Doanh nghiệp - Doanh nhân

Bà mẹ hai con xây dựng 'đế chế' thực phẩm triệu USD tại Australia

Doanh nhân gốc Việt, Diễm Fuggersberger, sống trong trại tị nạn trước khi đến Australia, từng phá sản trước khi là bà chủ.

Diễm Fuggersberger sinh năm 1972 tại Bạc Liêu trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Tuổi thơ của Diễm trôi qua êm đềm đến năm 7 tuổi, khi gia đình cô quyết định vượt biên sang Australia.

"Vào một buổi tối năm 1979, mọi người trong gia đình tôi và những người họ hàng cùng lên một chiếc thuyền nhỏ. Thuyền chật ních với hơn 500 người ngồi sát nhau. Tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm đó. Ai cũng ám ảnh chuyện sẽ hết đồ ăn, nước uống, gặp cướp biển hay thời tiết xấu", cô nhớ lại.

Đúng như những gì họ lo lắng, con thuyền gặp cướp biển, chúng lấy đi mọi thứ rồi bỏ đoàn người cùng chiếc thuyền trống rỗng giữa đại dương. Vài giờ sau, con thuyền gặp bão lớn và gần như bị phá nát, trôi dạt vào một hòn đảo ở Indonesia.

Diễm cùng người thân được tổ chức cứu hộ đưa đến một trại tị nạn và sống cùng 5 gia đình khác trong căn nhà ba phòng ngủ chật chội. Điều kiện sống thiếu thốn và dịch sốt rét lan rộng khiến cuộc sống của những người tị nạn như họ rơi vào bế tắc, có người tự tử. Gia đình cô sống trong trại suốt 18 tháng trước khi xin được lưu trú tại Australia.

Năm 2009, công ty của vợ chồng Diễm bị phá sản và họ mất 27 triệu USD. Ảnh: SBS. 

9 tuổi, cô bé Diễm lần đầu đặt chân đến Austraila. Những tưởng ngày tháng vất vả sẽ kết thúc, nhưng ngay lập tức cô nhận ra sự thật cay đắng.

"Không ai trong gia đình tôi biết tiếng Anh. Chúng tôi không có bất kỳ tài sản nào ngoài bộ quần áo do tổ chức Salvation Army chia sẻ", nữ doanh nhân kể.

Gia đình cô tiếp tục trải qua hành trình gian khổ để thích ứng với môi trường sống mới. Không thể giao tiếp và sống trong điều kiện nghèo khổ, cô và người thân thường xuyên bị bắt nạt, chịu sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc của người bản địa.

Tốt nghiệp trung học, Diễm gặp gỡ rồi kết hôn với người đàn ông bản địa tên là Werner Fuggersberger. Họ sinh được hai người con và Diễm phụ giúp chồng công việc kinh doanh.

Năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công ty của vợ chồng cô phá sản, mắc nợ 900.000 USD và khiến 120 nhân viên mất việc. 

 

"Lần đầu tiên đến Australia, tôi không có gì trong tay và đến năm 37 tuổi, tôi tiếp tục tay trắng. Cảm giác này khiến tôi thấy như một lần nữa trở thành người tị nạn. Khó khăn chồng chất bởi lúc ấy tôi có hai con nhỏ và 20 thành viên trong gia đình cần chăm sóc", Diễm kể.

Đứng dậy sau thất bại

Diễm cùng chồng nhanh chóng tìm giải pháp thay đổi tình hình. Bằng kinh nghiệm của một bà nội trợ, cô nhận thấy thị trường đang khan hiếm đơn vị cung cấp gia vị và hương liệu. Cô cũng hiểu được khao khát có bữa ăn chất lượng cho con mà không mất nhiều thời gian vào bếp của các bà mẹ. Từ đó, bà mẹ hai con nảy ra ý tưởng kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em. 

Năm 2009, vét hết số tiền còn lại, vợ chồng cô thành lập công ty Berger Ingredients chuyên về gia vị và thực phẩm. Diễm cùng cộng sự nghiên cứu công thức chế biến gia vị và thực phẩm đóng hộp ăn liền nhưng vẫn đảm bảo thành phần dinh dưỡng.

Cùng năm đó, sản phẩm của công ty ra mắt thị trường được nhiều người yêu thích và không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên khi ấy, vợ chồng Diễm đã cạn sạch vốn liếng và lợi nhuận thu về không đủ để mở rộng sản xuất.

 

Chị Diễm là người sáng lập thương hiệu thực phẩm Coco & Lucas Kitchen. Ảnh: SBS. 

Diễm quyết định gõ cửa các ngân hàng để vay vốn nhưng không nơi nào hứng thú với việc kinh doanh nhỏ lẻ của công ty cô. Cuối cùng, Commonwealth là ngân hàng duy nhất chấp nhận cho bà chủ người Việt vay 50.000 USD. Nhân lúc làm việc với giám đốc ngân hàng, cô nhanh chóng chớp cơ hội giới thiệu sản phẩm của công ty và thuyết phục ông cho vay khoản tiền 350.000 USD.

Kể từ đó, Diễm cùng chồng mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó dòng sản phẩm Coco & Lucas 'Kitchen do cô sáng lập luôn nằm trong danh mục bán chạy tại các cửa hàng bách hóa và siêu thị. Đây là thức ăn dinh dưỡng dành cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi. 

Ngày nay, công ty của doanh nhân gốc Việt Diễm Fuggersberger được định giá hàng chục triệu USD và được truyền thông Australia khen ngợi hết lời. Cô được ưu ái gọi là "bà chủ đế chế thực phẩm" tại Australia. 

"Tôi không quan tâm mình đang ở độ tuổi nào và luôn cố gắng lắng nghe học hỏi mỗi ngày", doanh nhân gốc Việt chia sẻ.

Nên đọc
Theo Ngôi sao
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo