Bất động sản

Khan hiếm quỹ đất, doanh nghiệp phát triển BĐS ‘ồ ạt’ đổ về các tỉnh

Giá đất nền, chung cư tại các thành phố lớn tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp đổ về các tỉnh lân cận săn lùng quỹ đất sạch. Đây cũng đang là xu hướng được nhiều nhà đầu tư đi theo.

Đầu tư đất nền và quy luật 10 năm tăng gấp 3 lần / Bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn

12-10-BDS-tinh-le-1299-1602494681.jpg

Do khan hiếm quỹ đất tại các thành phố lớn, cùng với sự phát triển BĐS công nghiệp tại các tỉnh nên nhiều nhà phát triển BĐS đang hướng tới các dự án ở đây (Ảnh: Int)

Theo báo cáo thị trường của một số đơn vị nghiên cứu, kinh doanh bất động sản (BĐS), giá đất và nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM mặc dù trong "cơn bão" dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng từ 3-20% tuỳ khu vực.

Trăm hoa đua nở

Như Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, thị trường nhà - đất tại 2 thành phố lớn nhất cả nước bất chấp dịch Covid-19 vẫn tăng đều đặn. Theo đó, giá BĐS tại Hà Nội tăng từ 3-6%, đặc biệt là phân khúc đất nền cực kỳ khan hiếm. Còn tại TP. HCM, giá nhà đất đã tăng từ 15-20%, chủ yếu ở các khu vực quận mới và khu vực dự kiến xây dựng TP Thủ Đức.

Báo cáo của CBRE cho hay, tại TP. HCM, giá bán trung bình tại thị trường sơ cấp trong quý III ở mức 1.966 USD/m2, tăng 1% so với quý II và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá tăng nhẹ 1% theo quý vì nguồn cung trong quý III chỉ tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Giá bán tại các phân khúc phần lớn giữ ổn định so với quý trước, tuy nhiên mặt bằng giá hiện tại đã cao hơn 3%-5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo CBRE, giá bán chung cư quý III/2020 tại Hà Nội giảm 4% theo năm. Mức giá sơ cấp được ổn định trong quý do nguồn cung từ phân khúc trung cấp vẫn thống lĩnh thị trường. Còn loại hình nhà ở gắn liền với đất do không có nhiều nguồn cung mở bán mới, giá bán thứ cấp cho biệt thự và liền kề ghi nhận tăng ở một số dự án tại Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Tây Hồ, lần lượt ở mức 2% và 7,2%.

 

Theo các chuyên gia BĐS, có nhiều nguyên nhân dẫn tới giá tăng cao, trong đó có tình trạng các dự án được cấp phép mới nhỏ giọt, quỹ đất trong thành phố hiện khan hiếm.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát triển BĐS bắt đầu đi tìm những quỹ đất mới tại các tỉnh lân cận, mở ra cơ hội cho các địa phương này phát triển các dự án mới.

Đơn cử như Danko Group, Kossy Group đã và đang tiến sang tỉnh Thái Nguyên, góp mặt cùng các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam như: Vingroup, ASC Group, Indevco, TNG…

Trong khi đó, một số tập đoàn như FLC, TNR, Ecopark... tiến sang các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa..

Ở phía Nam, trong 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS Bình Dương. BĐS "đất Thủ" thu hút được sự chú ý của người mua nhờ các dự án có vị trí gần với TP. HCM và việc thành lập 2 thành phố mới là Thuận An và Dĩ An trong đầu năm 2020.

 

Kỳ vọng BĐS ven đô phát triển

Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh, thành khác có lợi thế phát triển kinh tế khoáng sản, công nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư có xu hướng lựa chọn các địa phương để xây dựng các đô thị mới, vì thủ tục đấu thầu đất thuận lợi và chu kỳ đầu tư một dự án ngắn hơn so với dự án tại đô thị.

Theo các chuyên gia, tại phía Nam, xu hướng này sẽ lên ngôi trong vòng vài năm tới. Phát triển các dự án ra vùng ven như Bình Phước, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận… đang là giải pháp tối ưu của các chủ đầu tư lẫn các nhà đầu tư.

Còn tại phía Bắc, sự chuyển dịch phát triển các dự án BĐS nhà ở về các vùng như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nam… là bởi đây là các tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI mạnh, đồng thời BĐS công nghiệp cũng phát triển. Để đón đầu cơ hội, đáp ứng nhà ở cho người dân các địa phương này và các chuyên gia tại các khu công nghiệp, các dự án đô thị đang phát triển mạnh mẽ.

 

Điển hình, tỉnh Bắc Ninh có tới hàng chục dự án cùng triển khai một lúc; tại Hải Dương, các dự án như Ecopark Hải Dương, dự án đô thị mới Reverside… đều có thanh khoản rất tốt. Tại Hưng Yên, các sản phẩm dòng biệt thự và nhà liền kề cũng đang là tâm điểm của thị trường đất nền.

Ông Nguyễn Văn Đính, chuyên gia BĐS cho rằng, sự phát triển BĐS ra các tỉnh lân cận là tất yếu, khi khu vực này đang còn dư địa phát triển rất tốt cho cả BĐS nhà ở và BĐS công nghiệp. Hơn nữa, sự phát triển của hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh với Hà Nội và TP. HCM ngày nay khá thuận lợi, nên đây là những yếu tố để các nhà phát triển BĐS mở rộng “lãnh địa” đầu tư.

Còn ông Nguyễn Quốc Anh, Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn khẳng định thêm, không chỉ đất nền các tỉnh đang là xu hướng của các nhà phát triển BĐS, mà dòng tiền từ thị trường miền Nam hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển ra thị trường miền Bắc nói chung, do khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.

“Trong quý IV/2020, một số chủ đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam sẽ gia nhập thị trường miền Bắc. Theo quy luật, dòng tiền vào đâu nhiều thì giá BĐS ở đó sẽ tăng", ông Quốc Anh cho hay.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE cũng kỳ vọng, thị trường miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ có những diễn biến mới với các dự án được đầu tư bởi các chủ đầu tư đến từ miền Nam và doanh nghiệp tới từ nước ngoài.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm