Bấm bụng dẹp tượng... ‘lạ’
“Đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi nơi công cộng”. Đó là nội dung Công văn 2662 do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên ký ban hành ngày 8-8-2014 gửi các bộ, ban ngành và các địa phương, đơn vị.
Từ đây, nhiều địa phương đang lúng túng không biết phải xử lý ra sao với những tượng đang trưng bày.
Dẹp không nỡ, để không xong
Tại khu vực tam cấp trụ sở UBND tỉnh Bến Tre thời gian qua trưng bày bộ tượng sư tử đá màu đỏ theo kiểu dáng sư tử châu Âu cao khoảng 1 m, bao gồm một con đực, một con cái và một sư tử con đang trong tư thế chơi đùa.
Một số cán bộ tại đây cho biết lý do chọn kiểu dáng bộ sư tử ba con này là để tạo sinh khí vui tươi, vừa để “giữ nhà”. Ông Nguyễn Văn Phương, một người dân tại TP Bến Tre, cho biết: “Tôi vẫn thường đến trụ sở tỉnh và thấy mấy tượng đó nhìn cũng đẹp mắt, vừa tạo vẻ uy nghi cho nơi làm việc. Có người nói tượng này chỉ nên để ở đình, chùa. Tôi thì nghĩ tỉnh trưng bày cái gì cũng được, miễn là nó đẹp, dễ nhìn, không phản cảm, tục tĩu quá đáng là được”. Ngoài cặp sư tử ấy, hiện nay trước sân ủy ban này cũng trưng bày một bộ tượng cá chép hóa rồng.
Theo ông Phan Song Toàn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, những tượng này trước đây vốn đã có sẵn trong thiết kế xây dựng trụ sở UBND tỉnh. “Trụ sở tỉnh được xây dựng trước thời điểm Bộ VH-TT&DL có công văn khuyến cáo không trưng bày tượng “lạ” nên hiện giờ chúng tôi rất bối rối, để thì lại sợ bị người dân dị nghị nhưng dời đi thì không biết phải đem đi đâu vì nó là tài sản gắn liền với trụ sở” - ông Toàn cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài trụ sở UBND tỉnh, một số cơ quan công quyền khác tại Bến Tre như trụ sở Huyện ủy Bình Đại và một số trụ sở, khu di tích khác tại địa phương này từng trưng bày khá nhiều tượng dạng nói trên, nhiều nhất vẫn là tượng sư tử.
Tại trụ sở Công an tỉnh Bến Tre cũng trưng bày một cặp tượng sư tử đá cao hơn 1 m, dáng nằm bệ vệ ngay trước đường lên bậc tam cấp. Đại tá Đoàn Thế Tân, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bến Tre, thông tin cặp tượng kỳ lân này trước đây do Phòng Hậu cần - Công an tỉnh tự trang bị. “Cặp tượng này trưng bày đã lâu, bản thân tôi thấy rất đẹp nhưng không hiểu vì lý do gì mới đây chúng tôi vừa nhận được văn bản của Sở VH-TT&DL tỉnh khuyến cáo không được tiếp tục trưng bày nữa nên phải tính toán đến việc di dời” - Đại tá Tân nói.
Rối vì quy định không rõ ràng
Được biết, ngoài một số tượng đã có sẵn trong phần thiết kế trụ sở, một số tượng tại các công sở và các điểm di tích hiện nay là do được tặng và cung tiến.
Sau khi có công văn khuyến cáo của Bộ VH-TT&DL, nhiều cơ quan công quyền dù không muốn nhưng vẫn phải buộc lòng di dời hoặc trả lại các tượng này cho những đơn vị, cá nhân đã biếu trước đó.
Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) trước đây có trưng bày một cặp sư tử đá. Tuy nhiên, sau khi có dư luận cho rằng đây là sư tử “lạ”, gia đình đã chủ động dời tượng ra khỏi khu di tích.
Tại hội trường Thống Nhất UBND tỉnh Long An và một số trụ sở UBND huyện, nghĩa trang huyện (như nghĩa trang huyện Vĩnh Hưng) cũng từng trưng bày nhiều sư tử đá theo phong cách châu Âu hoặc Trung Quốc. Sau khi có văn bản nói trên, lãnh đạo tỉnh này cũng đã buộc phải di dời tượng và thay thế vào đó là những biểu tượng khác như tượng hoa sen.
Ông Phạm Tấn Hòa, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường (Long An), cho biết lúc trước tại trụ sở UBND thị xã cũng có một cặp sư tử đá nhưng sau đó phải đem trả lại. Ông Hòa băn khoăn: “Đến bây giờ bản thân tôi cũng không biết mẫu nào là mẫu sư tử được cho phép trưng bày, mẫu nào không. Vì sợ làm sai quy định nên chúng tôi đã chỉ đạo đem hai tượng này trả lại cho một ban quản lý dự án đã tặng trước đó”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho biết họ rất “đau đầu” khi phải nhận lại các bộ tượng đã lỡ tặng cho các cơ quan công quyền vì không biết phải làm gì với chúng. Thậm chí có trường hợp người chủ nhận về phủ bạt sau nhà do không có chỗ để.
Công văn của Bộ không nghiêm cấm mà chỉ đề nghị, khuyến cáo không trưng bày, sử dụng cung tiến, biểu tượng, sản phẩm linh vật và các sản phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, như thế nào mới gọi là lạ và không phù hợp thì Bộ không hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, sau công văn của Bộ, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã đăng tải trên trang web của Bộ một số mẫu linh vật Việt Nam như mẫu sư tử đá và nghêu đá,... Song các mẫu tượng này quá ít và phần lớn đều đã cũ, nhiều ý kiến cho rằng các mẫu nói trên không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Vì Bộ chỉ khuyến cáo mà không nghiêm cấm nên thời gian qua chúng tôi vận động là chính, việc triển khai vì thế gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, Sở đang tập trung vận động dẹp tượng “lạ” tại các di tích, chẳng hạn như di tích đền thờ Lãnh Binh Thăng (Mỹ Thạnh, Giồng Trôm) có trưng bày sư tử “lạ” do gia tộc cung tiến. Riêng các cơ quan công quyền, Sở cũng sẽ tiếp tục gửi công văn khuyến cáo tháo dỡ nhưng việc họ có chấp hành triệt để hay không thì lại là chuyện khác.
Ông HUỲNH VĂN HÙNG,
Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bến Tre
Trong việc trưng bày các linh vật tại cơ quan công quyền, cần chọn những linh vật gần gũi với người dân. Thế nhưng theo tôi biết thì hiện nay quy định vẫn chưa rõ ràng nên chúng ta cũng không nên quá kỳ thị đối với những tượng đã có trước đó. Trước mắt không nên phát sinh thêm, cái nào lỡ làm rồi mà thấy đẹp, không phản cảm thì cứ giữ lại chứ không nhất thiết phải bỏ đi rất lãng phí.
Ông LÊ VĂN EM,
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh Bến Tre
End of content
Không có tin nào tiếp theo