Doanh nghiệp - Doanh nhân

10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2016

(DNVN) - Năm 2016 chứng khiến cơn sốt cổ phiếu ROS và cũng nhờ sự tăng giá chóng mặt của cổ phiếu này đã đưa ông Trịnh Văn Quyết từ chỗ "chưa ai biết" trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Thị trường chứng khoán năm 2016 chứng kiến những cú sốc bất ngờ từ bên ngoài có tác động mạnh mẽ chưa từng thấy như các sự kiện rất ít nhà đầu tư nghĩ tới khả năng xảy ra như việc thị trường chứng khoán Trung Quốc ngắt giao dịch ngày 1/4, sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 24/6, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11...

Trong năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nói là đã xảy ra "chấn động" khi những vị trí trong top đầu những người giàu nhất có sự xáo trộn bất ngờ, thay đổi đáng kể so với 2015.

Đáng chú ý nhất là việc xuất hiện cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và cái tên Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ngoài việc xuất hiện cái tên Trịnh Văn Quyết trong top đầu thì những cái tên "nổi đình nổi đám" khác như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lại; ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG); ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn... đã bị đánh bật khỏi top 10 người giàu nhất.

1. Ông Trịnh Văn Quyết (41 tuổi, Vĩnh Phúc)

Sự bất ngờ nhất năm 2016 là cái tên Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC (FLC) đồng thời là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (ROS).

Ông Trịnh Văn Quyết.

Trước thời điểm tháng 9/2016, ông Quyết thậm chí không góp mặt vào top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán nhưng kể từ thời điểm cổ phiếu ROS lên sàn, vị Chủ tịch của Tập đoàn FLC nhanh chóng có mặt trong top 10 và đến giữa tháng 11 ông này đã chính thức vượt qua ông Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 114 cổ phiếu FLC và 290 triệu cổ phiếu ROS. Chốt phiên ngày 30/12, cổ phiếu FLC có giá 5.200 đồng/cổ phiếu và ROS có giá 114.700 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phiếu mà ông Quyết nắm giữ quy đổi ra tiền thì hiện tại ông Quyết đang có 33.850 tỷ đồng.

2. Phạm Nhật Vượng ( 48 tuổi, Hà Tĩnh)

Ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán Việt từ tháng 11/2016 đến nay chỉ là cuộc đua "song mã" giữa ông Trịnh Văn Quyết và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC).

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Ông Vượng sau nhiều nằm giữ ngôi vị giàu nhất sàn chứng khoán Việt thì giữa tháng 11 vừa qua đã chính thức bị Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết vượt mặt và đến ngày 30/12 ông Vượng vẫn đứng dưới ông Quyết.

 

Ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vingroup, ông là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này khi giữ tới 724 triệu cổ phiếu VIC. Tính đến ngày 30/12, cổ phiếu VIC có giá 42.000 đồng/cổ phiếu, nếu quy đổi ra tiền thì ông Vượng có 30.410 tỷ đồng, tức thấp hơn ông Quyết tới 3.440 tỷ đồng.

3. Trần Đình Long (55 tuổi, Hải Dương)

Nếu như kết thúc năm 2015, “vua thép” Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chỉ chịu đứng sau ông Phạm Nhật Vượng để chiếm vị giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt thì tính đến cuối năm 2016, ông Long đã tụt xuống vị trí thứ 3.

Ông Trần Đình Long.

Năm 2016, cổ phiếu HPG mặc dù vẫn tăng trưởng mạnh nhưng ông Long vẫn phải ngậm ngùi mất vị trí giàu thứ 2 sàn chứng khoán từ cuối tháng 9/2016 vào tay ông Trịnh Văn Quyết.

Ông Long hiện nắm giữ hơn 184 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Tính đến ngày 30/12, cổ phiếu HPG có giá 43.150 đồng/cổ phiếu, như vậy tài sản hiện có của ông Long là 7.950 tỷ đồng, thua xa 2 người dẫn đầu.

 

4. Bùi Thành Nhơn (57 tuổi, TP. HCM)

Gây sự chú ý không kém tỷ phú Trịnh Văn Quyết, ông Bùi Thành Nhơn ngay lập tức chiếm vị trí thứ 4 trong nhóm 10 doanh nhân giàu nhất Việt Nam khi cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) lên sàn ngày 28/12.

