Doanh nghiệp - Doanh nhân

"Vua quạt" đất Bắc Trần Văn Lê: Thế giới làm được, mình cũng làm được

Bằng triết lý kinh doanh vừa giản dị, vừa có chút “ngông”, “Vua quạt” Trần Văn Lê đã xây dựng Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh trở thành doanh nghiệp thuộc top đầu thị trường quạt công nghiệp Việt Nam.

"Vua quạt" đất Bắc

Giới kinh doanh quạt công nghiệp gọi người đàn ông sáng lập thương hiệu Phương Linh bằng cái tên “Vua quạt đất Bắc”. Gặp doanh nhân Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh trong một buổi chiều đầu hè khi ông xuống nhà máy sản xuất quạt công nghiệp và thiết bị xử lý không khí tại Hà Nội, tôi mới hiểu tại sao ông lại được người trong nghề tôn vinh như vậy.

Ở cái tuổi ngoài 50, khuôn mặt hiện rõ sự từng trải, nhưng doanh nhân Trần Văn Lê vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn. Bằng chất giọng mà bất cứ ai tiếp xúc đều nhận ra ngay là người con của “xứ Nghệ”, ông Lê cứ sang sảng hướng dẫn anh em thợ trong nhà máy, rồi lại ân cần hỏi han chuyện gia đình lúc nghỉ trưa. Sự quan tâm chân thành ấy xuất phát từ chính sự thấu hiểu nỗi vất vả của người thợ mà ông Lê có được sau những năm tháng đi làm thuê.

Doanh nhân Trần Văn Lê.

Ngoài nhà máy này, Phương Linh còn có một nhà máy đặt tại tỉnh Long An và một trung tâm công nghệ cao cùng với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, Phương Linh cũng đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và quy trình quản lý chất lượng vào sản xuất.

“Bước ngoặt đáng kể nhất của Phương Linh bắt đầu từ năm 2012, khi chúng tôi quyết định một bước đi táo bạo. Đó là dành một nguồn kinh phí lớn để đầu tư hệ thống cắt laser Thụy Sỹ, một trong những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới tại thời điểm đó”, ông Lê tự hào.

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Phương Linh đã trở thành đơn vị vào hàng lớn nhất ở miền Bắc trong lĩnh vực sản xuất quạt công nghiệp, máy hút lọc bụi, tủ điện, thang máng cáp. Cùng với đó là việc xây dựng và mở rộng quy mô nhà máy sản xuất cũng như các trung tâm điện máy, đại lý phân phối khắp cả nước. Các loại quạt công nghiệp do Phương Linh sản xuất đã có mặt ở hầu hết mọi miền đất nước, đặc biệt ở những công trình trọng điểm quốc gia, được khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đón nhận.

Thế giới làm được thì mình làm được

Uy tín và những thành quả mà Phương Linh có được hôm nay không đến một cách ngẫu nhiên, mà chất chứa trong đó biết bao mồ hôi, công sức của doanh nhân Trần Văn Lê. Xuất thân từ vùng quê nghèo Thanh Chương, Nghệ An, nhưng với ý chí và tinh thần vượt khó, cậu bé hiếu học Trần Văn Lê sớm thể hiện mình là người nổi trội, với những thành tích học tập luôn đứng đầu lớp. 

 

Kết thúc 12 năm đèn sách, chàng thanh niên Trần Văn Lê lên đường nhập ngũ rồi vào học trong ngôi trường đào tạo kỹ thuật của quân đội. Với ông, niềm đam mê học tập không bao giờ là cạn, cho dù đến nay đã là chủ một doanh nghiệp lớn và tuổi đời cũng đã ngoài 50.

Sau khi lập gia đình, ông Lê lăn lộn đủ nghề để mưu sinh, mê mải kiếm sống, nhưng vẫn nghèo. Rồi một ngày, ông thông báo với vợ một quyết định quan trọng: sẽ phải học. Năm 1991, ông đến Trường Kinh tế quốc dân đăng ký học lớp quản trị kinh doanh. Chính những kiến thức thu nạp được từ trường đại học đã tạo ra bước ngoặt mới trong suy nghĩ của chàng trai trẻ Trần Văn Lê.

Tự nhủ, muốn làm ông chủ thì trước hết phải đi làm thuê, ông Lê bỏ việc buôn bán chợ búa để xin làm thuê cho một ông chủ chuyên “đánh” các mặt hàng máy móc, đồ cơ điện cũ. Trong những lần đi bốc hàng, ông có thêm các mối quan hệ và hiểu hơn về máy móc, kỹ thuật.

“Thời đó, người ta đánh từng lô đồ cũ về rồi lại bán theo kiểu “tàu nhanh” để ăn chênh lệch. Không ít người giàu lên nhờ cách “hớt váng” như thế, nhưng tôi nghĩ khác”, ông kể lại. Ông tự hỏi, tại sao không sửa chữa lại, làm tăng giá trị của hàng hóa để bán giá cao hơn. Ý nghĩ đó cứ thôi thúc cho đến một ngày, ông quyết định xin nghỉ việc và tự mở một cửa hàng nhỏ thu mua máy bơm, quạt gió, motor cũ…

Qua những lần tự tìm, thu mua các loại quạt công nghiệp thải loại, động cơ, mô tơ điện cũ về tháo lắp, bảo dưỡng, tân trang lại rồi bán ra, ông sớm nhận thấy được nhu cầu ngày càng cao của thị trường với các chủng loại quạt thông gió công nghiệp. Ông quyết định con đường của mình không chỉ dừng lại ở việc tân trang, buôn bán đồ cũ, mà đi xa hơn, đó là chuyên sản xuất, cho ra đời những sản phẩm “made in Vietnam”.

 

Ý tưởng của ông Lê bị rất nhiều người can ngăn, bởi thời đó, chỉ có Nhà nước mới sản xuất được những mặt hàng phức tạp như thế. Nhưng với sự thông minh sẵn có, cùng ý chí kiên cường có trong mỗi người con xứ Nghệ, ông Lê vẫn tin mình sẽ làm được. Bởi những năm tháng làm thợ, gắn bó với từng cái ốc vít, motor đã giúp ông có một kho kinh nghiệm mà không phải kỹ sư nào cũng có được.

Nghĩ là làm, năm 2000, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phương Linh được thành lập (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh). Với số lượng công nhân ban đầu chỉ vỏn vẹn khoảng 10 người, doanh nghiệp chỉ hướng tới chuyên sản xuất các loại quạt công nghiệp đơn giản. Triết lý kinh doanh của doanh nhân Trần Văn Lê và Công ty tại thời điểm đó cũng hết sức giản dị: “Thế giới làm được, người ta làm được, thì mình cũng làm được”.

“Thời điểm đó, nhu cầu về thông gió, hút bụi xử lý môi trường tăng cao. Trong khi các sản phẩm quạt điện, quạt dân dụng rất phổ biến, thì thị trường quạt công nghiệp gần như bỏ ngỏ, chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài nhu cầu thị trường, thì đam mê với ốc vít, motor… cũng là một nguyên nhân khiến tôi kiên trì theo đuổi dòng sản phẩm này”, ông Lê nhớ lại.

Đã có những khó khăn, đã có những thất bại, thời gian đầu có những đơn hàng phải tháo ra làm lại đến lần thứ năm để chiều theo khách hàng. Chính sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình ấy đã dần tạo nên uy tín cho Phương Linh.

4.0 là cơ hội chứ không phải nỗi lo

 

Đam mê kinh doanh và gặt hái nhiều thành công, nhưng với doanh nhân Trần Văn Lê, những kiến thức về quản trị kinh doanh, những kinh nghiệm trong sản xuất, những bài học trên thương trường dường như chưa bao giờ là đủ. Ngoài những tấm bằng kỹ sư và cử nhân đại học, ông Lê có tới 20 chứng chỉ đào tạo, từ quản lý cho tới kỹ thuật. Chính sự ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới ấy, nên khi đề cập chủ đề cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đôi mắt của doanh nhân Trần Văn Lê sáng lên niềm hy vọng.

Ông bảo, ông nhận thấy cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ thay đổi cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người. “Cuộc cách mạng này đặt chúng ta đứng trước nhiều thách thức, buộc doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới để tồn tại và phát triển. Tôi cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội, chứ không phải nỗi lo. Vấn đề là doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng cơ hội đó”, ông Lê hào hứng.

Để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng đó, Phương Linh đã tổ chức giảng các lớp đào tạo nội bộ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, công nhân để nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị do chính Giám đốc Trần Văn Lê trực tiếp đứng lớp. Với những cộng sự luôn ngưỡng mộ và thấu hiểu tầm nhìn của ông Lê, Phương Linh đã, đang và sẽ đi theo con đường mà vị doanh nhân này đã vạch ra, đó là “ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay”.

Đam mê kinh doanh và gặt hái nhiều thành công, nhưng với doanh nhân Trần Văn Lê, những kiến thức về quản trị kinh doanh, những kinh nghiệm trong sản xuất, những bài học trên thương trường dường như chưa bao giờ là đủ. 
Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo