Ấn tượng Việt Nam trong lòng các nhà báo quốc tế
Mục đích chuyến thăm của đoàn nhà báo do Liên Hợp Quốc đề xuất đến đây không chỉ tìm hiểu về một đất nước Việt Nam xinh đẹp, mến khách mà quan trọng hơn là hiểu sâu sát về hệ thống y tế cơ sở cũng như tiến bộ đạt được trong việc hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ.
Một nhóm các nhà báo trẻ đầy tâm huyết gồm các nhà báo từ nhiều lĩnh vực như khoa học, y tế, phát triển,…từ các tờ báo tên tuổi của Mỹ tại Washington DC, Los Angeles, các nhà báo độc lập của Mỹ trong đó có tay viết tự do đang tác nghiệp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, một phóng viên từ Hiệp hội Nhà báo Anh quốc, rồi nhà báo từ Sunday Times của Australia, nhà báo từ Canada, và 3 nhà báo của UN Foundation.
Các nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết rất háo hức tìm hiểu xem tại sao đối với một quốc gia còn cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn lực hạn chế nhưng lại có thể tận dụng tối đa nguồn nhân lực và trở thành 1 trong 10 quốc gia đi đầu trong việc hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ, một vài thành tựu mục tiêu thiên niên kỷ còn vượt một vài nước phát triển.
Trong đợt thăm Việt Nam ngắn ngày này, họ đã có một chuyến tham quan hệ thống y tế Việt Nam xuyên suốt từ TW tới địa phương. Đến đất nước giàu truyền thống này, họ được Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp đón nồng nhiệt và truyền cảm hứng về những nơi xa xôi cực đầu của đất nước, dẫu còn nhiều gian nan vất vả, nhưng lại ấm áp tình người.
Đó là nơi mà người dân bao bọc nhau, hy sinh vì nhau.
Đọng lại trong lòng các phóng viên nhiều cảm xúc nhất là ở nơi xa xôi như xã Mường Ngã, huyện Mường Trà, nơi mà người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, bên bếp lửa hồng sử dụng củi vì không được sử dụng điện hay ga như ở thành phố, thì các nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản là người dân tộc được đào tạo, nói ngôn ngữ của người dân tộc và am hiểu văn hóa của chính họ, là những người đóng góp rất lớn cho y tế cộng đồng ở đây.
Họ làm các công việc thầm lặng vì tâm huyết và tấm lòng của họ cho cộng đồng chứ không vì một điều gì khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hệ thống cơ sở Việt Nam vững mạnh và được WHO đánh giá cao là nhờ mạng lưới nhân viên y tế di động tại vùng sâu vùng xa và các cô đỡ thôn bản này. Họ được Bộ Y tế đánh giá rất cao và Nhà nước đã có chính sách đào tạo đội ngũ tâm huyết gần dân này.
Điều khiến các nhà báo ấn tượng là ở tại các thôn bản, đội ngũ y tế thôn bản đã thực sự phát huy thế mạnh. “Qua chuyến tham quan hệ thống y tế cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của Việt Nam, tôi thấy rằng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu.
Thực ra ở nước phát triển, nhiều nước không sử dụng hệ thống y tế cộng đồng, trạm y tế xã như ở Việt Nam. Việc sử dụng hệ thống y tế cộng đồng tăng hiệu quả lên rất nhiều. Đó là điều chúng tôi có thể học hỏi từ Việt Nam.”, các nhà báo quốc tế chia sẻ.
Đề cập đến vấn đề tiêm chủng và cách đưa tin truyền thông về vấn đề này, các nhà báo của LHQ và phương Tây đã có những nhận định khiến chúng ta khá bất ngờ. Họ cho biết hiện nay ở các quốc gia phương Tây, có một phong trào xã hội bài trừ tiêm chủng.
Nhiệm vụ của họ, các nhà báo ở các nước phát triển là phải vận động người dân tin tưởng vào chương trình tiêm chủng để đạt được thành quả như trước đây. Các nhà báo LHQ và các cán bộ truyền thông của WHO chia sẻ, tiêm chủng mở rộng là một thành tựu nổi bật của Việt Nam, với tỷ lệ tiêm chủng bao phủ rộng khắp.
Mặc dầu gần đây ở Việt Nam có các sự cố về tiêm chủng, nhưng WHO nhận định, một vài sự cố hy hữu không thể phủ nhận những lợi ích lớn lao mà tiêm chủng đã đóng góp cho việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ và phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.
Không chỉ tại Việt Nam mà một số quốc gia khác theo ghi nhận của WHO cũng gặp phải các sự cố đó. Các nhà báo phương Tây cũng chia sẻ rằng, mỗi khi có sự cố y tế xảy ra, ở các nước phát triển, các nhà báo sẽ phải đợi xác minh từ cơ quan có thẩm quyền, nguồn tin phải đáng tin cậy mới đưa ra ánh sáng.
Theo họ, thông tin phải tham chiếu theo càng nhiều nguồn càng tốt để tránh tính cảm quan.
Theo các nhà báo LHQ và phương Tây, để có thể tránh dư luận xấu từ các trang mạng xã hội không chính thức, các website y tế địa phương có thể đưa ra các thông tin chính xác để người dân có thể yên tâm.
Đối với các thông tin y tế không chính xác mà nhiều trang mạng thế giới đưa tin, một cán bộ truyền thông của WHO cho rằng, trong trường hợp đó, người dân các nước cần tìm đến các nguồn chính thống, chẳng hạn như trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có được thông tin chuẩn xác.
Hoặc để xác minh, có thể dựa theo nghiên cứu, kết luận của các cơ quan chuyên môn y tế, các nhà nghiên cứu y tế.
Nhóm nhà báo tìm hiểu về HIV/AIDS cho rằng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đã giảm, chương trình methadone đã được triển khai tốt và tỷ lệ người tiếp tục sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam tiếp tục tăng cao.
Tới thăm Bệnh viện Phụ sản TW và tìm hiểu xuyên suốt về hệ thống y tế Việt Nam, các vấn đề mục tiêu thiên niên kỷ, tử vong mẹ và trẻ em, suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc bà mẹ và trẻ em và cả vấn đề tiêm chủng.
Một nhà báo cho rằng, ở tuyến TW, Việt Nam cũng đã đạt nhiều tiến bộ trong việc ứng dụng các công nghệ mới, trang bị máy móc hiện đại và cải thiện đáng kể chất lượng điều trị, một số thành tựu trong tay nghề bác sĩ và ứng dụng kỹ thuật cao cũng đã đạt được.
Chuyến thăm ngắn ngủi theo đề xuất của LHQ vì Việt Nam là điểm sáng của LHQ trong việc hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ và bà mẹ và trẻ em này cũng giúp các nhà báo đến từ châu Mỹ, châu Úc và châu Âu xa xôi hiểu thêm về một nền văn hóa, một nền y tế đang chuyển mình nhằm bao phủ y tế rộng khắp hơn và cải thiện chất lượng y tế ban đầu vì sức khỏe và hạnh phúc cho người dân cũng như các bà mẹ và trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo