Đà Nẵng đang lúng túng, đối diện với bức xúc của dân và DN khi cấp "Giấy đi đường" theo mẫu mới
Đà Nẵng: Thông tin chi tiết các nhóm đối tượng tiêm 33.600 liều vaccine Moderna / Sân bay Đà Nẵng lên tiếng "phản ứng" về phân bổ vaccine phòng COVID-19
Kỳ vọng thông thoáng…
Hiện đang nổi lên rất nóng tại Đà Nẵng là việc cấp "Giấy đi đường" theo Chỉ thị số 05/CT-UBND (ngày 30/7) của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về giãn cách xã hội toàn TP kể từ 16h ngày 31/7. Chỉ trong 6 ngày Đà Nẵng phải có tới 3 lần đổi mẫu Giấy đi đường, cho thấy đang có sự lúng túng, ách tắc và không tạo được đồng thuận. Vì vậy công luận rất trông chờ thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP về vấn đề này.
Người dân, doanh nghiệp tập trung đông và đầy mệt mỏi, lo lắng ở trụ sở UBND một phường trên địa bàn quận Thanh Khê để xin cấp "Giấy đi đường".
Cùng với đó là tình trạng một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp "Giấy đi đường" tràn lan, không đúng đối tượng, mục đich tham gia giao thông, gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát của các lực lượng chức năng. Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giao Văn phòng UBND TP khẩn trương tham mưu điều chỉnh mẫu "Giấy đi đường" và hướng dẫn thẩm quyền, quy trình để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 4/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy “đề nghị các đơn vị, địa phương vừa làm vừa điều chỉnh những bất hợp lý trong việc cấp "Giấy đi đường" cho người dân. Sắp tới có những quy định mới về thẩm quyền xác nhận, cấp "Giấy đi đường" nên chúng ta sẽ khắc phục được những khó khăn hiện tại”.
Đặt trong ngữ cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người dân, doanh nghiệp ở Đà Nẵng “kỳ vọng” mẫu Giấy đi đường mới sẽ tạo “thông thoáng” cho việc đi lại, làm ăn dù đang gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, ngay sau khi mẫu "Giấy đi đường" và các quy định mới được ban hành chiều 4/8, có hiệu lực thi hành từ 12h ngày 6/8 thì đã gây ra rất nhiều phản ứng của dự luận bởi sự rắc rối, phức tạp, thậm chí trút gánh nặng lên cấp xã, phường một cách bất khả thi.
Cảnh ggười dân Đà Nẵng chen nhau xin Giấy đi đường vào sáng ngày 6/8/2021. Ảnh: Hải Châu
Thực tiễn rắc rối phát sinh bức xúc...
Tại cuộc họp chiều 5/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng dành nhiều thời gian bàn cách tháo gỡ vướng mắc khi thay đổi mẫu Giấy đi đường. Theo các phản ánh tại cuộc họp, tại nhiều trụ sở UBND phường, người dân tập trung đông để xin Giấy đi đường.
Mặc dù, mẫu Giấy đi đường cũ vẫn còn hiệu lực đến 12h trưa 6/8 nhưng ngay trong ngày 5/8 đã có nhiều chốt kiểm soát yêu cầu phải thực hiện mẫu Giấy đi đường mới. Một chốt kiểm soát yêu cầu lái xe container phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR.
Mẫu "Giấy đi đường" mới yêu cầu: “Đối với cơ quan công sở nhà nước thì cơ quan cấp giấy đi đường cũng chính là cơ quan xác nhận” gồm có 2 dấu là không phù hợp. Nhiều chốt kiểm soát yêu cầu phải có đủ 2 dấu mới cho qua chốt. Nhiều UBND phường yêu cầu phải có bảng lương, bảng đóng bảo hiểm xã hội mới xác nhận "Giấy đi đường" cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp có 9 xe container được phép lưu thông nhưng UBND phường chỉ cấp một nửa số giấy đi đường…
Trước tình cảnh nêu trên, ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đã không khỏi ngao ngán khi trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam: “Doanh nghiệp cứ phải loay hoay với cái "Giấy đi đường" thế này thì thời gian đâu mà tổ chức sản xuất? Đà Nẵng chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhưng thực hiện thì còn rắc rối và lúng túng”.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản – Thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh, vì đã trải qua nhiều đợt dịch, thậm chí là tâm dịch hồi tháng 7/2020 nên lẽ ra Đà Nẵng phải đi đầu cả nước về việc hình thành bộ quy chuẩn ứng xử với dịch COVID-19, khi xảy ra đợt dịch mới là giở bộ quy chuẩn này ra, căn cứ tình hình thực tế xem có cần bổ sung, chỉnh sửa gì không, và triển khai thực hiện, rất chủ động.
“Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Đà Nẵng ứng xử với đợt dịch lần này cứ ngỡ ngàng, lúng túng như chưa xảy ra dịch lần nào. TP đã vài lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16/CT-TTg, nhưng chưa lần nào rối như lần này. Chính quyền TP đã tính toán "Giấy đi đường" đóng góp bao nhiêu phần trăm giá trị trong việc phòng, chống dịch trước khi ban hành hay chưa mà khiến mọi người dân, mọi doanh nghiệp phải rối tung lên như thế này?” - ông Trần Văn Lĩnh đặt vấn đề.
End of content
Không có tin nào tiếp theo