Ông Bùi Thành Nhơn.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/12, cổ phiếu NVL ở mức giá 60.100 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu 126,2 triệu cổ phiếu NVL, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland có khối tài sản tương đương gần 7.590 tỷ đồng.

5. Phạm Thu Hương ( 47 tuổi, Hà Nội)

Bà Phạm Thu Hương - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup xếp ở vị trí thứ 5 trong nhóm 10 người giàu nhất sàn chứng khoán với số tài sản lên tới 4.720 tỷ đồng. Như vậy, tài sản bà Hương đã tăng hơn 900 tỷ so với mức 3.819 vào cuối năm năm. Hiện bà Hương đang nắm giữ 112 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup.

 

Bà Phạm Thu Hương còn được biết đến là vợ của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Ngoài ra, bà Hương còn là người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

6. Phạm Thúy Hằng ( 42 tuổi, Hà Nội)

Bà Phạm Thúy Hằng - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và cũng là em gái của bà Phạm Thu Hương giữ vị trí thứ 6 trong top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tính đến ngày 30/12, bà Hằng sở hữu hơn 75 triệu cổ phiếu VIC với tổng tài sản 3.154 tỷ đồng, tức tài sản của bà Hằng đã tăng 550 tỷ so với cuối năm 2015.

7. Trương Thị Lệ Khanh ( 55 tuổi, An Giang)

 

Bà Trương Thị Lệ Khanh -  Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn bất ngờ có mặt trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Hiện bà Khanh đã soán vị trí thứ 7 những người giàu nhất của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), người đã nắm giữ vị trí này cùng thời điểm năm ngoái.

Bà Trương Thị Lệ Khanh.

Bà Trương Thị Lệ Khanh tốt nghiệp ngành Cử nhân Kinh tế - Đại học Tài chính kinh tế TP. HCM. Vị trí những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ đó là bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn - một doanh doanh nghiệp hoạt động trong ngành thủy sản.

Hiện bà Khanh đang nắm giữ 45,5 triệu cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Tính đến ngày 30/12, cổ phiếu VHC đang có giá 57.800 đồng/cổ phiếu, như vậy, bà Khanh đang có khối tài sản là 2.634 tỷ đồng.

8. Đỗ Hữu Hạ ( 61 tuổi, Hải Phòng)

 

Cái tên Đỗ Hữu Hạ khá mới lạ trong danh sách top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2016. Ông Đỗ Hữu Hạ hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nhập khẩu, buôn bán ôtô và phụ tùng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hiện ông Hạ đang nắm giữ 4,8 triệu cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy và 151 triệu cổ phiếu TCH của CTCP Đầu Tư Dịch Vụ Tài Chính Hoàng Huy. Tính đến ngày 30/12, cổ phiếu TCH có giá 16.900 đồng/cổ phiếu còn HHS có giá 3.640 cổ phiếu. Như vậy, khối tài sản hiện có của ông Hạ là 2.570 tỷ đồng.

9. Lê Thị Ngọc Diệp

Năm nay phải nói là năm thành công nhất của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết khi mà vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp cũng góp mặt trong top 10 doanh nhân giàu nhất Việt Nam.

Không chỉ giúp ông Quyết làm người giàu nhất sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS còn đưa bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết lọt vào vị trí thứ 9 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tính đến đầu tháng 10/2016, hai vợ chồng ông Quyết hiện nắm giữ 69,71% vốn điều lệ của Faros.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp sở hữu 20,2 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros. Tính đến ngày 30/12, thị giá của cổ phiếu ROS là 114.700 đồng/cổ phiếu, như vậy, hiện bà Diệp đang có khối tài sản là 2.315 tỷ đồng.

 

10. Vũ Thị Hiền (Hà Nội)
Bà Vũ Thị Hiền được biết là vợ của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền được cho người phụ nữ “giàu có và bí ẩn” nhất nhì sàn chứng khoán Việt vì ngoài việc là vợ ông Trần Đình Long, không có thêm bất cứ một thông tin nào về bà Hiền.

Được biết, bà Hiền đang sở hữu 53,4 triệu cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Tính đến ngày 30/12, cổ phiếu HPG có giá 43.150 đồng/cổ phiếu, như vậy tài sản hiện có của bà Hiền là 2.300 tỷ đồng.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo