Bất động sản

Muôn vàn cách kích hoạt 'ngủ Đông' của doanh nghiệp bất động sản thời Covid-19

Trước sự khó khăn của thị trường như giao dịch giảm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đóng cửa, các dự án ngừng trệ do vốn và pháp lý…, một số doanh nghiệp kích hoạt các giải pháp trong thời điểm “ngủ Đông” để gồng mình chống đỡ đại dịch Covid-19.

Cuộc chơi mới trên thị trường bất động sản sau đại dịch Covid-19 / Thị trường văn phòng Hà Nội đối mặt áp lực giảm giá thuê

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, quý I/2020 có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%.

Thị trường “ngủ Đông”

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ Đông”.

Một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là kinh doanh BĐS với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, cả nước có 1.000 sàn giao dịch BĐS thì có tới 500 sàn đóng cửa, các sàn còn lại cũng chỉ giao dịch cầm chừng.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, tình hình thị trường BĐS quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Đánh giá của JLL Việt Nam cho biết tại Hà Nội nguồn cung căn hộ đạt 4.600 căn, tương đương 65% nguồn cung quý trước, mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ và văn phòng tại Hà Nội không xuất hiện nguồn cung mới nào.

Còn tại Tp. HCM, nhà liền thổ và căn hộ vốn dĩ nguồn cung đã khan hiếm nay càng khan hiếm hơn do các vấn đề pháp lý và dịch bùng phát. Các sự kiện tiền mở bán phải hoãn lại. Tổng lượng mở bán chính thức tiếp tục thấp hơn trung bình hàng quý trong 5 năm qua. Ở căn hộ chung cư, khoảng 70% sự kiện mở bán bị hoãn lại so với kế hoạch.

Trên thị trường bán lẻ cũng không xuất hiện nguồn cung mới. Tuy nhiên, điểm sáng duy nhất tại Tp. HCM là thị trường văn phòng quý I/2020 chào đón khoảng 68.700 m2 sàn văn phòng mới hoàn thành đến từ phân khúc hạng B và C.

Tình trạng ảm đạm không kém ở phân khúc BĐS công nghiệp, khi cả nước không có khu công nghiệp mới nào được đưa vào hoạt động trên thị trường trong quý vừa qua.

Tại thị trường BĐS nghỉ dưỡng, số dự án ra hàng cũng không có, hơn nữa, tình trạng vắng khách du lịch, có những địa điểm như Đà Nẵng và Hội An chỉ còn hơn 10% khách du lịch, Khánh Hoà còn 30-40%... Hầu như các địa điểm nghỉ dưỡng, khách sạn, vui chơi giải trí đều đóng cửa.

Theo một thống kê của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam), trong quý I/2020, thị trường BĐS Tp. HCM chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc. Đặc biệt, phân khúc căn hộ, sản phẩm chủ đạo của thị trường BĐS nhà ở, đã suy giảm nguồn cung đến mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Mức giá và tình hình giao dịch thứ cấp giảm mạnh cho thấy tính thanh khoản của thị trường khá thấp.

Để tránh tình trạng "ngủ đông", một số doanh nghiệp BĐS đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt (Ảnh: Internet)
Để tránh tình trạng "ngủ đông", một số doanh nghiệp BĐS đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt (Ảnh: Internet)

Đa dạng các giải pháp

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp BĐS đã kích hoạt chế độ ngừng các hoạt động bán hàng, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các phương án ứng phó với khủng hoảng này.

Một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu doanh số, hạ mức tăng trưởng, cắt giảm ngân sách chi tiêu, ứng dụng công nghệ vào nhiều hoạt động. Về dài hạn, nhiều đơn vị đã có sự thay đổi chiến lược và chuẩn bị nâng cao năng lực của mình.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn CenGroup, để tồn tại trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sẽ có hai phương án: Thứ nhất, đối với doanh nghiệp có tích lũy tài chính ít, hoạt động chủ yếu dựa vào dòng tiền thu thường xuyên, họ sẽ chọn cách “ngủ đông” để cắt giảm chi phí, duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, thậm chí tránh lỗ thêm. Thứ hai, nếu doanh nghiệp đủ tích lũy về tiềm lực thì đây là giai đoạn nén, giống như một chiếc lò xo, họ sẽ ngấm ngầm chuẩn bị nguồn lực để bung ra khi khủng hoảng chấm dứt.

 

Đối với CenGroup, một doanh nghiệp kinh doanh BĐS, ở thời điểm này, thay vì mời khách hàng đến những địa điểm khách sạn sang trọng như trước, CenGroup giờ đâythực hiện việc mở bán để giới thiệu dự án qua hình thức livestream và áp dụng nền tảng công nghệ Cenhomes. Thông qua công nghệ này, khách hàng không cần phải đến trực tiếp dự án mà vẫn có thể cập nhật được tiến độ dự án và tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến dự án.

Theo chia sẻ của ông Phạm Thanh Hưng, bằng việc áp dụng công nghệ để phân phối BĐS, đến nay, doanh số ghi nhận đạt cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Tập đoàn CEO (CEO Group), một doanh nghiệp phát triển BĐS, lại thực hiện một giải pháp khác để ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp này đã nhấn chế độ “tạm nghỉ”, đồng thời thực hiện cấu trúc lại hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên.

Trong khi tạm hoãn các kế hoạch mở bán bất động sản, CEO Group vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình, duy trì vận hành các khu nghỉ dưỡng do Tập đoàn xây dựng...

Theo lãnh đạo CEO Group, tất cả sự chuẩn bị này nhằm để hết dịch, doanh nghiệp có thể sẵn sàng bật dậy về đích trong năm 2020, 2021 và xa hơn nữa.

 

Một số doanh nghiệp thì có những chiến lược dịch chuyển thị trường, hoặc tập trung vào các thành phố lớn, nơi có nhu cầu ở thực, hoặc phát triển đất nền ở các tỉnh sẽ quy hoạch trở thành đô thị loại 1, loại 2.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm