Hội thảo về hợp tác quản lý điểm đến của ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ) vừa diễn ra tại Phú Quốc, Kiên Giang, nhằm thảo luận các nội dung về đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch tại khu vực.
Hội thảo là cơ hội để Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội (EU-ESRT) báo cáo kết quả thu được từ chuyến công tác của nhóm chuyên gia quốc tế và trong nước đến ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 12 - 27/1/2015, với mục tiêu nghiên cứu hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch và kế hoạch xúc tiến quảng bá điểm đến của Vùng.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 50 đại biểu là đại diện cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, các trường đào tạo nghề Du lịch và các doanh nghiệp du lịch của Vùng.
Ông Robert Travers, chuyên gia quốc tế về phát triển điểm đến của Dự án EU-ESRT đã thay mặt nhóm chuyên gia trình bày về “Cơ hội phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm, quản lý và tiếp thị”. Theo chuyên gia này, thách thức lớn là thời gian lưu trú của khách trong Vùng rất ngắn (chỉ một đêm). Khách du lịch mới chỉ xem khu vực này như một điểm tham quan, thậm chí là một điểm đến đi thêm trong hành trình của mình chứ chưa coi đây là một điểm đến để trải nghiệm đúng nghĩa.
Để giải quyết vấn đề này, các ý kiến tại hôi thảo cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cần cùng nhau thông qua một phương pháp tiếp cận mang định hướng thị trường, nhắm vào những phân khúc khách lưu trú dài ngày hơn ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hợp tác chặt chẽ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng nên những trung tâm du lịch đặc sắc. Điều quan trọng là đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành một điểm đến khác biệt so với những điểm đến khác của Việt Nam. Do đó, để cải thiện sản phẩm du lịch của khu vực, cần cải thiện chất lượng của các khu nghỉ dưỡng và các cơ sở lưu trú ven sông, có thêm nhiều lựa chọn du lịch và giải trí trên sông nước. Cùng với đó là nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp và tham quan các miệt vườn trái cây và dịch vụ lưu trú tại nhà dân.
Hội thảo này được xem là bước tiếp theo của Dự án sau Hội nghị cấp cao ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do EU-ESRT tổ chức tại Rạch Giá, Kiên Giang ngày 18/10/2014 về hợp tác liên kết phát triển Du lịch. Tại đó, đại diện lãnh đạo ba địa phương đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long./.
Hoàng Tuấn