10 gia tộc giàu có nhất thế giới
Bloomberg vừa công bố danh sách 25 gia tộc giàu có nhất thế giới với những cái tên đã vô cùng quen thuộc như Walton, Koch, Mars, Dumas, Lee, Johnson,...
Từ thanh chocolate Mars đến những chiếc túi Hermes, chuỗi siêu thị tới khách sạn, công ty dữ liệu tới nhà sản xuất thuốc,... nguồn tài sản của 25 gia tộc trên đến từ rất nhiều nguồn khác nhau và quy mô của nó khiến nhiều người phải kinh ngạc: Lớn hơn cả vốn hoá thị trường của Apple, tương đương toàn bộ số tiền gửi mà Citigroup đang nắm giữ hay ngang ngửa tổng GDP của Indonesia.
Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, 25 gia tộc giàu có này đang kiểm soát 1,1 nghìn tỷ USD.
Thậm chí, thống kê giá trị tài sản của mỗi gia tộc giàu có trên đều thấp hơn con số thực tế bởi bản chất sự giàu có của họ được củng cố qua hàng thập kỷ, có khi là cả thế kỷ thông qua số lượng tài sản và cổ tức.
Tuy nhiên những yếu tố này có thể bị xáo trộn, ảnh hưởng tới số cổ phần thực sự họ nắm giữ.
Đa phần các gia tộc này đều ở Mỹ hoặc châu Âu. Châu Á chỉ có 3 đại diện, trong đó, có 1 của Ấn Độ, 1 của Hàn Quốc và 1 của Hồng Kông (Trung Quốc).
Bloomberg cho biết, xếp hạng tài sản của 25 gia tộc giàu có nhất thế giới đã loại trừ tài sản của những gia tộc mới hình thành trong thế hệ đầu tiên và của những gia đình đang chuyển giao thế hệ cho một người thừa kế duy nhất.
Chính điều này đã khiến chỉ có 3 gia tộc châu Á có mặt trong danh sách.
Gia đình của một số tỷ phú thuộc hàng giàu nhất thế giới như Bill Gates hay Mark Zuckerberg không có tên trong danh sách bởi các tỷ phú này đã cam kết trao phần lớn tài sản cho sáng kiến từ thiện Giving Pledge của Warren Buffett và để lại một phần rất nhỏ cho con cái.
Dưới đây là top 10 gia tộc giàu có nhất thế giới:
1. Walton (Mỹ)
Công ty: Walmart
Tổng tài sản: 151,1 tỷ USD
Walmart là tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới với doanh thu 500 tỷ USD từ gần 12.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Các thành viên gia đình Walton đang nắm giữ hai công ty thành viên là Walton Enterprises và Walton Family Holdings Trust - sở hữu một nửa tập đoàn bán lẻ - nền tảng khối tài sản của gia đình giàu có nhất thế giới này.
Tính đến nay, gia tộc Walton đã trải qua 3 thế hệ với các mốc chuyển giao:
Năm 1945: Sam Walton mua cửa hàng đầu tiên.
Năm 1992: Sam Walton qua đời. Con trai lớn nhất của ông là Rob Walton trở thành chủ tịch.
Năm 2016: Steuart Walton thay thế vị trí của cha là Jim Walton trong hội đồng quản trị của Walmart.
2. Koch (Mỹ)
Công ty: Koch Industries
Tổng tài sản: 98,7 tỷ USD
Anh em Frederick, Charles, David và William thừa hưởng công ty lọc dầu từ người cha - ông Fred Koch. Tuy nhiên, xung đột về quyền kiểm soát công ty vào đầu những năm 1980 đã khiến Frederick và William rời bỏ công việc kinh doanh của gia đình, trong khi Charles và David ở lại và đã phát triển công ty gia đình thành Koch Industries, một tập đoàn có doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ USD.
David và Charles quản lý một phần tài sản của họ thông qua một văn phòng gia đình, tại 1888 Management.
Gia tộc Koch đã trải qua 2 thế hệ với các mốc chuyển giao chính:
Năm 1940: Fred Koch đồng sáng lập Công ty lọc dầu và gỗ.
Tháng 6/2018: Vì lý do sức khỏe David Koch rời vị trí lãnh đạo đế chế kinh doanh của gia đình.
3. Mars (Mỹ)
Công ty: Mars
Tổng tài sản: 89,7 tỷ USD
Frank Mars đã học cách làm chocolate từ khi còn là một cậu học sinh. Doanh nghiệp mà ông thành lập được biết đến rộng rãi nhờ các dòng sản phẩm kẹo như M&Ms, Milky Way và đặc biệt là chocolate thanh Mars Bars. Tuy nhiên, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe lại chiếm gần một nửa trong doanh thu hơn 35 tỷ USD của công ty. Việc kinh doanh của Mars được tổ chức chặt chẽ là nhờ hoàn toàn thuộc sở hữu của các thành viên trong gia đình.
Gia tộc Mars đã trải qua 4 thế hệ với các mốc chính:
Năm 1883: Frank Mars ra đời. Ông thậm chí bị bại liệt khi còn nhỏ và không thể đi bộ đến trường.
Năm 1932: Forrest E. Mars Sr chuyển đến Vương quốc Anh.
Năm 1973: Forrest E. Mars chính thức nghỉ hưu.
4. Van Damme, De Spoelberch, De Mevius (Bỉ)
Công ty: Anheuser-Busch Inbev
Tổng tài sản: 54,1 tỷ USD
Doanh nghiệp tập thể của ba gia đình sản xuất bia Bỉ này có nguồn gốc từ thế kỷ 14. Gia đình Van Damme tham gia cùng các gia đình khác sau vụ sáp nhập vào năm 1987 giữa Piedboeuf và Artois tạo ra Interbrew. Năm 2004, Interbrew tiếp tục sáp nhập với hãng bia AmBev của Brazil. Verlinvest, một nhánh đầu tư của nhóm gia tộc này hiện quản lý khối tài sản hơn 2 tỷ USD.
Nhóm gia tộc này đã qua 5 thế hệ.
5. Dumas (Pháp)
Công ty: Hermes
Tổng tài sản: 49,2 tỷ USD
Jean-Louis Dumas, người đã mất năm 2010, là người đã biến Hermes thành gã khổng lồ toàn cầu trong ngành thời trang xa xỉ. Trong số các thành viên gia đình giữ các vị trí chủ chốt tại công ty phải kể đến Pierre-Alexis Dumas, Giám đốc nghệ thuật, và Axel Dumas, Chủ tịch công ty.
Dumas có 6 thế hệ.
6. Wertheimer (Pháp)
Công ty: Chanel
Tổng tài sản: 45,6 tỷ USD
Anh em Alain và Gerard Wertheimer đang gặt hái những "trái ngọt" từ đế chế thời trang do ông nội sáng lập vào những năm 1920 ở Paris. Các anh chị em gia tộc Chanel kiểm soát đế chế thời trang rất chặt chẽ, đem về doanh thu khoảng 9,6 tỷ USD vào năm 2017. Ngoài thời trang, Wertheimers còn sở hữu những trang trại ngựa đua và vườn nho.
Gia tộc Wertheimer có 3 thế hệ.
7. Ambani (Ấn Độ)
Công ty: Reliance Industries
Tổng tài sản: 43,4 tỷ USD
Dhirubhai Ambani, cha của Mukesh và Anil, bắt đầu xây dựng công ty tiền thân của Reliance Industries ngày nay vào năm 1957. Khi ông Dhirubhai qua đời năm 2002 mà không để lại di chúc, vợ ông đã thay ông dàn xếp để các con trai kiểm soát gia tài. Người anh cả Mukesh hiện đang nắm giữ vị trí lãnh đạo của tập đoàn có trụ sở tại Mumbai - tập đoàn sở hữu tổ hợp lọc dầu lớn nhất thế giới. Ông sống trong một lâu đài 27 tầng được xem là nhà riêng đắt nhất thế giới.
Gia đình Ambani mới qua hai thế hệ.
8. Quandt (Đức)
Công ty: BMW
Tổng tài sản: 42,7 tỷ USD
Herbert Quandt đã biến BMW thành một trong những hãng sản xuất xe hạng sang lớn nhất thế giới. Sau khi vợ góa của Herbert, bà Johanna Quandt qua đời vào năm 2015, các con của bà là Stefan Quandt và Susanne Klatten lên nắm quyền kiểm soát công ty. Ngoái BMW, gia tộc này còn có những khoản đầu tư khác bao gồm cổ phần tại công ty logistics của Đức là Logwin và công ty phần mềm bảo mật Gemalto.
Quandt có 4 thế hệ.
9. Cargill, Macmillan (Mỹ)
Công ty: Cargill
Tổng tài sản: 42,3 tỷ USD
Gia tộc này là chủ sở hữu lớn nhất của Cargill Inc., công ty gia đình được tổ chức chặt chẽ nhất tại Mỹ. Được thành lập bởi William W. Cargill, với chỉ một kho lưu trữ ngũ cốc ở Conover, Iowa, Mỹ vào năm 1865 đến nay, con cháu của ông đã phát triển và duy trì quyền kiểm soát một đế chế lương thực, nông nghiệp và công nghiệp khổng lồ.
Cargill đã phát triển tới 6 thế hệ.
10. Boehringer, Von Baumbach (Đức)
Công ty: Boehringer Ingelheim
Tổng tài sản: 42,2 tỷ USD
Nhà sản xuất dược phẩm Đức Boehringer Ingelheim được thành lập vào năm 1885 bởi Albert Boehringer và hơn 130 năm sau, gia đình Boehringer, bao gồm cả Von Baumbachs, vẫn đang toàn quyền kiểm soát công ty. Để duy trì cỗ máy doanh nghiệp khổng lồ, Chủ tịch Hubertus von Baumbach và gia đình chia nhau quyền kiểm soát chặt chẽ.
Boehringer đã phát triển qua 4 thế hệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tôn vinh TOP 10 thương hiệu Sao Vàng đất Việt 2024: Vươn tầm Việt Nam
Apple tiến sát cột mốc 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường
Doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm kiếm giải pháp mới
Thị trường Halal: Cửa đã rộng mở, làm sao khai thác tiềm năng nghìn tỷ đô?
FPT được vinh danh Top 10 thương hiệu Sao Vàng Đất Việt