Sân bay Đà Nẵng lên tiếng "phản ứng" về phân bổ vaccine phòng COVID-19
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng lại phát sinh hai chuỗi lây nhiễm mới có nguy cơ
Người lao động trong lĩnh vực "dịch vụ thiết yếu hàng không" được tiêm vaccine quá thấp
Ngày 26/7, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã ký Công văn số 3328/KH-SYT triển khai Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna) trên địa bàn TP năm 2021 (tiêm mũi 1 từ ngày 29/7 đến 5/8; mũi 2 từ ngày 28/8 đến ngày 5/9). Một trong các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine theo kế hoạch này là “Người cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không (ưu tiên nhóm người trực tiếp phục vụ các chuyến bay nhập cảnh)”.
Gần 2 năm qua có tới 80% chuyến bay giải cứu quốc tế đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về đổ dồn vào sân bay Đà Nẵng, và nay thêm các chuyến bay giải cứu quốc nội cho các tỉnh trong khu vực.
Theo văn bản hỏa tốc này, Cảng HKQT Đà Nẵng là cửa ngõ quan trọng của miền Trung – Tây Nguyên, thường xuyên phục vụ các chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay chuyên chở lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đi/đến khu vực này. Đồng thời là Cảng HKQT thực hiện nhiệm vụ đón các chuyến bay giải cứu hành khách cao nhất trong cả nước, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
“Thời gian qua Cảng HKQT Đà Nẵng đã chủ động rà soát, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, phối hợp với CDC Đà Nẵng và các đơn vị liên quan đón hàng trăm chuyến bay quốc tế với hàng chục ngàn lượt công dân Việt Nam được giải cứu từ nước ngoài về nước, bảo đảm chính sách của Nhà nước, là sân bay đứng đầu về chuyên chở hỗ trợ đồng bào ở nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh!” – ông Lê Xuân Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Cảng HKQT Đà Nẵng Lê Xuân Tùng, hiện hầu hết trong số 21 Cảng HK trên cả nước đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, nhiều Cảng HK đã hoàn thành tiêm mũi 2, riêng đầu cầu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã có 100 cán bộ nhân viên tiêm mũi 1, hơn 60% tiêm mũi 2.
Trong khi đó, Cảng HKQT Đà Nẵng với vai trò là đơn vị khai thác, chủ trì điều phối mọi hoạt động phục vụ bay, phục vụ hành khách nhưng qua 2 đợt tiêm vaccine vừa qua, cán bộ nhân viên Cảng HKQT Đà Nẵng được phân bổ số lượng vaccine quá ít, chỉ có 177 người tiêm mũi 1 trong tổng số 857 người của toàn đơn vị.
Đại đa số cán bộ, nhân viên trực tiếp phục vụ bay, phục vụ hành khách chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao, nếu một cán bộ nhân viên bị nhiễm dịch bệnh sẽ dẫn đến đình trệ dây chuyền phục vụ, có thể phải tạm thời dừng hoạt động bay.
Do vaccine phân về cho Bệnh viện C Đà Nẵng còn hạn chế?
Qua tìm hiểu của Doanh nghiệp Việt Nam, theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì Bệnh viện C Đà Nẵng là đơn vị phụ trách tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Trung ương đóng trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên tại Công văn hỏa tốc số 930/BVC-KHTH ngày 22/7, BS Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết số lượng vaccine mà Bộ Y tế cấp cho Bệnh viện C Đà Nẵng đợt này chỉ 6.360 liều (tương đương 3.180 người), còn hạn chế so với nhu cầu của các đơn vị (trên 9.000 người đăng ký).
Do vậy, đối với khu vực hàng không, Bệnh viện C Đà Nẵng dự kiến phân bổ số lượng tiêm vaccine đợt này cho VietJet Air 176 người (60% số lượng đăng ký), Công ty Quản lý bay miền Trung (thuộc Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam) 200 người (65% số lượng đăng ký) và Chi nhánh miền Trung của Vietnam Airlines 32 người.
Phó Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không (ANHK) Đà Nẵng Hà Hữu Hoàng cho biết, sau khi nhận thông tin về phân bổ tiêm vaccine nêu trên, nhiều cán bộ nhân viên Cảng HKQT Đà Nẵng rất tâm tư khi thấy đợt này không có liều vaccine nào dành cho một đơn vị “đứng mũi chịu sào” phục vụ các chuyến bay giải cứu quốc tế lẫn quốc nội và đang phải ngày đêm trực tiếp đối mặt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Trong 3 đơn vị hàng không được Bệnh viện C Đà Nẵng phân bổ vaccine nêu trên thì Công ty Quản lý bay miền Trung là đơn vị điều hành không lưu, không nằm trong phạm vi Cảng HKQT miền Trung mà nằm biệt lập ở một khu vực khác, không có hoạt động trực tiếp tiếp xúc với hành khách, không trực tiếp phục vụ hành khách. Thế nhưng đợt này họ được phẩn bổ 200 liều vaccine; trong khi toàn bộ khối Cảng HKQT Đà Nẵng không có một người nào được tiêm vaccine. Việc đã tạo ra phản ứng rất lớn trong sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Ông Hà Hữu Hoàng cho rằng việc phân bổ vaccine cho khối hàng không cần căn cứ theo đề xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Cảng HKQT Đà Nẵng, bởi họ mới là người trực tiếp nhất để đánh giá đơn vị nào cần đến đâu. Tất cả chúng ta bây giờ đều cần vaccine nhưng đơn vị nào cấp bách hơn, cần hơn thì ưu tiên phân bổ. Tại Công văn 3328/KH-SYT ngày 26/7, Sở Y tế Đà Nẵng cũng nêu rõ ưu tiên cho người cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, nhất là ưu tiên nhóm người trực tiếp phục vụ các chuyến bay nhập cảnh!
Không có lực lượng An ninh hàng không thì sân bay đóng cửa!
Ông Hà Hữu Hoàng cho hay, có tới 80% chuyến bay giải cứu quốc tế đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về đổ dồn vào sân bay Đà Nẵng. Từ ngày 15/5/2020 đến 26/7/2021, Cảng HKQT Đà Nẵng đã đón 213 chuyến bay giải cứu quốc tế với gần 41.000 người. Qua gần 2 năm đảm nhận nhiệm vụ chính trị gánh vác cho cả nước trong việc đón các chuyến bay giải cứu quốc tế, nay thêm các chuyến bay giải cứu quốc nội cho các tỉnh trong khu vực, các lực lượng chức năng ở sân bay Đà Nẵng luôn rất căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
Đối với lực lượng ANHK, ông Hà Hữu Hoàng cho biết, tính chất công việc là phải làm theo ca kíp và tiếp xúc với nhau, tiếp xúc với hành khách rất nhiều. Nếu không chăm lo và có biện pháp bảo vệ cho lực lượng này thì chỉ cần 1 – 2 kíp trực của ANHK có người dương tính thì tất cả sẽ trở thành F0, F1 hết, không ai cho đi làm cả, và như vậy cũng có nghĩa phải đóng cửa sân bay.
Hai năm nay dịch giã rất phức tạp nhưng Trung tâm ANHK Đà Nẵng vẫn luôn động viên cán bộ, nhân viên nỗ lực gánh vác nhiệm vụ chính trị đón các chuyến bay giải cứu quốc tế, quốc nội và các chuyến bay thương mại. Suốt ngày phải xịt cồn, khử khuẩn, cứ mỗi chuyến bay về mà có ca dương tính là phải tập trung cả kíp trực mười mấy người có liên quan, có tiếp xúc đi xét nghiệm.
“Từ đầu năm 2021 tới giờ có tới mấy chục lần phải đi xét nghiệm, chọc toét hết cả mũi rồi. Thế mà khi phân bổ vaccine đợt này thì lực lượng ANHK Đà Nẵng không có một mũi nào, khiến nhiều cán bộ, nhân viên trong đơn vị thắc mắc có hay chăng tình trạng có “công văn riêng” hay “xin cho” gì ở đây?” – ông Hà Hữu Hoàng nói.
Theo ông, không một sân bay nào khác có thể cử ANHK về làm thay công việc của ANHK Đà Nẵng. Không có ANHK thì các chuyến bay giải cứu quốc té không thể về sân bay Đà Nẵng, các chuyến bay thương mại nội địa không có ANHK phục vụ thì cũng không thể nào có quy trình để lên máy bay. Ông Hoàng đặt vấn đề: “Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà sân bay bị đóng cửa thì làm sao thu hút đầu tư?”.
Giám đốc Cảng HKQT Đà Nẵng Lê Xuân Tùng đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng quan tâm tạo điều kiện ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số cán bộ, nhân viên trực tiếp phục vụ hành khách của đơn vị.
“Qua đó góp phần hỗ trợ Cảng HKQT Đà Nẵng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn khai thác Cảng HK, sân bay, thực hiện nhiệm vụ đầu cầu trọng điểm vận chuyển hành khách, hàng hóa trong thời gian tới!” - Giám đốc Cảng HKQT Đà Nẵng Lê Xuân Tùng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo