Văn hóa Văn hóa 8 đặc sản Nha Trang nhất định phải ăn trước khi về Nếu chưa thưởng thức đủ bún chả cá, nem nướng, bò nướng... thì chuyến đi đến thành phố biển của bạn sẽ chưa thể trọn vẹn. Bún chả cá. Bún chả cá được coi là linh hồn của Nha Trang. Bát bún giản dị không cầu kỳ, chỉ dăm miếng chả cá, một chút giá, rau chuối, hành, rau húng nhưng hương vị rất khó quên. Bí mật nằm ở công thức làm chả cá của người dân địa phương. Bởi nó là sự kết hợp cả các loại cá tươi không xương hoặc ít xương như: cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… với các loại gia vị bí truyền, và điều đó đã tạo nên những miếng chả cá ngon, mềm mịn và hơi dai mà không chả cá ở đâu có được. Bánh ướt. Bánh ướt Diên Khánh là một món ăn khá nổi tiếng ở Nha Trang. Loại bánh này ăn nóng mới ngon nên khi có khách vào, người tráng bánh mới bắt đầu công việc của mình với lò nước sôi sẵn. Họ chỉ việc dùng chiếc gáo dừa múc bột, nhẹ tay tráng đều trên khuôn vải đã căng thẳng trên vung. Thời gian bánh chín tùy thuộc vào độ dày của bánh. Bánh chín rồi sẽ dùng cây ghim tre luồn dưới chiếc bánh mỏng vớt lên xếp vào đĩa, chiếc bánh được cây ghim xẻ ra làm bốn phần cho một đĩa bánh. Bún sứa. Món bún sứa xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng bún sứa Nha Trang từ xưa đến nay là nổi tiếng nhất. Cũng giống như nhiều món bún miền biển, bát bún sứa không có nhiều nguyên liệu, nước dùng trong vắt, ngọt đậm đà. Miếng sứa trong trong, dai dai, ăn kèm một chút rau sống và chả cá đã làm nên món ăn khiến người xa quê nhung nhớ. Nem nướng. Nhắc đến ẩm thực Nha Trang, người ta không thể không nhắc đến món nem Ninh Hòa bao gồm nem chua và nem nướng. Tuy nhiên, hầu hết du khách đều chọn nem nướng để thưởng thức tại chỗ và mua nem chua về làm quà cho mọi người. Nem nướng được cắt nhỏ, vị đậm, ngọt, gói kèm các loại rau, củ, quả như dứa, dưa chuột, chuối xanh, cà rốt, rau sống. Nhưng bí quyết khiến món ăn ngon nhất lại nằm ở chén nước chấm. Nem chua. Thành phần chính của nem chua là thịt lợn tươi vừa mới mổ xong, lạng bỏ hết gân, rửa sạch. Nem chua Ninh Hòa được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế còn non xanh để để tạo mùi thơm. Múc một lượng thịt vừa đủ, quấn lá chùm ruột hoặc lá khế quanh thịt. Bên ngoài chiếc nem bọc thêm nhiều lớp lá chuối và buộc lại. Nem sau khi gói xong được để nơi thoáng mát qua hôm sau là có thể dùng được. Bánh tráng xoài. Bánh xoài hay bánh tráng xoài có vị chua thanh, ngọt vừa, phảng phất mùi thơm tự nhiên của xoài, rất thích hợp để mua mang về làm quà. Những quả xoài chín được đem rửa sạch, bỏ vỏ, bỏ hạt còn phần thịt xoài được làm nhừ thành một hỗn hợp sền sệt. Sau đó bắc hỗn hợp lên bếp, cho thêm chút nước đường, gừng tươi giã nhỏ, liên tục khuấy đều trong khoảng ba tiếng cho đến khi sôi và đặc sệt lại. Tiếp đến là khâu tráng bánh, phải khéo léo sao cho miếng bánh đều và mỏng tang sau đó đem phơi hai đến ba nắng để bánh khô se se, vẫn còn độ dẻo dẻo. Bò nướng. Bò nướng Lạc Cảnh làm nên một phần nét ẩm thực phố biển. Thịt bò được tẩm ướp gia vị cho thấm đều rồi thướng trên bếp than, thịt mềm ngọt, mùi vị đặc trưng rất khó quên. Dân sành ăn thậm chí còn kháo nhau rằng: "Đến Nha Trang chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh là mới biết Nha Trang có một nửa". Bánh căn. Bánh căn là món ăn phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ, hầu như tỉnh nào cũng có nhưng chỉ ở Nha Trang, bánh căn mới xuất hiện ở khắp mọi nơi. Khác với bánh khọt của các tỉnh miền Nam nguyên liệu chính là bột được chiên lên, bánh căn Nha Trang sử dụng loại bột gạo nướng. Nước chấm bánh căn ở Nha Trang có nhiều loại, phổ biến là nước mắm nêm, nước mắm cá kho và nước mắm chanh tỏi ớt, đôi chỗ có thêm viên xá xíu nhỏ trong chén. Món ăn kèm rau sống, xoài xắt nhỏ... Nên đọc Theo Ngôi sao Copy link Link bài gốc Lấy link Theo Ngôi sao Từ khóa: đặc sản Nha Trang Bánh căn Bò nướng Bò nướng Lạc Cảnh Bánh tráng xoài Nem chua Nem nướng Bún sứa Bánh ướt Bún chả cá