3 “công thức sáng tạo” của Steve Jobs
Không thể phủ nhận tài năng thiên bẩm cũng như những nỗ lực của cựu CEO Apple. Tuy nhiên, để có thể được mệnh danh là “đại danh từ của sự cách tân", Steve Jobs cũng có những “công thức” rất riêng để tôi luyện sự sáng tạo.
Dưới đây là 3 bí quyết giản đơn mà hiệu quả để hỗ trợ tư duy sáng tạo mà tất cả các doanh nhân đều có thể học hỏi và áp dụng từ Steve Jobs:
1. Theo đuổi nhiều sở thích
Sau khi thôi học tại trường Cao đẳng Reed thuộc bang Oregon (Mỹ), Steve Jobs quyết định đăng ký tham gia vào một số bộ môn mình cảm thấy hứng thú, trong đó có lớp Calligraphy (Viết chữ đẹp). Khóa học dựa trên sở thích này rõ ràng chẳng có chút gì liên quan đến tương lai của Steve Jobs hay chứa đựng bất kỳ một mục đích thiết thực nào cho những dự định sau này của ông cả.
Thế nhưng, trong bài phát biểu nổi tiếng thế giới tại trường Đại học Stanford, vị CEO quá cố đã chia sẻ rằng chính những điều tích lũy được tại lớp Calligraphy đã giúp cho ông hoàn thiện bộ Typography (Nghệ thuật sắp chữ) đẹp như mơ của hệ điều hành Macintosh.
Steve Jobs nói: “Sự sáng tạo đơn thuần là việc biết kết hợp những thứ xung quanh. Bạn có thể thử hỏi những người giàu óc sáng tạo xem họ đã phát minh ra một thứ gì đó như thế nào để biết câu trả lời. Thường thì họ sẽ có đôi chút xấu hổ và cảm thấy tội lỗi vì biết thực ra bản thân chẳng làm gì cả mà chỉ đơn giản là tình cờ thấy một thứ gì đó thôi. Và không lâu sau khi tuyên bố ý tưởng sáng tạo của mình thì họ sẽ nhận ra sự thật hiển nhiên này”.
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã góp phần minh chứng cho quan điểm của Steve Jobs. Nhà tâm lý học người Mỹ Scott Barry Kaufman cho biết, điểm chung lớn nhất ở các cá nhân giàu óc sáng tạo chính là việc họ luôn cởi mở với những trải nghiệm mới cũng như theo đuổi đa dạng sở thích.
Trong báo cáo khoa học mang tên “Opening up Openness to Experience: A Four-Factor Model & Relations to Creative Achievement in the Arts and Sciences” (tạm dịch: "Cởi mở với những trải nghiệm mới: 4 yếu tố để sáng tạo trong nghệ thuật và khoa học"), vị giám đốc phân viện Imagination kiêm giảng viên tại Trung tâm Tâm lý học tích cực của trường Đại học Pennsylvania này đã kết luận: “Các loại hình tương tác giữa não bộ với môi trường xung quanh khác nhau sẽ đòi hỏi những cơ chế xử lý thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều khía cạnh bao hàm trong một trải nghiệm sẽ thỏa mãn những nhu cầu riêng của mỗi người tham gia. Và chính các nhu cầu tách biệt này sẽ góp phần đáp ứng cho nhiều loại hình sáng tạo khác nhau”.
Tóm lại, bạn càng cởi mở và theo đuổi nhiều sở thích cùng trải nghiệm mới thì cơ hội nảy sinh các ý tưởng sáng tạo càng cao.
Thuật ngữ “Thinking outside the box" (Tư duy ngoài khuôn mẫu), có lẽ nên được hiểu một cách đúng đắn hơn là “Drawing from different boxes" hay “Đúc kết ra từ nhiều khuôn mẫu khác nhau”.
Thực tế, một kẻ dù mang tiếng xấu là “bá nghệ bá tri vị chi bá láp" lại có tiềm năng để trở thành “bậc thầy” sáng tạo hơn cả. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao Steve Jobs lại đề cao nghệ thuật tự do và khoa học nhân văn, vốn chẳng liên quan gì đến công việc của ông tại Apple đến vậy.
Dù thói quen theo đuổi nhiều sở thích có thể được hình thành từ những năm đầu của thời kỳ trưởng thành, bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể luyện tập kỹ năng tìm tòi và khám phá trải nghiệm mới. Học hỏi từ Steve Jobs, có thể thấy chìa khoá căn bản nằm ở việc không được giới hạn mình vào chỉ những gì có lợi ngay trước mắt. Thay vào đó, hãy luôn thử thách bản thân để tìm kiếm những trải nghiệm mới, cụ thể như nghiên cứu mô hình kinh doanh không liên quan gì đến công việc của mình hay thường xuyên thay đổi thói quen để khám phá ra những điều mới.
Đồng thời, ý thức tập trung vào mục đích sau cùng giữa sự bủa vây từ muôn vàn sở thích của Steve Jobs cũng là điều đáng cho chúng ta học hỏi. Bản thân vị CEO của Apple cũng từng nói: “Cải tiến cũng đồng nghĩa với việc nói không cùng 1.000 thứ”.
Việc tung hứng và kết nối qua lại giữa các sở thích chỉ có ích ở một mức độ nhất định. Quá trình sáng tạo nhất thiết cần được cân bằng và phải đi đôi cùng việc biết nói “không” với những thứ mà rất có thể sẽ khiến ta xao nhãng mục tiêu hàng đầu.
2. Đi bộ
Trong cuốn Becoming Steve Jobs (Tập làm Steve Jobs), Brent Schlender cho biết vị CEO quá cố thường động não khi đi bộ cùng với người khác. Các nghiên cứu hiện nay cũng đã chỉ ra việc đi bộ có thể giúp tăng cường khả năng sáng tạo của con người.
Còn trong cuốn Neurowisdom, 2 nhà thần kinh học là Mark Waldman và Chris Manning đã cho thấy sự khác nhau trong hoạt động giữa “vùng não phụ trách ra quyết định” và “vùng não chuyên dùng cho sáng tạo”. Khi một người tập trung làm việc để hoàn thành mục tiêu, họ sẽ sử dụng “vùng ra quyết định”. Tuy nhiên, khoảnh khắc mà một ý tưởng lóe sáng lại thường chỉ đến khi một cá nhân nghỉ giải lao và để “vùng sáng tạo” được kích thích thông qua các hoạt động như mộng mơ hay suy tưởng.
Trong báo cáo khoa học mang tên “Give Your Ideas Some Legs: The Positive Effect of Walking on Creative Thinking” (tạm dịch: "Trao "chân" cho ý tưởng của bạn: Tác động tích cực của đi bộ đối với tư duy sáng tạo"), Marily Oppezzo và Daniel Schwartz đã chỉ ra những lợi ích cụ thể của việc đi bộ cũng như mối liên hệ của nó với tư duy sáng tạo. Cụ thể, những cá nhân đi bộ giải lao, bất kể ở môi trường nào, đều có cảm hứng sáng tạo tăng rõ rệt và đều đặn hơn người chỉ ngồi một chỗ.
2 nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 176 sinh viên và người trưởng thành để đi đến kết luận trên. Họ đã giao cho các đối tượng nghiên cứu một nhiệm vụ có liên quan đến việc sử dụng tư duy theo nhiều hướng khác nhau và phát hiện ra rằng 100% những người đi bộ có ý tưởng "chất lượng" hơn số người ngồi một chỗ. Số ý tưởng sáng tạo ở những người yên vị chỉ là 50%.
Nghiên cứu đến từ trường Đại học Stanford này đã chỉ rõ, đi bộ sẽ giúp tăng cường mức độ sáng tạo lên tới 60%. Có thể thấy, việc Steve Jobs hay Mark Zuckerberg tiến hành những buổi họp hay gặp gỡ dưới hình thức dạo bộ ngoài văn phòng không phải là không có lý do.
Doanh nhân có thể áp dụng thói quen đi bộ, một mình hay theo nhóm, để cải thiện khả năng tư duy sáng tạo. Khi mắc kẹt với những tình huống éo le và chưa có lời đáp, đi bộ trong ít phút có thể là chất xúc tác hoàn hảo để giúp giải quyết vấn đề. Nếu không thể đi bộ, nghỉ giải lao trong thời gian ngắn để thư giãn và kích thích "vùng não sáng tạo" là phương án dự phòng tối ưu.
3. Tịnh tâm
Sau khi bỏ học, Steve Jobs dành ra vài tháng ở Ấn Độ để khám phá và học tập Thiền tông, vốn là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ quốc gia châu Á này. Steve Jobs thích thú với thiền đến mức ông còn dự tính sang Nhật để tìm cầu học đạo, nâng cao khả năng thực hành thiền định của mình.
Vị CEO từng nói với Walter Isaacson - người viết tiểu sử của mình như sau: “Nếu để ý kỹ, anh sẽ thấy tâm trí của mình không lúc nào chịu yên vị mà cứ bồn chồn không thôi. Nếu cố gắng kiềm hãm nó thì sự tình chỉ càng thêm tồi tệ. Tuy nhiên, theo thời gian, tâm trí của mỗi người sẽ bình lặng hơn khi biết áp dụng các phương pháp tịnh tâm hay thiền. Khi đó, những điều tinh tế sẽ đến một cách dễ dàng hơn vì giờ đây tâm trí anh đã sắm sẵn không gian dành cho chúng. Chính lúc ấy là thời điểm trực giác của anh được khai mở và anh sẽ thấy mọi thứ rõ ràng hơn cũng như nhập tâm hơn vào khoảnh khắc hiện tại”.
Đưa thiền vào trong sinh hoạt đã giúp Steve Jobs phát triển khả năng sáng tạo của mình. Các loại hình tịnh tâm như “open-monitoring” (quan thức thiền) giúp thúc đẩy người luyện tập suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Quá trình tư duy này cho phép tạo ra nhiều ý tưởng mới, vốn là chìa khóa cho sự sáng tạo.
Bên cạnh hỗ trợ tư duy, luyện tập thiền còn giúp phát triển sự đồng cảm. Trong báo cáo khoa học “Meditation Increases Compassionate Responses to Suffering” (tạm dịch: "Thiền định làm tăng sự đồng cảm với những nỗi đau"), xuất bản năm 2013, những người luyện tập thiền sau 8 tuần có khuynh hướng chia sẻ nỗi đau và mất mát của người khác nhiều hơn 5 lần người thường.
Cũng chính sự đồng cảm này của Steve Jobs đã khiến ông dễ dàng mang đến những điều khách hàng của mình mong muốn, dù chính họ cũng không biết phải diễn tả nó như thế nào. Ông từng nói rằng nhiệm vụ của mình không đơn giản là đem đến cho khách hàng những gì họ nói họ muốn mà còn cung cấp cả những gì họ cần mà thậm chí họ không biết.
Doanh nhân có thể áp dụng phương pháp “mindfulness meditation” (thiền chánh niệm) để làm tăng trí tuệ cảm xúc cũng như giảm stress.
Dù rằng sự thiên tài của Steve Jobs không phải chỉ bao hàm trong những điều kể trên, chúng vẫn góp phần to lớn cho tư duy độc đáo của người được mệnh danh là “đại danh từ của sự cách tân".
3 bí quyết trên là 3 công thức đơn giản cho sự sáng tạo mà các doanh nhân đều có thể áp dụng cho bản thân và đồng đội để đạt được hiệu quả tư duy tối ưu nhất giữa bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo