Doanh nghiệp - Doanh nhân

100 tỷ USD và tham vọng thay đổi ngành công nghệ thế giới của tỷ phú Nhật

Với hơn 100 tỷ USD huy động được từ rất nhiều nguồn trên thế giới, quỹ đặt mục tiêu phát triển đột phá công nghệ trong tương lai.

Hai năm trước đây, nếu bạn hỏi các chuyên gia về người nào có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, chắc chắn bạn sẽ chỉ toàn nghe thấy những cái tên quen thuộc: tỷ phú Jeff Bezos của Amazon, tỷ phú Jack Ma của Alibaba hay tỷ phú Mark Zuckerberg của Facebook.
Giờ đây, tên tuổi của một nhân vật mới đang nổi lên: Masayoshi Son – nhà sáng lập tập đoàn SoftBank - một doanh nghiệp công nghệ và Internet lớn của Nhật.

Ông đã đầu tư thành lập nên một quỹ lớn để mua cổ phần tại nhiều công ty non trẻ và triển vọng nhất thế giới. Quỹ Vision Fund hiện đang gây gián đoạn cả những ngành mà quỹ đầu tư cũng như nhiều bên cấp vốn khác.

Tỷ phú Masayoshi Son - Ảnh: DealStreet.

Quỹ là kết quả của mối liên minh được hình thành từ năm 2016 giữa tỷ phú Son và thái tử Arab Saudi, ông Muhammad bin Salman. Thái tử Muhammad bin Salman đã dành cho quỹ của tỷ phú Son đến 45 tỷ USD trong nỗ lực cố gắng đa dạng hóa các ngành nghề của nền kinh tế Saudi Arabia.

Quỹ đầu tư quy mô lớn đó hút thêm vốn từ Abu Dhabi, Apple và nhiều bên khác. Nếu tính cả 28 tỷ USD vốn từ SoftBank, tỷ phú Son có tổng số vốn lên đến 100 tỷ USD.

Con số 100 tỷ USD này lớn hơn nhiều con số 64 tỷ USD của các quỹ vốn mạo hiểm huy động được trong năm 2016, tương đương 4 lần số vốn mà quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới đã huy động được. Một nhà đầu tư quỹ cổ phần từng gọi Vision Fund là "nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới".

Quyền lực không có nghĩa sẽ thành công. Những hoài nghi về quỹ Vision Fund đã tăng dần. Sau khoảng thời gian tăng trưởng dài, giá trị của các công ty công nghệ giờ không còn cao.

Tỷ phú Son từng có nhiều thành công trong sự nghiệp đầu tư của mình, ví như khoản đầu tư của ông vào Alibaba. Thế nhưng cũng không thể quên được rằng các khoản đầu tư thời dotcom của ông trước đây cho thấy ông đồng thời là người mất nhiều tiền hơn bất kỳ ai trong lịch sử.
Quỹ gọi vốn nhanh bao nhiêu thì đầu tư cũng nhanh bấy nhiêu. Cho đến nay quỹ đã giải ngân được 30 tỷ USD, gần tương đương con số 33 tỷ USD mà toàn bộ ngành đầu tư mạo hiểm Mỹ huy động được trong năm 2017.

 

Và bởi phân nửa vốn dưới dạng nợ, nó chịu ràng buộc các yêu cầu về trả lãi suất. Sự kết hợp của tất cả những yếu tố trên có thể gây ra thảm họa tài chính. 

Thế nhưng ngay cả cuối cùng nếu quỹ đầu tư không thành công, nó cũng đủ tạo ra nhiều hiệu ứng lên hoạt động đầu tư ngành công nghệ. Việc chi tiêu ra nhiều tiền ở thời điểm hiện nay sẽ giúp định hình các ngành công nghệ của tương lai.

Tỷ phú Son đang bơm tiền vào những ngành công nghệ của tương lai, từ robot cho đến các công nghệ Internet. Ông sở hữu cổ phần tại nhiều công ty sở hữu ứng dụng gọi xe ví như Uber; ứng dụng chia sẻ không gian làm việc WeWork và Flipkart, công ty thương mại điện tử Ấn Độ tuần này mới được bán cho Walmart.

Mô hình quỹ Vision Fund có sức hấp dẫn riêng. Nó giúp nuôi dưỡng sự cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn. Quỹ cho phép những nhà sáng lập của các công ty công nghệ mới thêm một lựa chọn mới ngoài việc gọi vốn từ những công ty lớn kiểu như Google, Facebook hay Amazon. Tiềm lực tài chính mạnh cũng giúp cho họ có khả năng cạnh tranh cao hơn với các công ty lớn.

Quỹ có thể có chức năng tương đương giống như ở Trung Quốc hiện nay, nơi mà gần nửa các công ty công nghệ mới hiện đang được bảo trợ bởi 4 công ty công nghệ lớn bao gồm Baidu, Alibaba, Tencent và JD.com.

 

Tuy nhiên, quỹ đầu tư cũng mang lại không ít bất lợi. Chỉ riêng quy mô của quỹ khiến cho chi phí khởi động hoạt động kinh doanh mới cao hơn. Những công ty non trẻ nhận tiền mặt từ quỹ thường dành tiền cho hoạt động kinh doanh và tiếp thị, chính vì thế các công ty khác trong ngành cũng sẽ phải đầu tư ở mức độ tương đương nhằm giành được khách hàng, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn cho các bên.

Nên đọc
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo