loọc woáy loọc"... Cách hô và ra ngón tay phải đều nhau, không ra ngón tay sớm hoặc muộn hơn, nếu người chơi thể hiện không đồng bộ giữa xòe ngón tay và hô thì sẽ bị phạt. Hai bên nói kết quả đúng và trùng nhau thì hòa, gọi là “Thồng sỉnh mạ”.

"Lày cỏ" tạo không khí sôi nổi, hào hứng giữa những người chơi và thể hiện bằng ý chí, sự khéo léo của bản thân để phân biệt phần thắng, thua. Nhiều cuộc chơi tạo ra sự giằng co từng điểm số, có thể kéo dài từ 15-20 phút mà không phân thắng bại. 

"Lày cỏ" là một hoạt động giao lưu của người Tày, Nùng mang đậm bản sắc dân tộc.

Nếu "lày cỏ" theo đội, thì người thắng của đội này sẽ lần lượt đấu với các thành viên khác của đội đối phương. Vì vậy, mỗi cá nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình trước đối thủ và đổi mới cách xòe tay không theo quy luật nào nhằm làm cho đối phương không đoán được. Nếu đối phương xòe tay ra theo quy luật và bị bắt bài thì gọi là bắt được ngựa, tiếng địa phương là “pắt mạ”. Nếu một bên thua liên tiếp mà không giành được bất cứ điểm nào thì gọi là “pạc pản” có nghĩa là “nốc ao”, sẽ chịu gấp đôi hình phạt. Nếu bên nào giành được 4 điểm số thì thắng, bên thua phải chịu hình thức “phạt” uống một chén rượu hoặc chung nhau chén rượu, có thể là một hình thức thỏa thuận khác. Điều quan trọng nhất vẫn phải tạo ra không khí vui vẻ trong những cuộc chơi.  

Trong khi "lày cỏ", trọng tài phải am hiểu luật chơi, công tâm và trong sáng, nếu trọng tài xử lý tình huống sai thì phải chịu hình thức phạt bằng một chén rượu. 

Nét văn hóa "lày cỏ" đã ăn sâu vào tiềm thức của những người Tày, Nùng. Khi cộng đồng hay gia đình có những cuộc vui thì không thể thiếu "lày cỏ" nhằm tạo không khí sôi động, thu hút người xem và hưởng ứng. Trong đám cưới, "lày cỏ" tạo không khí náo nhiệt sẽ được gia chủ ưu ái đặc biệt và chăm sóc thức ăn, canh nóng, chè, rượu... Họ coi đây là những thành viên đóng góp cuộc vui cho gia đình và quan niệm tương lai đôi vợ chồng trẻ sẽ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Cuộc chơi có thể diễn ra thâu đêm tại nhà gia chủ. 

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên nhưng nét văn hóa dân gian "lày cỏ" vẫn được duy trì. Có một số địa phương đã đưa "lày cỏ" vào giao lưu văn hóa và thi tài trong hội xuân, hội lồng tồng, là nét văn hóa dân gian truyền thống mang bản sắc riêng của người Tày, Nùng.

Nên đọc
Theo Báo Cao Bằng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo