“Nàng thơ đặc biệt” trong lịch sử hội họa qua những siêu phẩm “triệu đô”
Danh họa người Anh Lucian Freud (1922-2011) được xem là một trong những họa sĩ nổi bật nhất giới hội họa thế kỷ 20. Trong số những bức chân dung Freud từng thực hiện, được biết tới nhiều nhất phải kể đến loạt tranh khắc họa người phụ nữ “nặng ký” khỏa thân, gồm 4 bức đầy ấn tượng.
Đằng sau đó là một người phụ nữ có thật, đến bây giờ bà vẫn đang giữ cho mình một cuộc sống mang âm hưởng nghệ thuật, yên bình và thú vị, đó là Sue Tilley.
Khi xuất hiện trong tranh của Freud, bà Tilley mới ngoài 30, nay bà đã ngoài 60, nhưng vóc dáng tròn trịa, mập mạp thì không hề thay đổi. Những bức tranh khắc họa bà Tilley do Lucian Freud thực hiện mỗi khi xuất hiện trên thị trường đều lập nên những con số choáng váng, nhưng để nói về người phụ nữ xuất hiện trong tranh ấy, thì không nhiều người biết.
Trong những bức tranh khỏa thân mà Freud khắc họa Tilley, bà luôn khỏa thân nằm ngủ. Nhưng kỳ thực “nàng thơ” không ngủ, mà đang thức, nhưng tạo dáng như ngủ.
Ở thời điểm làm mẫu vẽ cho Freud, Tilley đang là một nhân viên giám sát phúc lợi xã hội ở London. Bà Tilley dù không phải nghệ sĩ nhưng hay qua lại với các nghệ sĩ, lại rất được giới nghệ sĩ quý mến bởi tính cách dễ mến, rộng rãi. Dù không hoạt động nghệ thuật nhưng bà Tilley có sự tinh tế nên được những người bạn nghệ sĩ trân trọng.
Thời trẻ, Tilley có một cuộc sống phong phú và đầy màu sắc, bà thích kết bạn với nghệ sĩ, ngoài giờ làm việc, bà luôn có mặt tại những buổi tiệc tùng cuồng nhiệt. Loạt 4 bức tranh danh họa Lucian Freud khắc họa bà thuộc vào chặng cuối trong sự nghiệp của ông. Cả 4 bức đều được đánh giá cao và được biết đến rộng rãi.
Trong loạt tranh 4 bức, bức đầu tiên trong seri - “Evening in the Studio” (1993) - khắc họa Tilley nằm trên sàn, trong khi một người mẫu khác đang ngồi đọc sách ở hậu cảnh.
Bức thứ hai - “Benefits Supervisor Resting” (1994) - từng được bán ra với giá 35 triệu bảng (1.056 tỷ đồng).
Bức thứ ba - “Benefits Supervisor Sleeping” (1995) - được xem là nổi tiếng nhất, đã được bán cho tỷ phú người Nga Roman Abramovich hồi năm 2008.
Bức cuối cùng - “Sleeping by the Lion Carpet” (1996) - khắc họa Tilley vẫn trong tư thế nằm ngủ trên ghế, nhưng lần này đối diện người xem tranh.
Tilley chia sẻ rằng sau khi làm mẫu cho bức tranh đầu tiên này, bà đã than phiền với Freud rằng phải nằm trên sàn suốt nhiều tiếng rất khổ, sau đó ông đã mua ghế sofa để những trải nghiệm làm mẫu về sau của bà bớt... “vất vả”.
Sinh thời, danh họa Lucian Freud từng tiết lộ rằng: “Nếu tôi đưa ai đó vào trong tranh vẽ, tôi muốn cảm thấy rằng họ đã chìm vào giấc ngủ, bằng cách đó, người xem cảm thấy rằng người mẫu không phải ở đó để bức tranh trông đẹp hơn, dễ chịu hơn, mà họ ở đó, chiếm chỗ trong tranh tôi và tôi đang ghi chép lại sự hiện diện của họ”.
“Nhiệm vụ của họa sĩ, là khiến cho người xem cảm thấy không thoải mái, thế nhưng, vẫn phải kéo họ bằng được về phía tác phẩm nghệ thuật, như thể bản năng thúc ép, khiến người xem không cưỡng lại được”, Lucian Freud chia sẻ.
Tất cả những bức tranh Freud khắc họa Tilley hiện đều nằm trong những bộ sưu tập hội họa tư nhân. Trong số này, có tỷ phú người Nga Roman Abramovich từng chi ra 17 triệu bảng mua bức “Benefits Supervisor Sleeping” hồi năm 2008.
Khi ấy, con số này đã lập nên một kỷ lục trong giới hội họa, là số tiền lớn nhất từng được trả cho một bức tranh được thực hiện bởi họa sĩ còn đang sống.
Trong mắt các chuyên gia hội họa, loạt tranh khắc họa Sue Tilley thành công không chỉ bởi tài năng của Lucian Freud mà còn bởi quan niệm thẩm mỹ của chính ông, ông yêu mến cơ thể con người và khắc họa Tilley bằng đôi mắt không hề phán xét, đánh giá.
Về phần người mẫu, bà Tilley được đánh giá là một người mẫu rất bình tĩnh và tự tin, thoải mái và dễ chịu với chính bản thân mình. Bà luôn kiểm soát được bản thân và truyền được sự bình thản, thoải mái đó sang cả họa sĩ và người xem.
Các bức tranh sau này dù đều được bán với mức giá “khủng”, nhưng không có một đồng tiền nào được trả thêm cho người mẫu, tức bà Sue Tilley. Khi làm mẫu cho Freud, bà chỉ nhận khoản thù lao rất nhỏ, chính bà Tilley từng tâm sự với phóng viên của tờ The Guardian (Anh) rằng bà nghĩ Freud chọn bà làm mẫu, một phần bởi sẽ không phải trả số tiền thù lao lớn.
Dù vậy, đối với Tilley, bà luôn vui vì đã từng được đồng hành trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật với Freud. Tilley đánh giá Freud là con người hài hước, luôn sẵn sàng chuyện phiếm.
Tilley cũng thấy tính cách thất thường của Freud là rất thú vị với đủ sắc thái đối lập cùng hội tụ trong một con người. Dù vậy, cuối cùng, hai người không còn là bạn nữa chỉ bởi một lần Freud giận dữ khi hai người có sự bất đồng.
Trong lúc hai người còn qua lại thân tình, Freud từng tặng bà Tilley một số bức phác họa, về sau, bà đã phải đem bán trong lúc túng quẫn. Khi bức tranh đầu tiên khắc họa bà được bán với giá cao trên thị trường, lúc ấy, Freud vẫn còn sống, nhưng mối bất hòa dường như không thể bỏ qua, Freud đã không gọi điện chia sẻ niềm vui với Tilley.
Hiện giờ, bà Tilley đã nghỉ hưu và chuyển từ London về sống ở một thị trấn miền biển yên bình tại hạt East Sussex (Anh). Bà vẫn thường được các bạn bè là nghệ sĩ tới thăm.
Trên những bức tường nhà bà có rất nhiều bức tranh sinh động, một số bức do bạn bà vẽ tặng, nhiều bức do chính bà thực hiện. Bà Tilley đã từng học vẽ từ nhỏ nhưng rồi sớm từ bỏ việc vẽ tranh, giờ đây, bà đã quay lại với cọ vẽ và màu vẽ như một thú vui tuổi già.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Ông xã hơn 17 tuổi khiến Khánh Vân “ngã ngửa” bởi hành động bất ngờ sau hôn lễ
Nhật Kim Anh đáp trả hài hước khi bị mỉa mai chụp quá nhiều bộ ảnh bầu bí, đính chính luôn điều này
Chàng trai khiếm thị và trái tim ngập tràn yêu thương