Thị trường

“Vàng xanh” của đất Văn Yên xuất ngoại

Từ nhiều năm nay, quế đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Nhờ trồng quế mà cuộc sống của nhiều hộ gia đình nơi đây đã bước sang trang mới...

Vàng xanh” xuất ngoại

Trong những năm qua, trung bình mỗi năm huyện Văn Yên trồng mới và trồng thay thế vào diện tích quế đã được khai thác khoảng 1.600-1.800ha quế. Đến nay, cây quế đã có mặt tại 27/27 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích trên 40.000ha và được coi là vùng chuyên canh sản xuất quế hàng hóa lớn nhất cả nước. Theo đó, mỗi năm huyện Văn Yên xuất bán ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế đạt khoảng 55.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu quế đạt khoảng 290 tấn/năm, gỗ quế đạt 62.000m3/năm. Quế đang được ví là “vàng xanh” của đất Văn Yên bởi mỗi năm, cây quế mang về cho người dân trên 540 tỷ đồng và giúp nhiều hộ gia đình có của ăn của để, xây được nhà to, tậu được xe mới…

Ông Hoàng Văn An-tỷ phú trồng quế ở thôn 1, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cho biết, ông có 5 người con trai thì cả 5 đều theo “nghiệp” trồng quế. Sau nhiều năm gắn bó với loại cây đặc biệt này, ông An cũng như các con của ông đều xây được nhà tầng to đẹp, mua sắm được đầy đủ tiện nghi hiện đại.

Ông An cho hay: “Đất Văn Yên rất phù hợp để phát triển cây quế, trong đó một số nơi có thổ nhưỡng tốt, cây quế cho chất lượng tinh dầu cao như Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Châu Quế, Phong Dụ… Quế là cây đa lợi ích, bởi người trồng có thể tận dụng mọi bộ phận từ vỏ, lá, cành đến gỗ quế. Theo đó, vỏ quế thường được sơ chế đưa đi xuất khẩu hoặc chế biến làm gia vị nấu ăn, thuốc đông y; lá, cành có thể nấu để chưng cất tinh dầu; gỗ quế tùy kích thước, nếu nhỏ thì bán cho xưởng gỗ ép, gỗ to thì làm ván sàn hoặc đồ nội thất đều đẹp”.

Trao đổi với NTNN, ông Trần Huy Tuấn - Bí thư Huyện ủy Văn Yên cho biết, đến nay huyện Văn Yên đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng, để thương hiệu quế Văn Yên được bạn bè trong nước và quốc tế biết tới. để nâng cao vị thế cây quế, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các ngành, xã và vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế; thành lập Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để giúp bà con liên doanh, liên kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và bán quế; tiếp nhận, quản lý chỉ dẫn địa lý “Quế Văn Yên”, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tổ chức tiêu thụ quế cho bà con…

Sản phẩm quế Văn Yên chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và đã bắt đầu được chào bán ở một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Đổi đời nhờ cây quế

Chúng tôi về xã Châu Quế Hạ, nơi được mệnh danh là “thiên đường quế” ở Văn Yên. Dọc đường đi, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô tải chở vỏ quế, lá quế cho nhà máy sản xuất tinh dầu. Hai bên đường, người dân xếp những bó lá quế xanh ngắt thành đống chờ thương lái đến thu mua.

Ông Lự Xuân Sang trú ở thôn Trạc, xã Châu Quế Hạ, chỉ tay vào ngôi nhà mới xây năm 2014, nói: “Nhờ có quế mà gia đình tôi mới xây được ngôi nhà này đấy, không những thế còn có tiền cho con gái đi học đại học. Nếu không trồng quế, có lẽ giờ nhà tôi vẫn sống trong ngôi nhà chật chội, thiếu thốn trước đây”. Cũng theo ông Sang, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến quế, trong đó có hơn 10 xưởng chưng cất tinh dầu. Vì thế những hộ trồng quế không phải lo tiêu thụ ở đâu xa, chỉ cần bóc tỉa, cắt cành, hái lá mang xuống ngay những con đường cạnh rừng quế là có tư thương thu mua. Ông Hoàng Vịnh - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ cho hay: “Là một trong những địa chỉ uy tín về chất lượng tinh dầu quế bậc nhất, thôn Trạc hiện là một trong ba thôn trồng nhiều quế của xã. Với giá bán tinh dầu trung bình 520.000 - 525.000 đồng/kg, quế vỏ qua sơ chế 32.000 - 35.000 đồng/kg, cành lá quế khô 2.000 - 2.100 đồng/kg, gỗ quế 800.000 - 1.000.000 đồng/m3, nhiều hộ đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu bền vững”.

Nên đọc
Theo Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo