Góc nhìn

Tiếp theo uẩn khúc ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Lộ “đất vàng” quốc phòng bị sử dụng bừa bãi

DNVN – Dưới danh nghĩa xây dựng chợ tạm phục vụ dân sinh, Công ty CP Thương mại và xây dựng HPT đã xây dựng không phép một quần thể các công trình kiểu resort, bar cà phê… trên diện tích gần 3.000 m2. Chưa hết, Công ty HPT còn dùng địa điểm này cho thuê làm bãi tập kết xe điện 4 bánh phục vụ du lịch.

Vĩnh Phúc: Những uẩn khúc trong việc lựa chọn doanh nghiệp thí điểm xe điện chở khách du lịch / Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Triển khai chui hoạt động xe điện du lịch

“Đất vàng” quốc phòng đem cho thuê

Liên tiếp trong các số ra gần đây, Doanh nghiệp Việt Nam đã đề cập đến những “uẩn khúc” trong việc lựa chọn doanh nghiệp thực hiện thí điểm xe 4 bánh chở khách du lịch (xe điện) tại thị trấn Tam Đảo. Trong khi người dân thị trấn Tam Đảo có đủ năng lực tài chính, có quyền sử dụng đất, hạ tầng và được tổ chức trong mô hình kinh tế hợp tác bị gạt ra bên rìa thì đơn vị được “lựa chọn” thực hiện thí điểm - Công ty CP thương mại du lịch phát triển xe điện Vĩnh Phúc (Công ty xe điện Vĩnh Phúc) lại không hề có quyền sử dụng m2 đất nào ở thị trấn Tam Đảo.

Lô đất vàng tại địa chỉ tổ dân phố 1, thị trấn Tam Đảo thuộc quyền quản lý sử dụng của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng.

Lô đất vàng tại địa chỉ tổ dân phố 1, thị trấn Tam Đảo thuộc quyền quản lý sử dụng của Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng.

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh, dưới sự “bảo trợ” và đồng ý của Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 8/9/2021 Công ty xe điện Vĩnh Phúc đã ký hợp đồng thuê địa điểm khu đất của Công ty HPT tại địa chỉ tổ dân phố 1, thị trấn Tam Đảo để sử dụng “làm trụ sở công ty và bến xe điện, xe xăng”.

Theo nội dung Hợp đồng cho thuê địa điểm, Công ty HPT tự xác định “chủ sử dụng đất” theo Hợp đồng ủy quyền số 09/2018 – HĐUQ/LHKHSXCNM-HPT. Lần theo nội dung này, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã tìm ra chủ đất thực sự của lô “đất vàng” có vị trí thuộc loại đắc địa nhất của thị trấn Tam Đảo - đó là một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo xác nhận của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, lô “đất vàng” hiện Công ty HPT đang sử dụng như một quần thể bar, resort, cho thuê bãi tập kết xe điện 4 bánh thuộc quyền sử dụng đất của Viện Khoa học và Công nghiệp quân sự, Bộ Quốc phòng (Viện KHCNQS). Lô đất này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp quyền sử dụng đất từ năm 1995, có diện tích cấp là 2.005 m2, tuy nhiên diện tích thực tế hiện nay đã “nở” ra gần 3.000 m2.

Chợ tạm Tam Đảo được Công ty HPT xây dựng không phép một quần thể Bar, resort... vi phạm trật tự xây dựng.

Chợ tạm Tam Đảo được Công ty HPT xây dựng không phép một quần thể Bar, resort... vi phạm trật tự xây dựng.

Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, do chợ chính thức của thị trấn Tam Đảo mới được quy hoạch, UBND thị trấn Tam Đảo đã đề xuất sử dụng tạm phần đất hiện chưa sử dụng của Viện KHCNQS để làm chợ tạm trong thời gian chờ xây chợ chính. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tài – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc: “Khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp nhận, Công ty HPT đã triển khai xây dựng một số hạng mục công trình. Việc triển khai xây dựng của công ty khi chưa đủ các thủ tục pháp lý là vi phạm quản lý trật tự xây dựng”.

Trong một động thái thể hiện “chủ quyền” với lô đất gần đây nhất, ngày 5/10/2021 Viện KHCNQS đã có công văn số 2179/VKHCNQS-KHCN do Phó Giám đốc Viện, Đại tá Lê Quang Trung gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: “Viện KHCNQS tiếp tục hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo và thị trấn Tam Đảo vị trí do Viện KHCNQS được giao quản lý thông qua Công ty CP thương mại và xây dựng HPT làm chợ tạm và đầu tư phục vụ phát triển du lịch trong khoảng 3 năm”.

Vậy làm sao có chuyện Viện KHCNQS buông quyền quản lý “đất vàng” quốc phòng, “tạo điều kiện” “ủy quyền” để tư nhân sử dụng, cho thuê thu lợi nhiều tỉ đồng mỗi năm?

Thu hàng trăm triệu đồng của dân và dấu hiệu trốn thuế…

Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã nhiều người dân phản ánh họ đã ký hợp đồng thuê kiot và mỗi hộ đã nộp hàng chục triệu đồng tiền thuê cho Ban quản lý chợ tạm của Công ty HPT, nhưng đến nay công ty này vẫn không chịu bàn giao kiot cho người dân, cũng không trả lại tiền. Hiện các hộ dân đã có đơn kêu cứu gửi các cấp chính quyền để đòi lại tiền đã nộp cho Công ty HPT.

Bên trong chợ tạm Tam Đảo.

Bên trong chợ tạm Tam Đảo.

Theo một bản Hợp đồng “thuê địa điểm bán hàng tại chợ thị trấn Tam Đảo” được ký ngày 1/8/2020 giữa người dân và Ban quản lý chợ thị trấn Tam Đảo của Công ty HPT thì thời hạn của hợp đồng là 3 năm, “bắt đầu từ ngày 1/8/2020 đến 1/8/2023”. Như vậy thời gian cho thuê cũng rất phù hợp với thời gian Viện KHCNQS sẵn sàng cho thị trấn Tam Đảo mượn đất. Vấn đề là Công ty HPT còn biết trước là lãnh đạo Viện KHCNQS sẽ sẵn sàng cho mượn đất thêm 3 năm!

Như trong bài “Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Triển khai chui hoạt động xe điện du lịch” đăng tải ngày 2/11/2021, Doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh dấu hiệu trốn thuế của Công ty HPT trong việc cho Công ty xe điện Vĩnh Phúc thuê đất làm địa điểm tập kết xe điện du lịch. Hợp đồng thuê đất được ký ngày 8/9/2021 giữa Công ty HPT và Công ty xe điện Vĩnh Phúc không hề có con số cụ thể về diện tích đất thuê cũng như giá thuê hàng tháng, hàng năm… việc thanh toán tiền thuê nhà và chi phí sử dụng diện tích thuê theo hợp đồng được thực hiện theo hình thức trả trực tiếp bằng tiền mặt. Rõ ràng, đây là những dấu hiệu của việc trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần làm rõ và chấm dứt sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng… đang diễn ra tại lô "đất vàng" quốc phòng thuộc quyền quản lý, sử dụng của Viện KHCNQS Bộ Quốc phòng!

Khánh Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm