9X rời phố lên bản khởi nghiệp
Mới đặt chân đến "Mama’s homestay" của Lê Hồng Thái (27 tuổi, quê Hưng Yên), nhiều du khách ấn tượng với những ngôi nhà gỗ thấp thoáng ẩn hiện trên đồi và cách nói chuyện dí dỏm của ông chủ trẻ măng này.
Những ngôi nhà gỗ dưới tán cây
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền, Thái đi làm đủ việc từ Bắc vô Nam. Nhân một chuyến du lịch đến Mộc Châu, Thái nhen nhóm ý tưởng làm nông nghiệp sạch ở đây.
"Nhưng bố mẹ kịch liệt phản đối vì nghĩ con tốt nghiệp đại học về làm việc văn phòng chứ không thể làm nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời" - Thái kể.
Sau thời gian tìm hiểu, Thái chuyển hướng làm homestay thay vì nông nghiệp. Thái thuyết phục bố mẹ, kêu gọi nguồn vốn từ gia đình mạnh dạn mua mảnh đất rộng 2.000m2 gần rừng thông Bản Áng vốn là địa điểm thu hút nhiều du khách đến tham quan.
"Hồi đó homestay chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể chi phí làm homestay thấp hơn so với khách sạn, các bạn trẻ thích gần gũi với thiên nhiên, thích trải nghiệm" - Thái chia sẻ.
Thái lên ý tưởng thiết kế các mô hình nhà gỗ thấp thoảng ẩn hiện trên đồi cao hay xung quanh là rừng mơ phù hợp cho khách hàng trẻ muốn "rời xa khói bụi thành phố". Để thiết kế những ngôi nhà này, anh chàng học hỏi mô hình homestay của Thái Lan làm ngôi nhà gỗ dưới tán cây đem lại cảm giác yên bình.
Cuối năm 2017, những vị khách đầu tiên xuất hiện. Chính tay ông chủ trẻ đi dọn phòng, nấu nướng, đón khách, về sau thuê nhân viên cùng giúp sức. Đến nay, trong mùa cao điểm du lịch tại Mộc Châu, doanh thu của Thái lên đến 180 triệu đồng/tháng.
"Mảnh đất Mộc Châu đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm. Mô hình homestay là dự án đầu tiên thành hình giúp tôi vượt lên chính bản thân mình" - Thái cho hay.
Nông nghiệp sạch thu hút du khách
Đó là mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch kết hợp du lịch mang tên Chimi của nhóm bạn trẻ tốt nghiệp đại học tại Hà Nội.
Xách balô vào Đà Lạt học hỏi kinh nghiệm trồng dâu tây, năm 2015 anh Vũ Văn Lực (28 tuổi) cùng nhóm bạn chọn dừng chân ở Mộc Châu mang theo quyết tâm khởi nghiệp với 1.000m2 đất trồng thử nghiệm loại cây này.
Lực cho hay nhận thấy dâu tây phù hợp với khí hậu Mộc Châu, từ 1.000m2 ban đầu, nhóm bạn trẻ mạnh dạn mở rộng đầu tư lên đến 4.000m2 trồng dâu tây trong nhà kính, năm 2018 lên đến 5.000m2.
Kết quả là vụ dâu tây đầu tiên, lợi nhuận thu về chỉ đủ cho nhóm tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên đến vụ dâu tiếp theo, doanh thu từ vườn dâu tăng lên từ 500 triệu đồng và lên đến trên 1 tỉ đồng. Trồng nông sản sạch chưa đủ, nhóm bạn trẻ lại suy nghĩ làm thế nào để phát huy thế mạnh du lịch ở Mộc Châu.
"Đã có nông sản sạch, nhưng nếu kết hợp nông nghiệp với du lịch sẽ tạo hứng thú cho du khách. Dâu tây là loại cây trồng mới, du khách đến đây đều muốn xem cây dâu tây là như thế nào" - Đào Trọng Hùng (26 tuổi), đồng sáng lập Chimi, chia sẻ.
Theo Hùng, thuận lợi nhất cho nhóm khi kết hợp mô hình này là rừng thông Bản Áng vốn là địa điểm nổi tiếng, do đó du khách đến rừng thông đều tự tìm đến với trang trại dâu tây tham quan, trải nghiệm. Nhóm mở cửa miễn phí cho khách du lịch tham quan vườn dâu, trồng kết hợp với nhiều loài hoa giúp khu du lịch rừng thông Bản Áng ngày càng đẹp hơn.
Tạo việc làm cho thanh niên Trọng Hùng chia sẻ khó khăn lớn nhất là thuyết phục gia đình ủng hộ quyết tâm của các bạn. "Sáu tháng sau khi lên đến Mộc Châu, tôi mới mời bố mẹ lên tham quan, bố mẹ thấy hay nên không phản đối nữa. Lên đến đây khí hậu tuyệt vời, cuộc sống của chúng tôi như vui hơn vì được gặp nhiều người" - Hùng nói.
Hiện tại với 5.000m2 trồng dâu tây, nhóm bạn trẻ còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 nhân viên, đến mùa vụ thu hút gần 50 nhân công tham gia. Bên cạnh đó, nhóm bạn còn bán các mặt hàng chế biến từ dâu tây đáp ứng nhu cầu của khách du lịch mua về làm quà. Thời gian tới, nhóm dự tính mở rộng mô hình tại hai điểm du lịch khác ở Mộc Châu và các tỉnh khác, đồng thời mở cửa cho các em nhỏ đến tham quan, học hỏi về mô hình nông nghiệp sạch. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo