Hỗ trợ doanh nghiệp

Ba tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

(DNVN) - Dù vẫn còn nhiều băn khoăn nhưng đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với quy định trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 3 yếu tố là lao động, nguồn vốn và doanh thu.

Chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV. Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP). Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong từng thời kỳ để tạo sự ổn định của Luật; trong Nghị định sẽ hướng dẫn chi tiết việc xác định tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, khắc phục được trường hợp lợi dụng nêu trên.

Theo đó, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật như sau: 1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: a) Tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng; b) Doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. 2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định trong từng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ…

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết.

Góp ý cho dự thảo Luật, theo đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Dự thảo Luật quy định tiêu chí về doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lao động bình quân của năm trước liền kề và đáp ứng một trong 2 tiêu chí tổng nguồn vốn của năm liền kề hoặc doanh thu của năm liền kề. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu rất thấp, chủ yếu là vốn vay, vốn huy động khác, từ đó sẽ mang tính rủi ro rất cao trong sản xuất kinh doanh. Quy mô vốn từng lĩnh vực có khác nhau ở các lĩnh vực như lĩnh vực nông nghiệp sẽ khác trong lĩnh vực xây dựng cũng như lĩnh vực dịch vụ. Do đó, đại biểu cho rằng, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quy định tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng thì cần quy định thêm vốn sở hữu chiếm ít nhất là 30%.

Còn theo đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh), thị trường liên quan và thị phần của các doanh nghiệp tham gia vào các thị trường là khác nhau, rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, doanh thu trên 300 tỷ đồng vẫn có thể được coi là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, với sự thay đổi và diễn biến khó lường của nền kinh tế hiện nay, việc quy định cứng các tiêu chí về tài chính trong luật sẽ khiến Chính phủ gặp khó khăn, khi cần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đang có quy mô nhỏ và vừa so với quốc tế. Đặc biệt là sự hỗ trợ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Vì vậy, đại biểu Lê Anh Tuấn cho rằng, Khoản 1, Điều 4 của Dự thảo Luật quy định một trong hai tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng là chưa thực sự phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn để xác định bởi tiêu chí nguồn vốn chưa thể hiện được kết quả hoạt động cuối cùng của doanh nghiệp và không phản ánh thực chất việc phân loại doanh nghiệp. Ví dụ, có một số doanh nghiệp vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng nhưng tổng vốn huy động để sản xuất kinh doanh nhỏ hơn 100 tỷ đồng do vốn điều lệ không cấp đủ theo quy định mà doanh nghiệp phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động, như vậy, chỉ tiêu này luôn biến động theo nguồn vốn vay ngân hàng.

Do đó, đại biểu Cao Thị Giang đề nghị tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn, ngoài tiêu chí lao động thì chỉ nên xác định thêm tiêu chí doanh thu là phù hợp.

 

Cần quy định tiêu chí riêng phân theo lĩnh vực kinh tế khi xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa- TP. Đà Nẵng, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là nội dung quan trọng nhằm xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định của luật. Việc tăng hay giảm các tiêu chí sẽ làm tăng hoặc giảm số lượng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cần phải căn cứ vào khả năng, nguồn lực của nhà nước. Từ đó mới điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp.

Tuy nhiên, các tiêu chí tại khoản 1, Điều 4 của Dự thảo Luật lại được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế mà không phân biệt theo từng lĩnh vực nhưng tại Khoản 2, Điều 4 lại quy định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định trong từng lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng thương mại và dịch vụ.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa cho rằng, việc xác định doanh nghiệp theo từng lĩnh vực nêu trên được kế thừa từ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP đồng thời với việc phân nhóm doanh nghiệp theo từng lĩnh vực còn quy định các tiêu chí khác nhau tương ứng từng lĩnh vực đó. Do đó, mặc dù Khoản 1, Điều 4 đưa ra một bộ tiêu chí chung cho cả 3 lĩnh vực mà không quy định tiêu chí riêng cho từng lĩnh vực sẽ dẫn đến quy định tại Khoản 2 là không có ý nghĩa trên thực tế. Bởi dù có phân theo lĩnh vực kinh tế thì các tiêu chí của lĩnh vực này đều như nhau.

 

Vị đại biểu này cũng phân tích thêm, trong thực tế do có sự khác biệt về tính chất của các lĩnh vực kinh tế nên quy mô về vốn lao động, doanh thu của doanh nghiệp ở mỗi lĩnh vực có sự khác biệt rất lớn, ví dụ doanh nghiệp nông nghiệp thường ít vốn, ít doanh thu nhưng lao động lại nhiều trong khi doanh nghiệp thương mại dịch vụ có thể ít lao động, ít vốn nhưng doanh thu lớn. Điều này có nghĩa là việc quy định tiêu chí riêng theo từng lĩnh vực kinh tế là phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần kế thừa các quy định của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ để quy định tiêu chí riêng phân theo lĩnh vực kinh tế cho phù hợp với tính chất, đặc điểm của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực kinh tế.

Bày tỏ đồng tình với việc Dự thảo luật căn cứ vào 3 tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, quy định của Dự thảo Luật lại chỉ căn cứ vào các số liệu là lao động, vốn, doanh thu của năm trước. Như vậy, những doanh nghiệp mới được thành lập, những doanh nghiệp nhỏ cần thiết phải được hỗ trợ, cần được tiếp cận các chính sách ưu đãi để sống sót qua giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn. Vì vậy đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần tiếp tục hoàn chỉnh để các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới ra đời sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các chính sách ưu đãi hỗ trợ.

Ngoài ra, một số đại biểu khác đề nghị Dự thảo Luật cần đưa ra những tiêu chí cụ thể mang tính định lượng, hoặc liệt kê để bảo đảm sự minh bạch trong quy định. Cũng có ý kiến cho rằng nếu quy định các tiêu chí cứng trong luật thì sẽ khó trong quá trình thực hiện, do đó đề nghị nên căn cứ vào nguồn lực của nhà nước trong từng thời kỳ để quy định tiêu chí…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Hội trường, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định thống nhất tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 3 tiêu chí là lao động, nguồn vốn và doanh thu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các tiêu chí này cũng đã trải qua quá trình được nghiên cứu, phù hợp với thông lệ, các chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo