Xã hội

Án mạng 4 người chết qua góc nhìn của luật sư

(DNVN) - Liên quan đến vụ án mạng 4 người chết tại Thanh Hóa, luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Gia nhận định có thể đặt ra nhiều trường hợp dẫn đến cái chết của nạn nhân như: tự tử, bức tử, giết người.

Tin tức trên báo Dân Trí, luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Gia, thuộc đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa  đã có những chia sẻ về vụ án mạng 4 người chết tại cửa hàng điện máy Hà Nhung tại 218 Trần Phú, Lam Sơn, Thanh Hóa.

Đánh giá kết quả điều tra ban đầu về việc  án mạng 4 người chết là vụ chồng đầu độc vợ và hai con trai rồi tự sát, ông Ninh cho biết đó chỉ là nhận định mang tính cá nhân ban đầu chứ chưa phải là kết luận điều tra. Có thể đặt ra nhiều trường hợp dẫn đến cái chết của nạn nhân như: tự tử, bức tử, giết người.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Hoàng gia, thuộc đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa. Ảnh báo Dân Trí.

"Nhận định ban đầu có thể là đúng, có thể là không đúng, nhưng hoàn toàn nó không có tính pháp lý. Ở góc độ pháp lý thì không có vụ việc dùng nhận định ban đầu làm căn cứ để xác định, mà chỉ đơn giản là thông tin đến công luận và những người liên quan về tiến trình ban đầu." vị luật sư cho biết.

Liên quan đến "kẻ lừa đảo" trong tâm thư tuyệt mệnh của nạn nhân, ông Ninh cho rằng chỉ khi người này có dấu hiệu tội phạm, bức tử để đẩy người khác đến cái chết hoặc làm nhục người khác để người ta phải tìm đến cái chết, hoặc giết người đó thì mới cấu thành tội mà pháp luật mới trừng trị được.

Còn nếu như trong trường hợp chỉ thông qua một bức thư nhắc đến tên một ai đó thì đó không phải là cơ sở để buộc tội. Bức thư và tất cả những gì thu giữ được ở hiện trường là một trong những nguồn chứng cứ để đánh giá, xem xét có dấu hiệu của tội phạm hay không. Ở đây chỉ được coi là có dấu hiệu của tội phạm, làm căn cứ cho cơ quan điều tra vụ án.

Ông Ninh cũng cho biết thêm, trong quan hệ làm ăn, quan hệ vay nợ là quan hệ dân sự, còn lừa đảo là quan hệ hình sự, là hành vi của một người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu có đầy đủ bằng chứng để chứng minh người được nhắc đến trong tâm thư là  "kẻ lừa đảo"  thì đương nhiên cơ quan công an phải khởi tố và xử lý hình sự đối với người có hành vi lừa đảo.

Luật sư Trần Ngọc Ninh cũng trả lời trên báo Tiền Phong trước câu hỏi có nên khởi tố vụ án đối với vụ án mạng 4 người chết tại Thanh Hóa?, ông Ninh cho biết, trong vụ án này, dưới phương diện pháp lý thì phải khởi tố vụ án, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự trong trường hợp mà có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì sẽ khởi tố vụ án.

 

Cụ thể trong trường hợp này 4 người chết thì phải khởi tố vụ án hình sự. Bởi vì chỉ có khởi tố vụ án hình sự thì mới thực hiện được các biện pháp điều tra. Trong đó có khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trong đó có giám định. 

Tất cả các quy trình đó là quy trình phải thực hiện khởi tố vụ án mới thực hiện được. Không khởi tố vụ án thì không tiến hành các biện pháp điều tra và tìm ra được nguyên nhân. Trong trường hợp vụ án thông thường thì thời hiệu khởi tố vụ án là 20 ngày, còn vụ án phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.

Trước đó, như tin đã đưa, vào khoảng 21 giờ ngày 1/11, tại số nhà 218, đường Trần Phú, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người thân phát hiện thấy 4 người chết bất thường, người chồng chết trong tư thế treo cổ , 3 người khác chết trong tư thế đang nằm ngủ. 

Các nạn nhân được xác định gồm: ông Ngô Lê Hà (SN 1970), bà Trần Thị Nhung (SN 1973, vợ ông Hà) và 2 con trai ông Hà và bà Nhung là Ngô Duy Tân (SN 1992) và Ngô Quang Ninh (SN 2002).

Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo