6 đặc sản Cần Thơ chỉ cần nhắc tới là thèm
Bánh tét lá cẩm
Đây là loại bánh truyền thống của họ Huỳnh tại Cần Thơ. Bánh do bà Sáu Trọng (tức Huỳnh Thị Trọng) phát minh vào những năm 60 của thế kỷ trước. Về sau lang truyền khắp vùng Cần Thơ, rồi tiếp tục lan khắp miền Tây.
Bánh tét lá cẩm có mùi vị đặc biệt không lẫn vào đâu được. Mùi thơm của lá cẩm, vị béo ngậy của thịt và nước cốt dừa hòa quyện với nhân đậu xanh ngon không thể cưỡng lại được. Nếp phải là loại nếp rặt không lộn gạo, thịt làm nhân được lựa chọn kỹ lưỡng và tẩm ướp gia vị theo bí quyết riêng của người dân nơi đây.
Nem nướng Cái Răng
Nem được làm từ thịt heo, để được “tuyển chọn” phải là loại vừa mới, thịt như hãy còn bốc hơi nóng và đem bỏ gân, thấm cho sạch máu. Người ta xắt thành lát mỏng rồi đem ướp với tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, muối, bột nêm... Khi gia vị đã thấm đều thì thêm chút đường và tiêu xay rồi cho tất cả vào cối quết. Khi thịt quết đã dẻo, chuyển sang mầu trắng thì đem viên tròn lại.
Từng cục nem tròn tròn, ú ú, người ta đem xâu qua thanh tre đã được chuốt nhỏ rồi nướng lên ngọn lửa than hồng cháy dịu. Đem ra đĩa, tuốt nhẹ cho cục nem rơi ra và thưởng thức. Có lẽ không một ai có thể chối từ được mùi thơm lừng cuốn hút và cả cái mướt mờ như mỡ, vàng ươm do sự khéo léo của người nướng mà thành.
Bánh tằm bì
Loại bánh này xuất hiện khá phổ biến ở các tỉnh thành miền Tây, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh tằm bì Cần Thơ.
Món bánh này là sự kết hợp giữa hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Trong đó, bánh tầm là từ bột được pha chế có liều lượng, ép bằng khuôn rồi đem hấp. Bì là thịt, da heo thì luộc mềm, lạng mỏng; sau đó, xắt sợi, trộn vào nhau cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối... được bày ra đĩa với chút dưa leo, rau thơm, nước cốt dừa và dảo dừa béo ngậy, bên trên thêm muỗng mỡ hành. Ăn với nước mắm ớt cay cay ngọt ngọt.
Bánh Hỏi Phong Điền
Huyện Phong Điền (Cần Thơ) sẵn có nghề bánh hỏi lâu đời, tuy loại bánh này có ở nhiều nơi nhưng độ ngon thì ít nơi nào bì kịp với bánh hỏi Phong Điền.
Để ra được mẻ bánh, trước hết phải khuấy trùng bột (làm cho bột chín một nửa) rồi đưa vào cối xay cho nhuyễn. Bột nửa chín nửa sống đã xay nhuyễn được nện vào khuôn hình trụ, phía trên có một thân cây dài do người khỏe tay làm đòn bẩy để ép bánh.
Thợ bắt bánh dùng lá chuối tươi cắt hình chữ nhật để hứng sẵn ở dưới khuôn, khi bột được ép xuống thì dùng tay di chuyển để tạo hình mặt lưới sao cho đẹp mắt.
Khi tạo hình hết một lượt, chỉ cần đem bánh đó hấp trên bếp 5 phút, chừng nào cầm đũa rê bánh thấy không bị gãy và sợi bánh trong nghĩa là bánh đã chín. Tiếp theo là công đoạn gỡ bánh ra khỏi lá chuối, cứ 4 miếng xếp thành một xấp.
Lẩu bần Phù Sa
Lẩu bần được chế biến chủ yếu từ trái bần - một loại trái đặc biệt của miền Tây- trái bần có vị chua thanh vì thế khi cho vào nấu nước lẩu thì nước lẩu có vị chua thanh rất mát.
Lẩu bần được chế biến cùng với rất nhiều loại cá khác nhau như: Cá basa, cá diêu hồng, cá ngát và ăn cùng với rất nhiều loại ra là đặc trưng của người dân miền Tây như: Bông súng, điên điển, so đũa, bắp chuối thái… Lẩu bần với lẩu mắm đã góp phần làm phong phú thêm những món ăn ngon của Cần Thơ.
Bánh cống Cần Thơ
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm. Để bánh được ngon thì cách pha bột, cách trộn nhân khá quan trọng, sao cho vỏ bánh giòn vàng, nhân bánh đậm đà.
Bột làm bánh gồm ba phần gạo, một phần nếp, ngâm với nước muối loãng qua một đêm cho hạt gạo mềm rồi xay bột. Bột xay rồi lại vắt cho ráo nước, sau đó lại trộn bột với một phần ba bột mỳ, thêm nước và hành lá cắt nhỏ.Nhân bánh gồm đậu xanh đã đãi vỏ được nấu chín còn nguyên hạt, thịt lợn băm nhuyễn xào chín trộn chung với đậu xanh. Bánh cống đậm đà hơn không thể thiếu tôm. Tôm được chọn làm nhân bánh là loại tôm tươi, rửa sạch, bỏ râu.
Chuẩn bị mọi nguyên liệu xong xuôi, khâu chiên bánh cũng khá hấp dẫn. Điều thú vị là thực khách có thể vừa thưởng thức bánh cống cũng vừa có thể xem các chủ quán chiên bánh. Bánh cống ăn tới đâu chiên tới đó. Một chảo dầu sôi sâu lòng, lấy muỗng cho bột vào khuôn cống sau đó cho nhân là đậu xanh và thịt bằm, đổ trên nhân bánh một chút bột nữa, sau cùng là để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu sôi liu riu, lửa càng nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vỏ bánh đến trong nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo