Kỳ vọng gì ở bất động sản nghỉ dưỡng 2021?
Thị trường chung cư Hà Nội đắt hàng nhờ nguồn cung hạn chế / Bất động sản nghỉ dưỡng đang 'hồi sinh'
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng kỳ vọng vào năm 2021 (Ảnh: TL) |
Nhìn lại chặng đường của thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 có thể thấy hầu hết các mảng của thị trường đều nỗ lực duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19. Đặc biệt, một số phân khúc vẫn được coi là an toàn và hiệu quả cho đầu tư dài hạn.
Lạc quan thị trường
Điều đó được thể hiện trong một báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà gửi tới kỳ họp thứ X Quốc hội khoá XIV.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, hiện nay thị trường BĐS chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay “phát triển nóng”. Đồng thời, người đứng đầu ngành xây dựng cũng đưa ra những dự báo về tiềm năng và tín hiệu lạc quan của lĩnh vực BĐS trong năm 2021.
Nhìn lại năm 2020 vừa qua có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng toàn cầu. Tại Việt Nam, mảng thị trường này cũng điêu đứng khi hàng loạt khách sạn, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng phải đóng cửa. Nhưng đúng như những gì giới chuyên gia dự báo, chỉ cần kiểm soát dịch thành công, đây sẽ là mảng trỗi dậy nhanh nhất.
Để khẳng định điều này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhìn nhận, mặc dù Việt Nam bị sụt giảm khách quốc tế, nhưng đây vẫn là thị trường cơ hội cho các nhà đầu tư. Nguyên nhân là do chúng ta có tiềm năng rất lớn về du lịch.
Thực tế trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày, du lịch Việt Nam sẽ còn cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm. Cơ hội cho mảng BĐS du lịch trong năm 2021 còn rất nhiều.
Đón chờ cơ hội
Nhận định về BĐS du lịch nghỉ dưỡng thời gian tới, các chuyên gia dự báo rằng trong năm 2021 thị trường này sẽ có rất nhiều những kỳ vọng khác nhau về tăng trưởng kinh tế, nhưng con số chung vẫn là từ 6 - 7%. Với nền tảng đó, thị trường BĐS sẽ có sự tăng trưởng ở tất cả các phân khúc.
Bên cạnh đó, có rất nhiều chuyên gia cho rằng ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng sản phẩm. Đây cũng là điều cốt lõi kéo theo và tăng lượng khách mới, khách thân quen trở lại du lịch tại Việt Nam trong năm 2021.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, năm 2021 được dự kiến sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng và nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội tốt vì Việt Nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019.
Những địa phương phát triển BĐS nghỉ dưỡng tốt phải kể đến một số tỉnh, thành giáp ranh với Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh có bờ biển đẹp sẽ có kết quả giao dịch khởi sắc hơn, đồng thời thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
GS. Đặng Hùng Võ, chuyên gia BĐS dự báo, trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc BĐS du lịch kiểu mới vì việc sửa Luật Đất đai 2013 bị chậm lại tới 2023. Mặc dù vậy, các BĐS phục vụ vui chơi, giải trí cho khách du lịch lại có cơ hội phát triển tốt do nhu cầu du lịch tăng ngày càng cao.
Như vậy, nhìn chung theo các nhận định, thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm 2021 sẽ có sự tăng trưởng đáng kể hơn so với năm 2020, khi mà vắc-xin phòng ngừa Covid-19 sắp triển khai rộng rãi trên toàn cầu. Đây là chất xúc tác có thể lan toả đến toàn thị trường ở các phân khúc khác, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng đón chờ cơ hội từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào lĩnh vực này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo