Bản sắc văn hóa độc đáo trong Tết cổ truyền của người Thổ ở Thanh Hóa
Tết Nguyên Đán người Thổ kéo dài 12 ngày
Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Thổ cũng gói bánh chưng, cũng làm các thứ bánh. Bánh chưng của họ gói tròn và họ gọi là bánh tày, tuy nguyên liệu làm bánh cũng như người Kinh: gói bằng lá dong, bánh bằng gạo nếp, có nhân đậu và thịt hoặc đường với đậu xanh dùng để cúng Phật. Tết cổ truyền của người Thổ diễn ra trong vòng 12 ngày, từ ngày 25/12-7/1 Âm lịch. Đây chính là dịp để đồng bào Thổ thăm hỏi, chúc phúc cho nhau, cũng là dịp giao lưu, gặp gỡ mọi người cùng vui mừng năm mới, uống rượu, đánh chiêng, trống, tổ chức các sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống.
Tết bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp Âm lịch bằng Lễ tảo mộ. Ngày này, mỗi nhà cùng nhau ra mộ ông bà, tổ tiên dọn dẹp, sửa sang phần mộ sạch sẽ, đắp thêm đất mới, thắp hương, đặt hoa, quả thành kính tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, đồng thời, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Sau Lễ tảo mộ là Lễ Thắp ấn, con cháu báo với ông bà, tổ tiên tạm thời nghỉ các công việc đồng áng để chuẩn bị đón năm mới.
Vào trưa ngày 30 tháng Chạp, từng gia đình sẽ làm một mâm cúng ngọt gồm các loại bánh, kẹo, đường, chuối… Đến chiều 30, họ bắt đầu nấu thịt lợn, thịt gà, làm bánh để cúng. Bên cạnh các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh tét thì dân tộc Thổ còn có một số loại bánh đặc trưng khác, đó là bánh ít, bánh vọt, bánh đầu chó, bánh thính…
Phong tục đón Tết của người Thổ ở Thanh Hóa khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào những ngày Tết, đó là bàn thờ cúng tổ tiên được trang hoàng lộng lẫy và được đặt trang trọng ở trung tâm nhà, thẳng với cửa ra vào. Phụ nữ trong gia đình không được soạn lễ, thắp hương ở bàn thờ cúng tổ tiên, công việc này chỉ dành riêng cho đàn ông. Đặc biệt, bàn thờ tổ tiên của từng gia đình thì người trong gia đình mới được thắp hương, còn người ngoài thì không. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Thổ còn có một bàn thờ nhỏ đặt ngoài sân gọi là thờ Thiên Đài, để thờ cúng những người phụ nữ không chồng, không con đã khuất.
Vào đêm 30, các gia đình làm một mâm cơm cúng tổ tiên và đón giao thừa. Sau khi mâm cỗ được chuẩn bị xong, từng gia đình mời thầy mo đến làm lễ cúng. Cũng vào đêm giao thừa, mọi sự thăm thú được kết thúc, bắt đầu từ 12 giờ đêm 30 kéo dài đến 12 giờ trưa mồng 1 Tết. Lúc này, mọi nhà đều đóng chặt cửa cổng, không cho bất cứ ai ra, vào, nhất là trẻ con lại càng không được ra ngoài đường. Bởi, người Thổ quan niệm, khoảng thời gian này, có người đến nhà chơi sẽ mang lại nhiều tai ương, vận hạn cho gia đình.
Lễ hội Tết người Thổ độc đáo và đa dạng
Vào 6 giờ sáng mồng 1 Tết, mỗi gia đình đều làm một mâm cơm, còn gọi là mâm cơm “Xết cả”, với ý nghĩa ngày này được ăn no thì cả năm sẽ sung túc, đủ đầy. Đến chiều mồng 1 hoặc sáng mồng 2 Tết, các gia đình đều cho trâu, bò ăn bánh, để cầu mong vật nuôi không bị bệnh tật và trả ơn các con vật trong năm qua đã vất vả giúp người. Đây được gọi là Lễ trả ơn - Một nét đặc sắc trong lễ, Tết của dân tộc Thổ.
Điều đặc biệt nhất là lễ hội đón Tết của người Thổ đều bắt đầu từ ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Các gia đình làm lễ tiễn ông bà về với tổ tiên, đồng thời, tổ chức nhảy múa, hát hò… Những đôi nam nữ cùng nhau hát điệu Dạời (hay còn gọi là hát giao duyên). Nam xướng, nữ họa, nam đối, nữ đáp, trai một câu rồi đến gái một câu, trao nhau những lời đằm thắm, êm dịu, ân tình. Vừa hát, họ vừa đưa mắt nhìn nhau, để cho trái tim cùng rung động. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau hát, múa, hòa theo tiếng cồng chiêng cùng tiếng kèn, tiếng trống quyện với thiên nhiên, cây, cỏ, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa đồng bào Thổ.
Ngày Tết, cũng như các đồng bào dân tộc khác, đồng bào dân tộc Thổ không thể thiếu những trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, thi cà kheo… Các trò chơi này thể hiện tính cộng đồng của dân tộc Thổ trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong các dịp lễ, Tết với ý nghĩa cầu mong mùa màng tươi tốt, nhà cửa ấm no, sung túc, yên vui. Đây là dịp để nam thanh, nữ tú dân tộc Thổ thi tài, cũng là dịp gặp gỡ, giao duyên của họ
Từ ngày mồng 3-6 Tết là những ngày bà con trong làng đi thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau. Riêng ngày mồng 4, đồng bào Thổ còn làm Lễ cột tay, cúng vía cầu mong những người cao tuổi trong gia đình mình được sống lâu bên con cháu. Đến ngày mồng 7, dân tộc Thổ bắt đầu làm Lễ xuống đồng khai hạ, với hy vọng sẽ có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con người được bình an, mạnh khỏe. Khi Lễ xuống đồng kết thúc cũng là lúc mọi người bắt đầu quay trở lại với cuộc sống thường nhật, bận rộn với nương rẫy, ruộng vườn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng khi đối diện cáo buộc trốn thuế, tống tiền, hôn nhân với vợ cũ bị nghi ngờ
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Ông xã hơn 17 tuổi khiến Khánh Vân “ngã ngửa” bởi hành động bất ngờ sau hôn lễ
Phan Như Thảo phải cắt túi mật vì giảm cân sai cách, thừa nhận sai lầm vì đẹp mà bất chấp
Rầm rộ loạt tin nhắn riêng tư của Đàm Vĩnh Hưng và vợ chồng Bích Tuyền, nội dung gây rúng động MXH