Tin tức - Sự kiện

5 hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước

(DNVN) - Có 5 hình thức kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.

Theo tin từ VPCP, Chính phủ vừa ban hành số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo quy tịnh tại Nghị định, có 5 hình thức kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. 

Trong đó, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để thu lợi riêng cho bản thân và cho người khác hoặc sử dụng tài sản công trái pháp luật...

Có 5 hình thức kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Ảnh minh họa.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để thất thoát vốn nhà nước hoặc vốn của tập đoàn, tổng công ty, công ty; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật...

Cũng theo Nghị định, hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng mà lý do không được cấp có thẩm quyền chấp thuận; hoặc người quản lý doanh nghiệp lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi... 

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: 

1- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ. 

2- Tập đoàn, tổng công ty, công ty không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, không bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mà không giải trình được nguyên nhân khách quan hoặc giải trình nguyên nhân nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp thuận. 

 

3- Bị truy tố và bị Tòa tuyên là có tội. 

4- Không trung thực trong thực thi quyền, nghĩa vụ hoặc lạm dụng địa vị, chức vụ, sử dụng tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. 

5- Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 6- Để tập đoàn, tổng công ty, công ty vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản; tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc diện tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục để tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không có lý do được cấp có thẩm quyền chấp thuận. 

Trong các trường hợp người quản lý doanh nghiệp bị phạt tù mà không được hưởng án treo; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để tập đoàn, tổng công ty, công ty thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng... thì bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc. 

 

Nghị định nêu rõ, mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ áp dụng 1 hình thức kỷ luật. Nếu người quản lý doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc. 

Trường hợp người quản lý doanh nghiệp tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:  Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành; nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở mức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới. 

Lãnh đạo DNNN từ chức khi không còn đủ uy tín

 Nghị định cũng quy định, người quản lý doanh nghiệp được từ chức trong trường hợp không còn đủ uy tín để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, người quản lý doanh nghiệp được từ chức một trong các trường hợp: Do nhận thấy vi phạm khuyết điểm của tập đoàn, tổng công ty, công ty hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; có nguyện vọng xin từ chức vì lý do cá nhân khác.

 

Người quản lý doanh nghiệp không được từ chức một trong các trường hợp: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật mà chưa hoàn thành nhiệm vụ, cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ, nếu từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ được giao; hoặc đang trong quá trình bị thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật hoặc bị xem xét kỷ luật về đảng, chính quyền.

Nghị định cũng quy định, việc miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp được thực hiện một trong các trường hợp sau đây:

Không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Có hành vi vi phạm pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây: Vi phạm pháp luật bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế; bị cấp có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức kỷ luật cách chức.

Không đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; trong 1 nhiệm kỳ hoặc trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp bị 2 lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao; để tổ chức, đơn vị được giao phụ trách mất đoàn kết hoặc làm tổ chức, đơn vị mất đoàn kết theo kết luận của cấp có thẩm quyền; bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức hoặc vi phạm quy định về những việc đảng viên không được làm đối với người quản lý là đảng viên. Có đơn xin từ chức và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.  

Việc miễn nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp không chờ đến hết thời hạn giữ chức vụ được bổ nhiệm hoặc chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Người quản lý doanh nghiệp sau khi từ chức, miễn nhiệm sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí công tác phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo