Andrew Carnegie: Cậu bé thợ phụ trong nhà máy dệt trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới
Andrew Carnegie sinh năm 1835 ở Scotland trong một gia đình thợ dệt di dân đến Mỹ. Dù chỉ được đi học trong khoảng 1-2 năm, song với sự nỗ lực không ngừng, Carnegie đã từ cậu bé phụ việc trong nhà máy trở thành ông trùm ngành sắt thép và thậm chí chạm đến danh hiệu người giàu nhất thế giới.
Carnegie xem quá trình tích lũy của cải như một cách thức để đi đến đích: Nghỉ hưu sớm, làm một người văn minh, viết lách, tham gia hoạt động xã hội và trở thành một công dân tích cực. Carnegie không chỉ là "chỉ huy của ngành công nghiệp", mà còn là người chồng, người cha, người chống chế độ nô lệ, nhà hoạt động vì hòa bình, nhà văn. Ông là một trong những người theo chủ nghĩa nhân đạo vĩ đại nhất mọi thời đại.
Dù những năm tháng sau này của ông với tư cách một doanh nhân lớn có nhiều biến động, nhưng cách ông định hướng bản thân đã để lại những bài học cực kì hữu ích cho mọi người ở bất kỳ độ tuổi hay hoàn cảnh nào:
Luôn tìm kiếm cơ hội và khi cơ hội xuất hiện, hãy biết nắm bắt
Carnegie bắt đầu công việc đầu tiên của mình năm lên 13 tuổi. Ông đã phụ việc trong một nhà máy vải 12 tiếng/ngày, suốt 6 ngày mỗi tuần với thu nhập chỉ 20 cent/ngày. Sau đó, ông chuyển sang làm thợ đun nước trên tầng mái và đảm nhiệm luôn cả việc vận hành động cơ hơi nước cho một nhà máy khác. Công việc cực kì căng thẳng bởi Carnegie phải làm sao để vừa tạo ra đủ hơi nước cho các công nhân phía trên, vừa không được khiến cho động cơ bị quá tải.
Ông không nói cho cha mẹ biết công việc của mình và tự nhủ phải "trở thành một người đàn ông biết tự chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình". Trong khi làm việc, Carnegie luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác để phát triển tốt hơn: "Tôi có tham vọng lớn và mỗi ngày tôi đều tìm kiếm sự thay đổi. Tôi không biết những thay đổi này sẽ như thế nào, song tôi tin chắc rằng chúng sẽ đến. Thế rồi, một ngày nọ, cơ hội cũng xuất hiện".
Lúc đó, ông chủ của Carnegie phải giải quyết một số hóa đơn mà lại chẳng có thư ký. Thế nên, Carnegie được đề nghị làm công việc đó. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên người chủ đã đánh giá cao cậu nhóc Carnegie và còn giúp tìm thêm những việc khác để Carnegie không phải vận hành động cơ hơi nước nữa.
Đối với Carnegie, đây chỉ mới là bước đầu tiên trong hành trình tìm kiếm tương lai tốt hơn cho mình: "Ngài Harris (ông chủ của Carnegie) ghi chép sổ sách của theo bút toán đơn nên tôi có thể giúp ông ấy. Tuy nhiên, khi được biết rằng các công ty lớn đều ghi chép sổ sách theo bút toán kép, tôi và người bạn đã quyết định tham dự những lớp học ban đêm trong suốt mùa đông để học về phương pháp ghi chép phức tạp hơn này."
Trong thời gian đó, Carnegie được gọi phỏng vấn cho vị trí người truyền tin tại một văn phòng điện báo và ông đã làm tất cả những gì có thể để nắm bắt cơ hội này:
Tôi đã giải thích cặn kẽ rằng tôi không biết rõ khu vực Pittsburgh và có thể tôi sẽ không đủ sức khỏe để làm công việc này. Nhưng, tất cả những gì tôi muốn là được làm thử một lần. Ông ấy hỏi rằng tôi có thể đến làm việc sớm nhất khi nào, tôi trả lời có thể bắt đầu ngay nếu ông muốn. Khi nhìn lại tình hình lúc ấy, tôi cho rằng những người trẻ nên suy xét kĩ câu trả lời như thế. Không nắm bắt cơ hội là một sai lầm lớn. Công việc đó đã được giao cho tôi chứ không phải là một người khác. Vậy nên, khi có được công việc này, tôi tự nhủ sẽ cố gắng bám trụ nếu có thể...Hầu như lúc nào tôi cũng thấy mình học thêm được một điều gì đó hoặc nhận ra bản thân còn thiếu sót và vẫn còn phải học hỏi nhiều thứ. Tôi cảm thấy chân mình đã đặt lên thang và tôi phải leo lên".
Khả năng ghi nhớ là một điều tuyệt vời
Khả năng ghi nhớ nhanh chóng của Carnegie đã trở nên hữu ích trong suốt cuộc đời ông: "Tôi đã sợ mình không thể nhanh chóng học thuộc địa chỉ của những hộ kinh doanh cần gửi điện báo. Vì thế, tôi bắt đầu ghi nhớ biển hiệu của những căn nhà dọc theo các con phố. Vào ban đêm, tôi luyện trí nhớ bằng cách lần lượt đọc tên các công ty đó. Chẳng bao lâu sau, tôi đã có thể nhắm mắt mà vừa đi vừa đọc tên các công ty theo thứ tự ở một bên dãy nhà từ đầu cho tới cuối con phố,. Rồi sau đó, băng sang đường bên kia, đi ngược lại và đọc tên các công ty khác theo thứ tự".
Carnegie ghi nhớ không chỉ địa chỉ và tên mà còn cả những đoạn văn, trích dẫn trong sách triết học, thơ ca, lịch sử hay nội dung từ những bài báo thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Với lượng kiến thức ghi nhớ được, ông có thể nói chuyện với rất nhiều người như hiệu trưởng trường cao đẳng, nhà thần học, triết gia, giáo sư đại học, chủ nhà máy hoặc chính trị gia.
Sau này, ông cũng khuyến khích các thanh niên trẻ nên đọc không chỉ những chủ đề liên quan đến nghề nghiệp của mình mà cả nhiều chủ đề khác. Không có gì giúp bạn thăng tiến hay trở nên tốt hơn bằng việc mở mang kiến thức để hiểu biết nhiều hơn những vấn đề bạn có thể phải đối mặt.
Tập tự quyết khi không có chỉ thị
Andrew Carnegie hiểu rằng một người chỉ ngồi yên và đợi giao việc trong những thời điểm quan trọng sẽ không bao giờ thăng tiến được. Bạn nên hỏi xin sự tha thứ chứ khồng phải sự cho phép.
Chủ động trong công việc là cách Carnegie phát triển sự nghiệp từ một cậu bé đưa tin thành một nhân viên điện báo. Khi một người học được một điều gì đó, anh ta chẳng bao giờ chờ đợi quá lâu để áp dụng kiến thức của mình vào thực tiễn.
Carnegie không chỉ tự học điện báo, ông còn là người đầu tiên học cách giải mã tín hiệu bằng thính giác. Nhân viên điện báo thường nhìn qua mảnh giấy được gửi tới, ghi lại các mã, đọc chúng cho một người ghi chú và người này sẽ giải mã thông điệp điện báo. Việc có thể giải mã thông điệp trực tiếp là một lợi thế lớn. Khi có đợt tuyển dụng cho vị trí nhân viên điện toán, Carnegie đã được chọn.
Carnegie tạo ấn tượng tốt trong công việc mới của mình đến nỗi một năm sau, Thomas A. Scott - quản lý bộ phận Công ty Đường sắt Pennsylvania - đã đề nghị chàng trai trẻ tài năng này trở thành người đọc điện báo riêng cho mình. Trong vị trí này, một lần nữa Carnegie tìm thấy cơ hội để thu hút sự chú ý và sự tôn trọng bằng cách không chỉ làm việc có kỷ luật mà còn chủ động khi không có chỉ thị.
Ở thời điểm đó, không có ai ngoài người quản lý được quyền đưa ra chỉ thị cho các đoàn tàu chạy trên đường ray đơn. Nhưng một ngày nọ, khi Carnegie đến chỗ làm, ông phát hiện ra có một tai nạn khiến rất nhiều đoàn xe bị kẹt lại, giao thông tắc nghẽn. Ông đi tìm Scott nhưng chẳng thấy ông ta đâu cả. Carnegie lo sợ nhưng vẫn tự đưa ra chỉ thị, giải tỏa ùn tắc và thông đường cho các đoàn tàu tiếp tục di chuyển. Carnegie thấp thỏm chờ Scott trở về mà trong lòng lo sợ. Nhưng Scott không hề la mắng mà còn giao gần như toàn quyền điều hành cho Carnegie kể từ hôm đó. Câu chuyện về việc Carnegie thông đường ray được truyền khắp công ty và đến tai chủ tịch của hãng Đường sắt Pennsylvania. Thế là ở tuổi 24, Andrew Carnegie đã được bố nhiệm làm quản lý chi nhánh đường sắt ở Pittsburgh.
Carnegie tin rằng khả năng tự quyết khi không có chỉ thị là một yếu tố quan trọng trên con đường thành công. Trong suốt cuộc đời, ông luôn khuyến khích những người muốn vươn lên nên làm điều tương tự:
"Vấn đề bây giờ là làm cách nào để thăng tiến từ vị trí cấp dưới đến vị trí mà bạn hằng mong ước. Tôi có thể tiết lộ bí quyết cho bạn. Thay vì hỏi "Mình phải làm gì cho sếp của mình?", hãy tự hỏi "Mình có thể làm gì?" Thực hiện nhiệm vụ được giao toàn tâm toàn ý là rất tốt nhưng những trường hợp này thường dẫn đến việc bạn phải lặp đi lặp lại công việc của mình. Một người có tham vọng phải làm những điều phi thường, vượt xa giới hạn của bộ phận mình đang làm việc. Anh ta phải thu hút sự chú ý..."
Bạn thường nghe một câu sai lầm là: "Nhất nhất tuân lệnh dù đúng hay sai." Đây không phải là một quy tắc khôn ngoan bạn nên tuân theo. Hãy luôn phá vỡ mệnh lệnh trong những lúc cần thiết. Đừng ngần ngại làm điều đó nếu bạn chắc chắn ông chủ sẽ thấy hứng thú, và nếu bạn cảm thấy chắc chắn với kết quả mà mình sẵn sàng chịu trách nhiệm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo