Doanh nghiệp - Doanh nhân

"Triệu phú 11-9" của Afghanistan

Afghanistan tuyên bố “mở cửa cho doanh nghiệp” và một số người dân siêu giàu bắt đầu đầu tư cho đất nước. Nhưng làm thế nào số tiền của họ có thể sớm thay thế hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài hiện nay? “Triệu phú 11-9”, biệt danh của doanh nhân người Afghanistan Fahim Hashimy, là người đã làm được điều này. Ông đã thay đổi số phận và giàu lên nhanh chóng nhờ các hợp đồng cung cấp hàng hóa cho người Mỹ trong những năm chiến tranh.

Ông Fahim Hashimy. Ảnh: BBC

 

Vùng đất của cơ hội

 
Trước khi quân đội nước ngoài tham chiến tại Afghanistan, ông Hashimy - sinh ra và lớn lên ở Kabul - là giáo viên tiếng Anh trẻ tuổi và chỉ có một chiếc xe đạp. Khi Mỹ điều quân đến Afghanistan, ông là một trong những người đầu tiên được tuyển dụng làm thông dịch viên tại căn cứ quân sự Mỹ.
 
Giờ đây, khi đã 35 tuổi, ông đứng đầu đế chế, Tập đoàn Hashimy, với doanh thu trung bình hơn 200 triệu USD/năm, sở hữu kênh truyền hình 1TV lớn thứ hai Afghanistan, cũng như các Công ty hậu cần và xây dựng. Ông cũng thành lập East Horizon, hãng hàng không nội địa giá rẻ, vào năm 2013. Ông Hashimy cho rằng, sự nghiệp thành công nhanh chóng là nhờ may mắn. “Không phải tất cả mọi người đều nói được tiếng Anh và tôi may mắn làm được điều đó. Tôi cũng có tham vọng và tầm nhìn dù công việc khó khăn. Tôi biết làm thế nào để viết các đề xuất”, ông nói.
 
Một khi thiết lập mối quan hệ vững chắc với quân đội, và quen phong cách làm việc “Mỹ và Anh”, ông Hashimy sử dụng mũi nhọn kinh doanh để có được các hợp đồng cung cấp hàng hóa cho các lực lượng quốc tế, đầu tiên là hợp đồng khăn trải giường trị giá 600 USD. Đó là vào năm 2005. Còn hiện giờ, ông tự hào khi có hợp đồng với Quân đội quốc gia Afghanistan, cung cấp giày và nhiên liệu cho binh sĩ. “Afghanistan là vùng đất của cơ hội. Chúng tôi đang đầu tư trong nước rất, rất nhiều”, ông cho biết.
 
Trong 10 năm qua, mỗi năm, các doanh nghiệp của ông tạo ra 1.000 việc làm và đóng góp 15 triệu USD cho nền kinh tế Afghanistan.
 
Lo ngại an ninh
 
Trong cùng thời gian này, nhiều người Afghanistan siêu giàu di chuyển ra nước ngoài, chủ yếu là Dubai, đất nước miễn thuế, tiện nghi và an ninh tương đối ổn định. Ước tính, họ đầu tư hơn 20 tỷ USD tại đây.
 
Kể từ sau những bất ổn chính trị vào năm 2014 tại Afghanistan, dòng tiền tiếp tục chảy khỏi đất nước. Theo một Cty bất động sản, “rất nhiều tướng lĩnh cao cấp, các chính trị gia, và các cá nhân ngành dầu mỏ giàu có, tiếp tục mua những ngôi nhà đắt đỏ”. Một trong những doanh nhân như vậy, người sống ở Palm, cho biết, gần 1/4 số tài sản trên bãi biển Dubai là của các lãnh chúa Afghanistan.
 
Ông Hashimy sống với vợ và 3 con ở thủ đô Afghanistan, nơi an ninh là vấn đề đáng lo ngại và hàng triệu người sống dưới mức 1 USD/ngày. Vài tuần trước, 2 con trai của ông phải chuyển trường sau khi một sự cố an ninh khiến trường học quốc tế mà các em đang học phải đóng cửa. Ông là nhân vật Afghanistan nổi bật song phủ nhận có bất cứ mối quan hệ nào với các chính trị gia.
 
Các số liệu mới nhất BBC thu được từ Cơ quan hỗ trợ đầu tư Afghanistan (AISA) cho thấy các khoản đầu tư của những doanh nhân như ông Hashimy đã tạo ra một sự khác biệt với các nền kinh tế Afghanistan. Trong năm 2013, GDP của Afghanistan là 20,3 tỷ USD – gấp 10 lần năm 2001.

Làm giàu nhanh chóng tại Afghanistan?
 
Liệu làm giàu ở Afghanistan dễ dàng hơn so với các nơi khác?
 
Ông Hashimy cho rằng dễ cũng có mà khó cũng có. “Thật dễ dàng vì không có cạnh tranh. Nhưng khó hơn vì rất nguy hiểm. Nếu bạn sở hữu một doanh nghiệp ở Anh, bạn sẽ không muốn đầu tư vào Afghanistan vì nguy cơ rất cao. Tuy nhiên, khi chúng ta đổ vốn ở đây, chúng ta không phải cạnh tranh với những người khổng lồ ở Anh”.
 
 
Theo Công an Thành phố Đà Nẵng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo