Quốc tế

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015

(DNVN) - Hàng loạt sự kiện chính trị, kinh tế, an ninh quan trọng trên thế giới đã diễn ra khắp các châu lục, đánh dấu một năm 2015 đáng nhớ. Tất cả sẽ được điểm lại trong bài viết dưới đây dưới góc nhìn của Doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2015, nhiều sự kiện quốc tế đã diễn ra. Trong đó, những gam màu sáng được ghi nhận là những sự kiện hợp tác giữa các quốc gia như việc các bên đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu tại COP 21. Hay các quốc gia đạt được thỏa thuận ký kết Hiệp định thương mại TPP.

Bên cạnh đó, dư luận thế giới cũng đã rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh em bé nằm bên bờ biển Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại Châu Âu. Công luận quốc tế hồi hộp nín thở chờ đợi quyết định không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của Tổng thống Nga Putin. 

Trong năm qua, người yêu hòa bình thế giới cũng đã phải bức xúc chứng kiến những hành động tấn công đẫm máu của lực lượng khủng bố IS. Tất cả những sự kiện nổi bật đó của thế giới trong năm 2015 sẽ được điểm lại trong bài viết dưới đây dưới góc nhìn của Doanh nghiệp Việt Nam.

Khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu

Bức ảnh chụp thi thể bé Aylan Kurdi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/9 gây chấn động thế giới.


Năm 2015, châu Âu lâm vào cuộc khủng khoảng người tị nạn, với làn sóng gần 1 triệu người tị nạn ồ ạt kéo đến các quốc gia châu Âu trong bối cảnh châu Âu đang chật vật để thoát khỏi suy thoái kinh tế. Đa số những người tị nạn là người Syria muốn thoát khỏi cuộc nội chiến.

Trong khi châu Âu đang lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế, hầu hết các quốc gia đều không muốn tiếp nhận thêm bất cứ người dân tỵ nạn nào nữa thì Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ tuyên bố hoan nghênh tất cả người tị nạn Syria.

Bên cạnh Đức, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9/2015 đã tuyên bố nhận thêm 10.000 dân tị nạn Syria vào năm 2016.

Chiến trường Syria nhộn nhịp bởi các 'ông lớn'

Chiến đấy cơ của Nga dội bom các mục tiêu IS ở Syria.

Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài gần 5 năm qua và lấy đi tính mạng của ít nhất 250.000 người. Tuy nhiên vào 9/2015, tình hình Syria chính thức có bước ngoặt lớn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định mở chiến dịch không kích ác liệt nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

 

Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria đã khiến liên minh chống IS của NATO do Mỹ dẫn đầu phải nhìn lại 'hiệu quả hoạt động' và chấn chỉnh lại đội ngũ khi mà nhiều nguồn thống kê cho biết các cuộc không kích IS của Nga trong vòng 1 tháng còn hiệu quả hơn chiến lịch của Mỹ trong vòng 1 năm.

Ngay sau đó, một loạt các cường quốc như Anh, Pháp và Đức cũng đã điều chiến đấu cơ bắt đầu chiến dịch tiêu diệt khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.

IS tấn công khủng bố đẫm máu khắp nơi

Hiện trường vụ tấn công đẫm máu ở Paris hôm 13/11.

Trong năm 2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS không những không suy yếu mà tổ chức khủng bố này còn còn mở rộng mạng lưới và tiến hành những vụ tấn công đẫm máu tại các quốc gia khác như Mỹ và các nước phương Tây.

Vào ngày 31/10, máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập khiến tất cả 224 người trên máy bay thiệt mạng. Ngay sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công và khẳng định một thành viên của nhóm khủng bố này đã cài bom trên máy bay.

 

Các tay súng IS đã tiến hành vụ tấn công liên hoàn tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 13/11 khiến 130 người thiệt mạng.

Chưa hết bàng hoàng sau vụ tấn công tại Pháp, người yêu hòa bình trên thế giới đã chứng kiến thêm một vụ tấn công khủng bố có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Vào ngày 2/12, một cặp vợ chồng trung thành với IS đã xả súng khiến 14 người thiệt mạng ở San Bernardino, bang California, Mỹ. Cả hai sau đó bị cảnh sát bắn chết.

Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đóng băng quan hệ

Chiến đấu cơ Su-24 bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 24/11, tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 Fencer của Nga đang làm nhiệm vụ dội bom IS. Phía Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm nhập không phận trong vòng 17 giây. Trong khi đó, phía Nga cũng đưa ra bằng chứng phủ nhận vấn đề.

Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, không quân một nước NATO bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga. Sự việc đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Moscow và Ankara. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Ankara là “đâm sau lưng và đồng lõa với khủng bố”.

 

Ngay sau sự cố Su-24, Tổng thống Putin ra lệnh tăng cường phòng không tại Syria và triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 đến bảo vệ sân bay Latakia. Ngoài ra, Moscow áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Ankara.

Sự kiện này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và làm sâu sắc mâu thuẫn trong quan hệ giữa Nga và khối NATO.

Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới

Tàu khu trục của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Ngày 18/9, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới cho phép lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Dự luật mới cho phép quân đội Nhật Bản mở rộng hợp tác với Washington, đồng minh thân cận nhất của Tokyo nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể.

 

Dự luật an ninh mới của Nhật Bản nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận Thế giới. Trung Quốc lên tiếng phản đối dự luật và cho rằng, luật sẽ mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt. Trong khi Washington hoan nghênh những thay đổi tích cực ở Tokyo và khẳng định điều này sẽ giúp  củng cố liên minh Mỹ - Nhật trở nên vững chắc.

Theo các nhà phân tích quan hệ quốc tế, dự luật an ninh mới của Nhật Bản sẽ tác động rất lớn đến tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong những năm tiếp theo.

Thế giới đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu

Vào cuối tháng 10/2015, lãnh đạo 195 quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị thượng định về biến đổi khí hậu ở thủ đô Paris, Pháp. Sau hai tuần tranh luận gay gắt, họ đã đạt được một thỏa thuận lịch sử. Đó là Hiệp ước Khí hậu Paris, theo đó mỗi quốc gia đều phải cắt giảm khí thải.

 

Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh cuộc tranh luận giữa các nước phát trển và đang phát triển vẫn diễn ra mà chưa có hồi kết. Trong khi các nước phát triển và các nước đang phát triển không nhất trí về việc cắt giảm khí thải carbon. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển đổ lỗi cho các quốc gia phát triển gây ra biến đổi khí hậu và ngược lại.

Malaysia chính thức tiếp quản Chủ tịch ASEAN

Các nước ASEAN

Malaysia đã chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch ASEAN từ Myanmar ngày 1/1/2015. Việc hiện thực hóa Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015, và xây dựng Tầm nhìn sau 2015 của Cộng đồng ASEAN sẽ là hai ưu tiên chính của Malaysia khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN.

Trưởng Ban Thư ký quốc gia ASEAN-Malaysia, ông Muhammad Shahrul Ikram Yaakob, cho biết đây là 2 trong 8 lĩnh vực ưu tiên mà Malaysia hy vọng sẽ đạt được trong nhiệm kỳ của mình.

 

Trong nhiệm kỳ của mình, Malaysia cũng hướng tới việc bàn thảo xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 để định hướng cho Cộng đồng ASEAN phát triển thịnh vượng và lớn mạnh sau khi được chính thức thành lập.

Cộng đồng kinh tế ASEAN

Cộng động kinh tế ASEAN: Vượt thách thức để nắm cơ hội!

Từ lâu ASEAN với 10 nước thành viên đã nhận thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy tự do hóa thương mại nội khối và đẩy nhanh quá trình gắn kết các thành viên trong một sân chơi chung, nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của từng thành viên.

 Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA, thành lập năm 1993) vẫn đang từng bước tiến tới thực hiện những cam kết cuối cùng. Một bước tiếp theo, với nhiều tham vọng và kỳ vọng hơn, là AEC, hoặc như một số nước muốn gọi chung chung hơn là Cộng đồng kinh tế ASEANchính thức được thành lập vào năm 2015.

 Mục tiêu của AEC là tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, và lao động có tay nghề trong khối.

 

Bốn mục tiêu trụ cột của AEC được tuyên bố bao gồm: (1) thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; (2) một khu vực kinh tế cạnh tranh; (3) một khu vực phát triển đồng đều; và (4) hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

 Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một dấu mốc quan trọng, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước

Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)


Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương là một Hiệp định thương mại tự do bao gồm 29 chương, trong đó chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ, được ký kết để thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. 

 

TPP được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nhân loại, giúp giảm thuế xuất nhập khẩu, cũng như bãi bỏ các rào cản thương mại tại 12 quốc gia thành viên (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam)

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…Các quốc gia thành viên hiện tại của TPP chiếm 40% GDP của cả thế giới và 26% lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu. TPP sẽ bắt loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (là một phần lớn của nền kinh tế Việt Nam), để tạo cơ hội cạnh tranh cho các công ty tư nhân.

Đồng NDT vào giỏ tiền dự trữ quốc tế


Ngày 30/11, Hội đồng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ cấu thành nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

 

Quyết định này có thể coi như một sự thừa nhận của thế giới đối với nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của chính phủ Trung Quốc.

Quyết định của IMF sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2016. Tại thời điểm đó, theo IMF nhận định, đồng Nhân dân tệ sẽ chiếm tỷ trọng 10,92% trong giỏ SDR, so với tỷ trọng của đồng USD là 41,73%, của đồng Euro là 30,93%, của đồng Yên là 8,33%. Chuyên gia của IMF dự báo, tỷ trọng của Nhân dân tệ có thể sẽ tăng dần lên 14-16%.

Thu Phương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo