Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Ấn Độ "lập kỷ lục" ký kết giao thương với các tỉnh Tây Nguyên

DNVN – Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, sau 2 ngày khảo sát, tìm hiểu và kết nối giao thương, đã có 45 biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc (con số kỷ lục trong năm 2023) được ký kết giữa doanh nghiệp Ấn Độ với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, trong đó chủ yếu là Lâm Đồng.

Hơn 50 doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đến Lâm Đồng tìm cơ hội hợp tác, đầu tư / Ấn Độ thuộc top 10 thị trường khách quốc tế đến Lâm Đồng

Chia sẻ tại hội nghị hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ chiều ngày 31/8 tại TP Đà Lạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá 45 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc là con số kỷ lục tại các sự kiện kết nối giao thương trong năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ tại hội nghị.

Theo Tiến sĩ Phạm S, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Lâm Đồng đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, như: cà phê nhân (giá trị xuất khẩu 2,57 triệu USD); tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa (38,2 triệu USD); oxit nhôm (32,2 triệu USD) và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng.

“Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, nhưng theo đánh giá, việc hợp tác giữa tỉnh Lâm Đồng và Ấn Độ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có; còn nhiều dư địa để tiếp tục kết nối, hợp tác để cùng nâng cao sản lượng và giá trị giao thương hàng hóa giữa 2 bên”, Tiến sĩ Phạm S nhấn mạnh.

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh.

Thông qua hội nghị hợp tác kinh doanh và đầu tư, tỉnh Lâm Đồng mong muốn cụ thể hóa chính sách thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên.

Đồng thời thúc đẩy cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của các địa phương sang thị trường Ấn Độ. Tạo cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, phát triển du lịch giữa doanh nghiệp các địa phương với các doanh nghiệp Ấn Độ.

“Với những cái “bắt tay” thật chặt giữa doanh nghiệp hai bên, hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đến hợp tác đầu tư và giao thương. Đồng thời, Lâm Đồng sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến an toàn, chất lượng cho các kênh phân phối của Ấn Độ”, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng.

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam và Ấn Độ có kim ngạch thương mại song phương tốt với hơn 15,1 tỷ USD, nhưng vẫn đang ở dưới tiềm năng vốn có.

Với 50 chuyến bay hàng tuần kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với Delhi, Mumbai, Kolkata, Ahmedabad và Kochi, có thể thấy đang có một bước nhảy vọt không chỉ trong quan hệ thương mại giữa hai bên mà còn trong lĩnh vực du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.

Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, đây là lần đầu tiên, một phái đoàn hùng hậu với gần 50 doanh nghiệp Ấn Độ đến với Lâm Đồng. Mục tiêu lớn nhất là phát triển mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp của hai bên.

Ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ trong lĩnh vực du lịch.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch.

“Trong thời gian tới, tôi trân trọng mời các công ty nông sản của tỉnh Lâm Đồng sang Ấn Độ tìm hiểu đầu tư và kinh doanh với các đối tác Ấn Độ. Với sự thay đổi về địa chính trị và nhu cầu tiêu dùng từ châu Âu giảm, doanh nghiệp hai bên cần đẩy mạnh liên kết”, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ và hợp đồng nguyên tắc giữa doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm