Loại hình bất động sản nào phát triển tốt nhất trong năm 2021?
Người dân TPHCM "săn" nhà ngoại ô, sống xanh sau dịch / Nhà "đất vàng" Hà Nội tăng giá "khủng khiếp" như thế nào sau gần 2 thập kỷ?
BĐS công nghiệp được nhiều người bình chọn là loại hình phát triển tốt nhất năm 2021 (Ảnh: Int).
Khảo sát từ các khách hàng và nhà đầu tư của kênh thông tin Batdongsan.com.vn, bất động sản (BĐS) công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường năm 2021 bất chấp khó khăn từ nền kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhiều nhà đầu tư dịch chuyển
Ngay từ năm 2019, BĐS công nghiệp tại Việt Nam đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh trong thời gian tới.
Có thể thấy, năm 2019, với diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm kiếm các thị trường xung quanh Trung Quốc để dịch chuyển nhà máy sản xuất, đã kéo theo làn sóng phát triển BĐS công nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cộng thêm đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc, đã khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị phá vỡ, thay vào đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng nhắm đến các nước trong khu vực Đông Nam Á để chuyển dịch sản xuất, và Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn Việt Nam của Công ty JLL, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 và được thúc đẩy bởi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với BĐS công nghiệp.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT mới đây cho thấy, Pegatron (Đài Loan - Trung Quốc)- đối tác sản xuất của các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Apple hay Sony, có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng).
Bên cạnh các nhà đầu tư công nghiệp hiện hữu nổi tiếng như BWI, Logos, Mapletree, Boustead…, JLL quan sát thấy một số nhà đầu tư trong nước và gần đây nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đến phân khúc đầy tiềm năng này. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm các dự án phát triển công nghiệp với quy mô hàng trăm ha để phát triển một khu công nghiệp tổng thể từ các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng tăng.
Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết, tính đến tháng 9/2020, BĐS công nghiệp đón nhiều thương vụ mới. Điển hình cho xu hướng này là Tập đoàn Logos Property của Úc đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh BĐS logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Hay “gã khổng lồ” kho bãi châu Á - GLP đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam, hoặc Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...
Đặc biệt trong quý III/2020, Hà Nam đón đầu làn sóng FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ Tập đoàn Wistron (Đài Loan).
Việt Nam có nhiều lợi thế
Trước sự phát triển mạnh mẽ của BĐS công nghiệp trong 2 năm 2019-2020, nhiều nhà đầu tư cũng như các chuyên gia lạc quan về thị trường này. Theo khảo sát của kênh thông tin Batdongsan.com.vn mới đây, loại hình BĐS phát triển tốt nhất năm 2021 là BĐS công nghiệp với 54,4% bình chọn, tiếp đến là đất nền: 20,9%, chung cư: 14,5%, nhà đất: 10%.
Sở dĩ BĐS công nghiệp được đánh giá là loại hình phát triển nhất năm 2021, theo đánh giá của ông Jonh Campbell, là do Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các "đối thủ" trong khu vực châu Á. Đơn cử như hiện tại Việt Nam có nhiều khu công nghiệp sẵn sàng cho các dự án đầu tư nước ngoài. Chi phí nhân công rẻ, lực lượng lao động trẻ năng động. Đặc biệt, Việt Nam có một nền chính trị ổn định, tác động tích cực đến môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, BĐS công nghiệp không phải "miếng bánh ngon", bởi hạ tầng, logistics, kết nối với các cảng là những yếu tố đầu tiên và tiên quyết để các nhà đầu tư lựa chọn. Những năm gần đây, nhiều khu công nghiệp của Việt Nam đã có cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng do quá trình phát triển còn thiếu bài bản nên hạ tầng vẫn còn yếu, cần được quan tâm đầu tư.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường JLL Hà Nội cho rằng, BĐS công nghiệp không phải cuộc chơi của nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp. Ngoài khả năng tài chính, nhà đầu tư phải có kỹ năng quan hệ, có kinh nghiệm, đội ngũ marketing chuyên nghiệp mới có thể xin cấp phép được dự án. Hơn nữa, đây là mảng không chỉ đầu tư 2-3 năm mà kéo dài 50 năm, nên nhà đầu tư cần có sức “chịu đựng” tốt.
Bà Vân khuyến cáo, nếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, muốn tận dụng cơ hội từ BĐS công nghiệp mang lại, các nhà đầu tư cần đi vào thị trường ngách. Đó là các dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp như xây nhà trọ, xây nhà cho công nhân, xây dựng căn hộ dịch vụ, hoặc xây dựng các đô thị xung quanh khu công nghiệp…
End of content
Không có tin nào tiếp theo