Văn hóa

“Nóng ruột” với khách quốc tế

Trong 10 tháng liên tiếp, du lịch Việt Nam chứng kiến sự lao dốc không phanh của lượng du khách quốc tế

Chưa khi nào bức tranh về thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lại chứng kiến sự sụt giảm mạnh như thời gian qua. Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2015, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 2 triệu lượt người, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh nhất là du khách đến bằng đường biển khi chỉ đạt 18.100 lượt người, giảm đến 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều công ty du lịch bày tỏ sự lo lắng và cho rằng vấn đề này là “trầm trọng”, cần phải có những cuộc họp bàn tìm giải pháp khắc phục sớm.

 
Mất khách ở nhiều thị trường
 
Các thị trường có lượng du khách đến Việt Nam giảm mạnh nhất ở khu vực châu Á gồm Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Lào... Du khách đến từ châu Âu như Nga, Pháp, Anh, Thụy Điển cũng giảm khá mạnh. Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy đà giảm của du khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu từ tháng 6-2014 và kéo dài trong suốt 10 tháng qua.
 
Có những tháng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm tỉ lệ tới 2 con số là rất đáng lo ngại. Sau sự kiện biển Đông hồi tháng 5 năm ngoái, lượng khách Trung Quốc và thị trường khách nói tiếng Hoa đến Việt Nam bắt đầu sụt giảm.
 
Tiếp đó, từ cuối năm ngoái, hàng loạt điểm đến du lịch tại Nha Trang, Phan Thiết, Mũi Né... chứng kiến sự lao dốc của khách Nga - vốn là thị trường khách trọng điểm ở các địa phương này, khi đồng rúp của Nga mất giá trầm trọng và kinh tế Nga suy thoái.
 
Phải nói thêm, trong vài năm qua, khách Nga được đánh giá rất tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng cao hằng năm. Năm 2014, có gần 365.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, tăng 22,4% so với năm trước và gấp 6 lần số du khách Nga đến trong vòng 5 năm trước đó.
 
Bình quân mỗi khách Nga chi gần 1.500 USD cho mỗi chuyến du lịch, trong đó chi ngoài tour khoảng 600 USD, cao hơn 40% mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế. Việt Nam từng đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Nga vào năm 2020...
 
Tuy nhiên, “gió đã xoay chiều” từ cuối năm ngoái khi lượng khách Nga tới Việt Nam tuột dốc không phanh và đến nay chưa có dấu hiệu cải thiện.
 
Không chỉ các công ty du lịch mà hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng không chuyên phục vụ cho du khách Nga cũng điêu đứng, nhiều đơn vị trót đầu tư số vốn lớn để đón đầu khách Nga nay gặp khó khăn.
 
Nhiều chuyến bay thuê bao đưa khách Nga sang du lịch Việt Nam phải hủy hoặc ngừng hoạt động...
 
Chưa hết, lượng du khách đến Việt Nam bằng đường biển trong 3 tháng đầu năm cũng sụt giảm rất mạnh. Một số công ty chuyên phục vụ khách tàu biển 4-5 sao đến từ châu Âu, Úc, Mỹ cho biết phải rất nỗ lực mới giữ được lượng du khách không bị giảm quá mạnh, các hãng tàu biển cũng liên tục giảm giá, khuyến mãi.
 
 Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015 giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước Ảnh: Tấn Thạnh
 
Cần sớm khắc phục
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho rằng sự sụt giảm của du khách quốc tế hiện nay là “trầm trọng” và cần sớm có giải pháp cải thiện, tăng sức cạnh tranh của ngành du lịch. Bởi ngoài yếu tố nhu cầu du lịch của du khách quốc tế sụt giảm trên toàn cầu do kinh tế suy thoái, còn có những vấn đề từ trong nước. Trong khi các nước cố gắng kéo khách về phía mình bằng thủ tục đơn giản, thông thoáng như miễn visa thì chúng ta lại “đẻ” thêm nhiều thủ tục nhiêu khê làm nản lòng du khách. Ở một số nước lân cận như Campuchia, Thái Lan..., khách quốc tế vẫn nườm nượp.
 
Tại sao Việt Nam có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, di sản thế giới nhiều nhưng phát triển du lịch lại chưa xứng tiềm năng? Vì sao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch trong nước còn thấp so với khu vực?
 
Tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam với quốc tế là biện pháp cần thiết để giới thiệu hình ảnh đất nước con người, di sản thế giới nhưng mỗi năm chi phí đầu tư chỉ 1,5 triệu USD, trong khi các nước lân cận bỏ ra đến 100 triệu USD/năm...
 
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra bấy lâu nay về sự yếu kém của ngành du lịch trong nước. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch thời gian tới nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến nào rõ nét, các doanh nghiệp du lịch vẫn mòn mỏi chờ đợi chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT...
 

Giải quyết khâu yếu nhất là con người

 
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Dã ngoại Lửa Việt, điểm mạnh nhất của du lịch Việt là ẩm thực, nét độc đáo nhất của văn hóa Việt Nam là áo dài và nón lá nhưng ít ai nói đến, tập trung vào quảng bá, sau đó mới là yếu tố tài nguyên đa dạng. Ngoài ra, du lịch Việt Nam muốn tăng tốc phải giải quyết khâu yếu nhất là con người.
Theo Người Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo