“Mậu Thân 1968” - 10 năm 12 tập phim
Tiếp sau bộ phim tài liệu “Hiệp định Paris 1973” nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng bộ phim tài liệu dài 12 tập mang tên “Mậu Thân 1968”. Nhân dịp này, phóng viên có cuộc phỏng vấn với bà Lê Phong Lan - đạo diễn bộ phim.
PV: Thưa đạo diễn Lê Phong Lan, điều gì khiến bà quyết định làm bộ phim tài liệu lịch sử về Tết Mậu Thân năm 1968 - thời điểm mà đến giờ vẫn rất ít người chọn vì mức độ nhạy cảm của nó?
Đạo diễn Lê Phong Lan: Câu chuyện cách đây gần 10 năm rồi. Khi đó, tôi làm bộ phim về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Và có lẽ từ câu chuyện chiến tranh của ông Phạm Xuân Ẩn - nhân vật tình báo xuất sắc của mạng lưới tình báo H63, một trong 4 con át chủ bài của 30 lưới tình báo trước năm 1975 đó đã cho tôi một câu chuyện dẫn tới việc làm bộ phim này. Ông Phạm Xuân Ẩn nói rằng: "Cháu phải làm bộ phim về Tết Mậu Thân năm 1968 vì đó là sự hi sinh vô cùng lớn lao của quân và dân VN để giành được thắng lợi mà cho đến bây giờ không hiểu sao ít người nói đến".
Trong quá trình tìm hiểu, tôi có gặp một số giáo sư người nước ngoài như ông Larry Berman (tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo). Năm 2001, ông ấy sang Việt Nam để viết sách về ông Phạm Xuân Ẩn. Tôi đã dành thời gian đọc 5 cuốn sách Larry Berman viết về Việt Nam. Đọc xong, tự nhiên có điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu về sự kiện Tết Mậu Thân. Trong khi song hành làm những bộ phim khác, thì tôi cũng làm luôn về Tết Mậu Thân.
Sau khi nghiên cứu các sự kiện và phác họa ý tưởng thực hiện, để hoàn thành bộ phim tài liệu lịch sử, tôi và ê kíp đã mất 10 năm để thu thập tư liệu, phỏng vấn các nhân chứng, các học giả uy tín trong và ngoài nước. Thế nên trong phim này 2/3 nhân vật mà tôi phỏng vấn đã mất.
PV: Trong 10 năm thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử “Mậu Thân 1968”, điều gì khiến bà trăn trở nhất?
Đạo diễn Lê Phong Lan: Điều mà tôi trăn trở rất nhiều. Đó là có rất nhiều bạn trẻ đang hiểu sai lệch về sự kiện này. Lý do có lẽ là 45 năm sau sự kiện Tết Mậu Thân vẫn chưa có ai cứu sâu và nói rõ ràng, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng những nghiên cứu đó về Tết Mậu Thân. Và chúng tôi có trách nhiệm phải làm sáng tỏ, vì nói như nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thì đó là ý chí, là nghị lực, là lòng yêu nước nồng nàn của ông cha ta, quyết tâm giành độc lập.
Không cho phép mình sai lầm hoặc một chiều, tôi đã phỏng vấn hàng trăm nhân chứng, đối chất từng người một, sang Mỹ 4 lần liền gặp gỡ các cựu chiến binh Mỹ, các nhà sử học Mỹ, vào các kho lưu trữ để đối chất vấn đề đó. Tôi nghĩ rằng bộ phim này chưa thể nói hết được tất cả về Tết Mậu Thân năm 1968, nhưng tôi nghĩ rằng tôi cũng nói được những vấn đề cơ bản nhất.
PV: Bộ phim tài liệu lịch sử “Mậu Thân năm 1968” được phát trong thời điểm 45 năm sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 có ý nghĩa như thế nào với cá nhân bà, thưa đạo diễn Lê Phong Lan?
Đạo diễn Lê Phong Lan: Bộ phim bắt đầu từ việc đi tìm câu trả lời tại sao Mỹ - một cường quốc với tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kĩ thuật gấp 800 lần Việt Nam lại can dự vào công việc nội bộ của một quốc gia nhỏ bé và lạc hậu ở cách xa nửa vòng trái đất, để rồi tạo nên một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất trong thế kỷ XX.
Tiếp đến, là hành trình lật lại hồ sơ tư liệu về một kế hoạch tuyệt mật đã không được thực hiện từ thời chiến lược chiến tranh đặc biệt. Nó chính là nguồn gốc để hình thành và phát triển nên kế hoạch Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Đồng thời, lý giải tại sao thời cơ chiến lược lại rơi đúng vào dịp tết Mậu Thân 1968. Và tại sao từ 3 khả năng mà Bộ Chính trị đã xác định lại chuyển dần thành mục tiêu duy nhất - thực hiện trận quyết chiến chiến lược, giành chính quyền về tay nhân dân.
Bên cạnh đó, những so sánh về tương quan lực lượng giữa các bên tham chiến, sự chuẩn bị khẩn trương của tất cả các lực lượng quân giải phóng trước cuộc động binh lịch sử, khí thế của cả một thế hệ ra trận trong lời thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh trước cơ hội ngàn năm có một cũng được tái hiện chân thực và sinh động. Tôi chỉ mong rằng sau bộ phim, các bạn trẻ sẽ hiểu hơn, có cái nhìn chân thực hơn về sự kiện lịch sử này.
Đạo diễn Lê Phong Lan tại Mỹ
PV: Trong tương lai, bà vẫn sẽ trung thành với việc theo đuổi đề tài lịch sử trong các bộ phim sắp tới chứ?
Đạo diễn Lê Phong Lan: Tôi không biết tại sao mình lại mê lịch sử như thế. Nhưng tôi hiểu lịch sử chính là tương lai của bản thân. Nếu tôi hiểu lịch sử thì chắc chắn tôi sẽ đứng trên một bệ phóng rất vững để đi những bước tiếp theo.
Qua quá trình tìm hiểu thì tôi cảm nhận được sự vĩ đại của thế hệ cha ông mình, họ đã hi sinh tất cả vì độc lập. Tôi muốn hiểu vì sao ông cha ta lại dám đánh đổi cả tài sản, tính mạng, gia đình để đổi lấy độc lập tự do. Và tôi cũng muốn hiểu độc lập tự do là gì mà dân tộc ta hết thế hệ này đến thế hệ khác sắn sang đánh đổi tất cả để có? 15 năm qua, tôi miệt mài đi tìm điều đó, từ phim này đến phim khác. Và tôi sẽ tiếp tục hành trình đó ở những bộ phim tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn Lê Phong Lan./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hé lộ thông tin ít ai biết về gia thế của ca sĩ Jack - J97
NSND Việt Anh kết hôn với bạn gái 9x?
Lộ ảnh bên trong lễ ăn hỏi của Phương Nhi và Minh Hoàng, 1 chi tiết thể hiện rõ tâm ý nhà vị tỷ phú
Dấu hiệu 'người một nhà' của Mai Tài Phến và Mỹ Tâm ngày càng rõ
Ca sĩ Tuấn Cường tung ca khúc Tết "ai nghe cũng thấm"
Màn 'khóa môi' chấn động của Thiều Bảo Trâm với một 'chị đẹp' khiến dân tình rần rần