50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ 16 quốc gia và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trung Quốc thống trị danh sách với 14 đại diện, theo sau là Ấn Độ, Thái Lan và Singapore.
Theo Forbes, trong danh sách này, “đáng kể nhất” là bà Karen Agustiawan, 55 tuổi, Giám đốc tập đoàn dầu khí quốc gia Pertamina có doanh thu hằng năm trên dưới 70 tỉ USD của Indonesia.
Tiếp theo là bà Eva Yi Hwa Chen (55 tuổi), đồng sáng lập và Tổng giám đốc (CEO) Tập đoàn phần mềm Trend Micro của Nhật Bản. Giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của công ty này hiện khoảng 4,2 tỉ USD.
Theo sau là các bà: Ho Ching (60 tuổi) - CEO quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings với tổng giá trị tài sản khoảng 170 tỉ USD; Sun Yafang (59 tuổi) - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Huawei Technologies của Trung Quốc; Gail Kelly (57 tuổi) - CEO Tập đoàn ngân hàng Westpac Banking của Úc; Kiran Mazumdar-Shaw (60 tuổi) - Nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Biocon của Ấn Độ; Pansy Ho Chiu-king (51 tuổi) - “nữ hoàng cờ bạc”, nắm một loạt casino ở Hồng Kông và Macau; Mai Kiều Liên (60 tuổi) - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk; và Gina Rinehart (60 tuổi) - Chủ tịch điều hành Tập đoàn khoáng sản Hancock Prospecting của Úc.
Forbes nhận xét Vinamilk là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Theo hãng nghiên cứu Nielsen, hãng hiện có 51% thị phần sữa nước. Doanh thu năm 2014 của công ty đã tăng 14% lên 1,7 tỷ USD nhờ có 2 nhà máy mới. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa con số này lên 3 tỷ USD năm 2017 bằng cách mở rộng ra nước ngoài.
Vinamilk hiện xuất khẩu sang 30 quốc gia và đang tăng bán sản phẩm tại Trung Đông, châu Phi và Cuba. Dù vậy, Vinamilk cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Lợi nhuận năm ngoái gần như đứng yên do giá nguyên liệu thô - chủ yếu là bột sữa nhập khẩu - tăng cao.
Vinamilk là công ty lớn nhất ngành, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk dĩ nhiên đứng vị thế số 1 trong làng sữa. Tốc độ tăng trưởng doanh số cũng rất tốt, bình quân giai đoạn 2008-2014 đều đạt 31%. Vốn hóa khủng. Hiện Vinamilk có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán với trên 100.000 tỷ đồng. Năm 2013, vốn hóa Vinamilk khoảng 5,3 tỷ USD, tương đương khoảng 3,11% GDP nước ta năm này. Vinamilk cũng được hãng xếp hạng tín nhiệm S&P’s chọn vào Top 100 doanh nghiệp lớn nhất Asean.
Tham vọng của Vinamilk rất lớn khi đề ra mục tiêu đạt tổng doanh số 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Tiêu chí lựa chọn?
Để chọn ra danh sách 50 phụ nữ quyền lực châu Á năm nay, Forbes đã dựa trên các tiêu chí: Doanh thu công ty (hiếm khi dưới 100 triệu USD, thường là hàng tỷ USD), vị trí của ứng cử viên trong công ty và mức độ tham gia vào công việc.
Bảng xếp hạng của Forbes năm nay liệt kê danh sách từ 16 quốc gia, có 27 người mới như Noni Purnomo, Tổng giám đốc Tập đoàn Blue Bird của Indonesia; Sonia Cheng, Giám đốc điều hành Rosewood Hotel Group của Hong Kong và Helen Yuchengco Dee, Chủ tịch Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal của Philippines.
Đây cũng là lần đầu tiên Forbes đã liệt kê những nữ doanh nhân đến từ Myanmar và Mông Cổ.
Trung Quốc Đại Lục và Hong Kong một lần nữa vươn lên chiếm ưu thế với 14 nữ doanh nhân nổi bật, theo sao là Ấn Độ với 6 người, Thái Lan và Singapore lần lượt có 5 và 4 người.
Hàn Quốc, Úc, Philippines và Indonesia mỗi nước có 3 người. Nhật Bản và Việt Nam mỗi quốc gia có 2 người. Các nước còn lại là Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Mông Cổ và New Zealand có một sếp nữ trong danh sách này.
Theo VnMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo